Ẩn số dòng tiền
Chỉ số tăng dần trên cả 2 sàn giao dịch, thanh khoản của thị trường chứng khoán ngày càng khởi sắc... Phải chăng thị trường đã xuất hiện cơ hội hồi phục?
Tuần qua, thị trường chứng khoán đã có một số dấu hiệu tích cực khi cả chỉ số và khối lượng giao dịch trên 2 sàn TPHCM và Hà Nội đều tăng so với tuần trước. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng một chu kỳ hồi phục nhưng phân tích của các chuyên gia lại khác.
Dòng tiền nhỏ vào sàn Hà Nội
Thống kê từ 2 Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và Hà Nội cho thấy tuần qua, VN-Index đã tăng 1,6 điểm so với tuần trước, HN-Index tăng mạnh hơn với 5,2 điểm. Về khối lượng giao dịch, tại sàn TPHCM không thay đổi nhiều nhưng trên sàn Hà Nội, khối lượng đã tăng mạnh dần qua từng phiên. Cụ thể, khối lượng giao dịch đã tăng từ 28,88 triệu cổ phiếu trong phiên đầu tuần lên 53,21 triệu cổ phiếu trong phiên cuối tuần. Khối lượng giao dịch trung bình đạt 43,16 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị trung bình hơn 503 tỉ đồng/phiên (trong khi giá trị giao dịch ở tuần trước chỉ khoảng 300 tỉ đồng/phiên)...
Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận xét: “Cảnh báo về nợ xấu của các ngân hàng (NH) đã không tạo ra tâm lý dao động cho nhà đầu tư, mà ngược lại, dù còn nhiều thử thách nhưng phiên cuối tuần, tâm lý thị trường đã tốt hơn”. Công ty Chứng khoán Quốc tế (VIS) thì cho rằng nhà đầu tư chuyển hướng mua mạnh sang sàn Hà Nội một phần vì lý do giá của nhiều cổ phiếu trên sàn này đã về mức rất thấp. Ngoài ra, do HN-Index không bị chi phối nhiều bởi các cổ phiếu lớn nên phản ánh trung thực hơn diễn biến thị trường giúp nhà đầu tư có thể xoay chuyển quyết định một cách kịp thời khi cần thiết.
Ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc ACBS - Chi nhánh Lê Ngô Cát, nhận xét: Dường như có một dòng tiền mới đang đổ vào sàn Hà Nội. Đây có thể là dòng tiền nhàn rỗi đến từ các nhà đầu tư thực sự nhìn thấy giá cổ phiếu đã về vùng hợp lý, an toàn nên chấp nhận mua vào. Đặc biệt là những người chưa giải ngân kịp ở chu kỳ giảm mạnh vừa qua...
Thách thức dòng tiền lớn
Một số chuyên gia thiên về xu hướng thận trọng lại cho rằng dòng tiền vào sàn Hà Nội không nhiều và khả năng sẽ không trụ lâu dài, trong khi dòng tiền chính đến từ nền kinh tế vẫn còn gặp khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ của NH Nhà nước. Đồng thời, khó khăn của các công ty chứng khoán về áp lực giải chấp vẫn còn... “Khi các công ty chứng khoán chưa thực sự “ổn” thì thị trường sẽ khó ổn định lâu dài, bởi chính các công ty chứng khoán là người hiểu mình, hiểu thị trường hơn ai hết”- một chuyên gia phân tích.
Một số ý kiến khác đánh giá dù tốc độ lạm phát đã giảm trong tháng qua, song gần đây, giá cả hàng hóa lại đang có dấu hiệu tăng lên và khả năng lạm phát cao vẫn có thể quay lại vào những tháng cuối năm. Chưa kể, tháng 7 là tháng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng của doanh nghiệp niêm yết. Với tình hình tài chính thắt chặt, kinh tế khó khăn như vừa qua thì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khó có thể khả quan...
Ông Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng: NH Nhà nước cuối tuần qua đã giữ nguyên quan điểm không lùi thời hạn giảm tỉ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất xuống 22% vào cuối tháng 6 và hạ xuống 16% vào cuối năm. Điều này cho thấy các NH thương mại, đặc biệt là 15 NH còn “vướng”, sẽ phải tiếp tục thu hồi các khoản nợ. Chưa kể, cuối năm nay, cũng là thời điểm mà các NH chưa đủ vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng đã được gia hạn, nay bắt buộc phải thực hiện... “Khi dòng tiền còn “gặp khó” thì khả năng tăng điểm bền vững của thị trường là điều không dễ dàng…”- ông Chí bình luận.
Khối ngoại giao dịch thất thường
Theo VIS, so với tuần trước đó, tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang xu hướng bán ròng trên sàn TPHCM. Lũy kế, khối ngoại đã bán ròng 10,2 tỉ đồng, trong khi đó, khối này đã mua ròng gần 237 tỉ đồng tuần trước đó. Thời gian gần đây, động thái mua bán của khối ngoại khá thất thường, khác xa so với “thói quen” đầu tư của họ trong thời gian trước.
Diễn biến này phản ánh phần nào tâm lý không mấy lạc quan của các nhà đầu tư ngoại đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn... Thận trọng vẫn là khuyến nghị của VIS đối với các nhà đầu tư ngắn hạn trong các quyết định mua bán hiện nay. |
SƠN NHUNG
Người lao động
|