Thứ Bảy, 11/06/2011 10:33

Môi giới tránh ngồi tù oan, cách nào?

Liên quan đến vụ việc nhân viên môi giới Lê Minh Truyền bị khởi tố vì tội “tiếp tay cho làm giá chứng khoán”, nhiều ý kiến cho rằng, những vi phạm kiểu này xảy ra khá thường xuyên trong hoạt động môi giới trên TTCK Việt Nam. Vậy đâu là ranh giới giữa việc vi phạm hành chính và phạm tội hình sự trên TTCK? Và qua sự việc này, các môi giới cần rút ra những bài học gì?

Môi giới chứng khoán: Nghề nguy hiểm?

Ông Nguyễn Huyền Cường, Thẩm phán Tòa kinh tế - Toà án nhân dân TP. Hà Nội

Việc ông Lê Minh Truyền, nhân viên môi giới của CTCK Sacombank (SBS) phạm tội sẽ bị xử lý đến mức nào còn phải chờ cơ quan chức năng làm rõ. Liên quan đến vụ án này, có ý kiến cho rằng, sự bất công ở chỗ pháp luật chỉ truy tố trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, chứ không làm việc tương tự với tập thể, pháp nhân. Tuy nhiên, đây là điều hiển nhiên trong lịch sử tố tụng, cũng như khoa học pháp lý và sẽ không có sự thay đổi. Bởi khi nói đến trách nhiệm hình sự là nói đến con người cụ thể, với hành vi phạm tội cụ thể, không ai bắt một pháp nhân đi tù cả.

Để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, các môi giới cần loại bỏ thói quen rất nguy hiểm hiện nay là không sử dụng tối đa các công cụ pháp lý để bảo vệ mình. Muốn vậy, người làm nghề môi giới chứng khoán cần nhận thức rõ rủi ro đến từ đâu, ở khâu tác nghiệp nào. Về nguyên tắc, cá nhân chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi họ có tội, nên vấn đề đặt ra với các môi giới là cần loại trừ yếu tố dẫn đến khả năng phạm tội trong quá trình hành nghề. Do đó, khi nhận nhiệm vụ tại bất cứ CTCK nào, nhân viên môi giới cần đề nghị công ty có văn bản phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; trong đó làm rõ môi giới được làm những gì, không được làm những gì. Nghĩa là, nếu môi giới chỉ làm những gì được uỷ quyền, thì khi xảy ra tranh chấp, theo quy định của Bộ luật Dân sự, người uỷ quyền, ký quyết định phân công công việc cho môi giới phải chịu trách nhiệm.

Trong môi trường hành nghề có nhiều rủi ro như môi giới chứng khoán, nếu không có biện pháp chủ động phòng vệ chính đáng, các môi giới rất dễ đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị ngồi tù “oan”. Do đó, khi làm nhân viên môi giới tại CTCK, các môi giới không nên vì nể nang cấp trên mà không đề nghị làm rõ cơ chế uỷ quyền được thể hiện chi tiết trong quyết định phân công nhiệm vụ hoặc hợp đồng lao động. Thậm chí, họ có thể tham vấn ý kiến của luật sư trước khi ký hợp đồng lao động với CTCK, trong đó làm rõ những gì môi giới được CTCK phân công đảm nhiệm, nhằm bảo vệ mình khi xảy ra tranh chấp.

Ông Hoàng Ngọc Hoài, Công ty Luật hợp danh Luật Việt

Hành vi của môi giới Truyền có thể bị xử lý hình sự nếu trước và trong khi thực hiện các hoạt động môi giới, người này biết rõ, hoặc trong nghiệp vụ môi giới của mình buộc phải biết hành vi thao túng giá của Lê Văn Dũng. Trong trường hợp này, nếu lãnh đạo của ông Truyền cũng biết hành vi thao túng giá của ông Dũng và ra lệnh hoặc chỉ đạo ông Truyền phải thực hiện các hành vi trên thì cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với ông Truyền.

Luật sư Trần Vũ Hải, Trưởng Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải

Trước đó, ông Lê Văn Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Viễn Đông - DVD) đã bị khởi tố vì tội thao túng giá cổ phiếu của Công ty Dược Hà Tây qua hàng chục tài khoản. Vậy nhân viên môi giới Lê Minh Truyền có bị coi là tiếp tay cho ông Dũng hay chỉ là thao tác nghề nghiệp? Có bị coi là đồng phạm của ông Dũng hay không cần căn cứ vào Bộ luật Hình sự về tội đồng phạm.

Cần biết rằng, việc một người được nhiều người khác ủy quyền cho phép thực hiện giao dịch trên tài khoản của họ là chuyện bình thường ở TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhân viên môi giới biết rõ khách hàng đại diện cho những tài khoản nào, biết rõ khách hàng tự giao dịch chứng khoán trên những tài khoản này, mà vẫn tiến hành giao dịch thì đây là hành vi cố ý và phải chịu trách nhiệm.

Nếu giao dịch trên diễn ra liên tiếp mà nhân viên môi giới biết thì họ có quyền từ chối thực hiện và báo cáo cấp trên. Để xác định trách nhiệm của nhân viên môi giới, phải xác định xem họ có báo cáo cho cấp trên không, cấp trên có biết về việc này không?

Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp này, CTCK cũng không thể xóa bỏ trách nhiệm. Công ty phải có hệ thống giám sát quản lý tài khoản. Nếu có quy chế giám sát thì căn cứ vào quy chế này để xác định trách nhiệm. Nếu không có quy chế, đây là thiếu sót của công ty, do không hướng dẫn cho nhân viên về vấn đề này.

Điều 618 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao”. Như vậy, nếu nhân viên môi giới gây thiệt hại cho khách hàng của CTCK thì CTCK phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Ngân hàng TMCP Maritime Bank (MSB)

TTCK là dành cho người muốn kiếm lời, dám chấp nhận mạo hiểm. Muốn thị trường phát triển thì phải khuyến khích người mua, kẻ bán. Tất nhiên, chợ nào thì cũng cần có luật chơi rõ ràng. Ai phạm luật thì bị cảnh cáo hay phạt tiền, nếu nghiêm trọng đến một mức độ cụ thể nào đó thì loại bỏ khỏi thị trường, thậm chí bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, hiện trên thị trường chưa có sự phân chia rạch ròi đến đâu thì bị xử phạt hành chính và thế nào thì bị xử lý hình sự. Do đó, nhiều thành viên thị trường sẽ lo lắng, e ngại không biết hành vi của mình có phạm tội hay không, nếu vi phạm thì bị xử lý đến mức nào?

Nhóm PV thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Ngày 10/06: Large Cap quay đầu giảm điểm, khối ngoại tiếp tục "xả hàng" (10/06/2011)

>   Những thương vụ đình đám thời chứng khoán khủng hoảng (10/06/2011)

>   Nhà đầu tư và APS ‘cự’ nhau chuyện giải chấp (10/06/2011)

>   Thâu tóm doanh nghiệp trên sàn trong sóng tăng chứng khoán? (10/06/2011)

>   10/06: Bản tin 20 giờ qua (10/06/2011)

>   Đảo chiều giảm điểm, UPCoM-Index mất 1,16% (09/06/2011)

>   Ngày 09/06: Small Cap và Micro Cap bật mạnh, khối ngoại lại bán ròng (09/06/2011)

>   UBCK phạt 4 cá nhân 1.2 tỷ đồng do thao túng giá cổ phiếu V15 (09/06/2011)

>   SBS xác nhận việc nhân viên môi giới bị khởi tố (09/06/2011)

>   Lãi suất giảm, dòng tiền 'nóng' dịch chuyển (09/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật