Ứng xử với giải chấp cổ phiếu
Sau những đợt bán tháo, mây đen giải chấp cổ phiếu vẫn ám ảnh trên bầu trời thị trường chứng khoán VN (TTCK VN). Bão lớn còn phía trước, hay đã lùi lại sau lưng ? Và sau bão, trời chứng khoán sẽ… sáng ?
Với 10 phiên lao dốc liên tục và VN-Index bốc hơi gần 120.000 tỉ đồng giá trị vốn hóa trong hạ tuần tháng 5, tâm điểm thị trường (TT) tháng 6 vẫn là thanh khoản và lượng cổ phiếu giải chấp, tự doanh. Nhà đầu tư (NĐT) đang tìm cơ sở để tin rằng TT đã tạo đáy. Nhưng lượng cổ phiếu giải chấp vẫn là ẩn số. Các CTCK, đằng sau là các NHTM, cũng đã hết thời hạn và nguồn lực để có thể khoanh, giãn nợ, hạn chế giải chấp cổ phiếu cầm cố, repo. Thị trường bắt đầu có sự phân hóa giữa các nhóm đầu tư...
Chọn thoát ra
Cán cân hiện nghiêng hẳn về bên bán, với việc chọn thoát ra khỏi thị trường bằng mọi giá. Dù ngắn hay trung hạn, nhóm NĐT này vẫn bi quan về nhiều phương diện.
Năm 2008, TTCK VN từng giảm nghiêm trọng. Bối cảnh tương tự bây giờ: lạm phát tăng cao, lượng cung tiền thắt chặt. Do là cơn trượt dốc đầu tiên mà chứng khoán nếm trải sau đỉnh 2007 nên NĐT rất hoảng sợ, nhưng đồng thời lợi nhuận của thời gian đầu tư trước vẫn cho họ có thực lực và động lực cầm cự. Ba năm trồi sụt liên tiếp, NĐT nào nếu vẫn chung thủy với CK cho đến hôm nay, thì rất có thể đang loanh quanh “kẹp” hàng, cạn vốn, hoặc nỗ lực chuyên nghiệp hóa “cuộc chơi”.
Trông vào triển vọng hồi phục của DN niêm yết (DNNY) hay cam lòng tiếp tục “đầu tư dài hạn bất đắc dĩ”, là quá khó với các NĐT lúc này. Năm 2008, khoảng 80% DNNY vẫn đạt chỉ tiêu lợi nhuận và còn đặt kỳ vọng kinh doanh cao. Năm 2011, ngoại trừ một số DN lớn hoặc hoạt động trong lĩnh vực độc quyền, phần đông còn lại đều giảm chỉ tiêu lợi nhuận, hay cố lắm thì “hứa” ngang bằng 2010, khi gặp mặt các cổ đông đầu năm. Cố gắng, nhưng thực tiễn nguồn vốn đang bị co hẹp từ mọi kênh huy động đang dẫn đến tình trạng nhiều DN thua lỗ.
Về phía cơ quan quản lý, ba năm trước, “cứu” chứng khoán là mục tiêu. Làn sóng giải chấp cổ phiếu vừa manh nha, NHNN có Văn bản 2875 gửi các NHTM, Hiệp hội NH VN, thông báo và vận động các NH hội viên chưa giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo nhằm ổn định TTCK. Mặt khác, phát thông điệp tiếp tục hỗ trợ vốn cho những NH gặp khó khăn. Nay, Nghị quyết 11 CP và Chỉ thị 01 của NHNN đã khẳng định rõ chính sách ưu tiên kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ; bất động sản và CK thuộc đối tượng phi sản xuất phải “thắt vốn” đầu tiên.
Nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường của UBCKNN (SSC) cũng đã được thực thi năm 2008. Giờ đây, giao dịch thỏa thuận không còn nhiều ý nghĩa hạn chế bán tháo cổ phiếu. Và cũng như ở mọi thời điểm sụt giảm mạnh của hai sàn, lực bán giải chấp, cầm cố như vòng xoáy kéo cả hai chỉ số và giá cổ phiếu lao dốc. Hiện tượng mất điểm trong tháng 5 là do lượng cổ phiếu giải chấp và tự doanh tung ra. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Hùng - GĐ khối phân tích đầu tư SME, do đã có hàng nghìn tỉ đồng được các CTCK sử dụng với mục đích cho vay (margin) trong năm 2010, nhưng điểm thu hồi vốn vào quý 2/2011 lại trùng với thời gian suy kiệt thanh khoản, nên các khoản tự doanh hay cầm cố này chưa thể hoàn toàn “giải phóng”. Nếu tính tổng khoản phải thu ngắn hạn của 14 CTCK là 11.000 tỉ đồng, cộng thêm những khoản vay không được thể hiện, thì dù không định lượng chính xác khối cổ phiếu có nguy cơ giải chấp, cũng ước tính được mức độ bão trong trường hợp toàn bộ số giải chấp thực sự xả hàng. Thị trường có thể không dừng ở điểm rơi vừa qua.
Đa dạng nguồn mua
Theo một chuyên viên phân tích, một trong những lực cầu giúp thị trường duy trì thanh khoản nhỏ giọt, hoặc lại tăng mạnh vài phiên, phần lớn là do các NĐT còn “kẹp” hàng và các CTCK, ngân hàng, quỹ... vẫn mua tay trái, bán tay phải nhằm tạo cầu ảo. Vừa test đáy, vừa tạo “bull-trap” (bẫy tăng giá) để tranh thủ cơ hội bán ra. Cũng có thể thị trường có thêm những NĐT mới với tâm lý thử nghiệm mua hàng giá rẻ và một số DN mua cổ phiếu quỹ để “trợ giá”, nhưng không hứa hẹn sẽ hấp thụ được bao nhiêu khối cổ phiếu giải chấp, vì trong đó có không ít là penny-stocks thuộc các DN vốn hóa nhỏ đã được nhiều “đội lái” chọn đánh trong năm 2010. Thạc sĩ Lê Đạt Chí - chuyên gia tài chính nhận xét giá CP đã về mức “quá rẻ” và sẽ kích thích lòng tham của một số NĐT còn tiền, kéo theo lòng tham của những người khác.
Nguồn tin từ phòng phân tích của một CTCK cũng cho hay, hiện đã và đang có một số tài khoản thực hiện chiến lược mua vào nhẩn nha, khoanh vùng ở những mã cổ phiếu thuộc các DN có thực lực tài chính và tiềm năng sản xuất kinh doanh. “Nhẩn nha vì vẫn có thể chờ mua ở vùng đáy thấp hơn, và chủ động hơn trong thời điểm hút các NĐT khác “theo đuôi”. Rất khó đánh giá thực lực của nguồn vốn cũ và mới hiện nay, hay dự đoán về tương quan cung – cầu nếu khối lượng cổ phiếu giải chấp bung ra trong thời gian ngắn.
Dù đã có trên 80% cổ phiếu có thị giá dưới giá trị sổ sách, hơn 45% dưới mệnh giá và PE của TT đang dưới 9 lần, NĐT ở nhóm quan sát vẫn “chưa đi đâu mà vội”. Có thể họ chờ mức đáy thấp hơn, và chờ những khối “u” giải chấp, CTCK đóng cửa, phá sản phơi bày ra hết, mới “nhảy” vào. Ông MacCana - Giám đốc Phân tích CTCK TP HCM nhận định: CK chìm xuống càng sâu, triển vọng càng lớn. Và “triển vọng” từ quan sát đến kích hoạt tài khoản của nhóm NĐT này sẽ phụ thuộc vào những biến số vĩ mô như lãi suất, tỉ giá, CPI... trong quý 3.
Bên cạnh đó, có lẽ chẳng lý do gì để họ phải vội khi chính CTCK cũng khuyến cáo NĐT “ưu tiên tiền mặt, cân nhắc rủi ro và chỉ giải ngân từ từ ở vùng bán thấp” (nhận định của FTS, VCSC về TTCK tuần đầu tháng 6) hay “duy trì quan điểm thận trọng, vội vàng bắt đáy sẽ phải đối mặt rủi ro, chỉ nên trở lại khi đà rơi chững lại, giá trị giao dịch được cải thiện” (SSI, AVS, Woori CBV, ACBS...).
Trước và sau giải chấp
Ứng xử như thế nào, phụ thuộc mục tiêu và nội lực của từng NĐT. Nhưng việc ứng xử của từng nhóm, như thể hiện ở trên, chỉ là lựa chọn trước mắt. Một biến động trên thị trường như thanh khoản tăng vọt lên con số nghìn tỉ trong liền vài phiên, hoặc thông tin về nới lỏng tiền tệ hay gia hạn thời gian cho các NH đưa dư nợ phi sản xuất về mức 22%, sự can thiệp của SSC..., sẽ khiến mọi lựa chọn thay đổi. Đây cũng là nhận định chung của nhiều đại diện CTCK.
Nhưng khi đề cập giải pháp “ứng xử” với cổ phiếu giải chấp trước mắt, thì một số đại diện các CTCK lại “né”. Cái “bí” của “người trong cuộc” là dễ hiểu. Một vị tổng giám đốc thành thực: “Không xử lý tài khoản của NĐT, thì không thu hồi được vốn để trả nợ. Xử lý, vừa mất khách vừa vớt vát chẳng được bao nhiêu. Đằng nào cũng vậy, chúng tôi bán tự doanh trước, xử lý tài khoản của khách sau, có đồng nào hay đồng đó. Rồi... tính sau”. Còn đây là tâm tư của một tổng giám đốc khác: “Kinh doanh trên thị trường tài chính bậc cao, nhưng kỳ thực đây là lúc tôi phải... “chạy ăn từng bữa”. Dù có giảm thiểu chi phí đến đâu, nếu muốn duy trì Cty, vẫn phải lo vận hành hệ thống, chưa nói đến chuyện phải xoay xở với đám “cổ” tự doanh nay đã bốc hơi gần hết giá trị. Qua được “cơn” này, tôi sẽ đề xuất với HĐQT “dẹp” tự doanh và tập trung môi giới”.
Phần lớn các nhà tạo lập thị trường lựa chọn giải pháp... kiên nhẫn. Kiên nhẫn giữ lại cổ phiếu. Kiên nhẫn xoay vốn “tứ tung” cầm cự. Kiên nhẫn theo sóng T+, hiện thực hóa lợi nhuận mỏng... Dĩ nhiên, đây chỉ là giải pháp nhất thời và rất khó có thể ứng dụng cho những tài khoản đã dùng đòn bẩy tài chính 0:10, những danh mục tự doanh nặng cổ phiếu “hàng hiệu”.
Về trung và dài hạn, rút kinh nghiệm từ hai đợt suy thoái trầm trọng, các nhà quản lý sẽ phải tính đến những biện pháp căn cơ hơn để tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Còn để qua cơn bĩ cực hiện tại, các thành viên trên TTCK đang bám víu hi vọng là trước thực tiễn khó khăn trong thu hồi những khoản nợ phi sản xuất của khối NHTM, NHNN sẽ giơ cao đánh khẽ, nới thời hạn điều chỉnh tỉ lệ dư nợ thêm một thời gian.
Thời gian lại là nỗi lo lớn nhất của các thành viên trên thị trường. Vấn đề là có thể nuôi hi vọng đến bao giờ ?
Một trong những cơ hội để loại trừ nỗi ám ảnh và củng cố niềm tin cho TT, là cơ quan quản lý xác định và công bố khối CP có thể giải chấp, thông qua lượng hóa dòng tiền vay từ các CTCK. Tiếc là kể từ khi giao dịch ký quỹ được TT “tự động” đưa vào thí điểm từ năm 2007 đến nay, dù không năm nào không có sóng GCCP, nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa có biện pháp quản lý dòng tiền này. Tới đây, thì lượng hóa dòng tiền vay cũng không còn cần thiết, nếu Dự thảo thông tư thay thế Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Cty chứng khoán do SSC vừa đưa ra lấy ý kiến thị trường từ 13/5/2011 được thông qua, theo đó các CTCK sẽ bị cấm cho NĐT vay vốn. |
Lê Mỹ
diễn đàn doanh nghiệp
|