Dòng tiền nóng đã quyết định vào cuộc
Thị trường phục hồi quá bất ngờ, không thể dự đoán được. Nhiều nhà đầu tư đã đau đầu tự hỏi vì sao thị trường tăng (cũng như trước đó đã thất thần không hiểu do đâu thị trường giảm).
Tuần cuối của tháng Năm "đen tối". Cánh cửa ngân hàng vẫn bất động trước cả hai thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số tiêu dùng CPI dù có thuyên giảm đôi chút nhưng cũng chưa hé lộ giải pháp hữu hiệu nào kềm chế lạm phát, cặp anh em sinh đôi lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn tiếp tục vở kịch "hai trong một" khiến cho vô số doanh nghiệp trên sàn khốn khó, cũng chưa thấy hành động cụ thể nào từ chủ thuyết "cứu chứng khoán"...
Nhưng trong lúc tiếng than khóc của nhà đầu tư đang dậy lên, ngày 23/5, ông chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) bỗng đưa ra thông báo sẽ mua vào 3 triệu cổ phiếu HAG làm quỹ. Con số 3 triệu này tuy không nhiều nhặn gì, nhưng ít nhất đó cũng là một động tác trấn an và gợi lên một tia hy vọng manh mún đối với một số nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Lịch sử của cổ phiếu HAG thật ra cũng không khác thân phận nhóm cổ phiếu bất động sản trên sàn là mấy. Trước khi chia giá vào tháng 11/2010, HAG dao động ngang rất ổn định đến gần một năm ở vùng giá 70.000-80.000 đồng.
Nhưng từ khi giá được chia cho đến nay, HAG giảm dần rồi đột ngột lao dốc, với kết quả mất gần 50% giá trị. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ kỳ vọng vào khả năng giữ giá của HAG trong điều kiện thị trường sụt giảm đã phải thừa nhận con đường của HAG không phải bất biến mà cũng có những khúc chênh vênh.
Chỉ vài ngày sau thông báo mua vào cổ phiếu quỹ của HAG, ngày 25/5, một số doanh nghiệp như Kinh Đô (KDC), Cơ Điện lạnh (REE)... cũng đồng thời tuyên bố sẽ mua cổ phiếu quỹ. Một chút ráng hồng đã lan tỏa nơi chân trời xám xịt. Chẳng biết thực hư động thái mua vào cổ phiếu quỹ thế nào, nhưng sang ngày 26/5, thị trường bất thần chuyển từ sàn lên trần như những gì chúng ta đã được thưởng ngoạn.
Tiếng than khóc đã lập tức dứt lặng. Những thân phận đang lao xuống vực thẳm không còn đủ tỉnh táo để nhận ra bàn tay nào đang lôi ngược thân hình của họ lên. Lễ hội đã bắt đầu bằng ảo giác như thế.
Một điểm trùng hợp khá thú vị là cùng thời điểm với giấc hồi sinh của TTCK Việt Nam, tại đất nước Lào - nơi Tập đoàn HAG tốn không ít công sức đầu tư trồng rừng, chỉ số Laos Composite cũng đột nhiên khởi sắc sau khi tưởng như đã xuyên phá mốc khởi phát 1.000 điểm của nó.
Tinh thần "phục sinh" của chứng khoán hai nước Việt - Lào càng có giá trị khi những ngày cuối tháng Năm đã diễn ra ở Mỹ và châu Âu theo đúng câu ngạn ngữ "Sell in May and go away" - bán tháng Năm rồi đi chơi, hầu hết các TTCK trên thế giới đều rực sắc đỏ cho đến tận những ngày đầu tháng Sáu này.
Tâm trạng nhà đầu tư vì thế cũng chuyển đổi đáng kinh ngạc. Những từ ngữ đầy ta thán và hình tượng như "Ôi trời ơi!", "Đau xót quá!", "Lò sát sinh"... thật mau chóng biến thành những mỹ từ ngập tràn phấn chấn. Kể từ ngày thị trường bứt từ sàn lên lên trần, từ địa ngục lên thiên đường, đã chẳng hề xuất hiện lời kêu cứu nào dành cho cái TTCK "con tin" này nữa. Thay vào đó, người ta động viên nhau "hãy một lần chiến thắng thị trường và bè lũ cá mập" - một tinh thần kiên cường đáng ngợi khen.
Sự bù đắp cho những mất mát quá lớn của nhà đầu tư nhỏ lẻ đã được khởi đầu với HNX. Mặc kệ tỷ lệ 9% tăng khống như thường lệ của VNI, nhà đầu tư đã chìm ngập trong vui mừng vào hai phiên giao dịch đầu của tháng Sáu - biểu hiện rõ ràng nhất của lực cầu tổ chức, quyết định rõ ràng nhất cho xu hướng phục hồi - mà chúng tôi đã từng chia sẻ với các thành viên của TTCK qua những bài nhận định trong hai tuần gần đây về "kịch bản đánh lên tốn kém" và "kịch bản đánh lên chứng khoán bắt đầu".
Trong phiên cuối tuần qua, nếu thành công giữ được tỷ lệ tăng 3%, chỉ số HNX đã có đến chuỗi tăng đến 9%, bằng đúng tỷ lệ tăng khống của VNI xảy ra tại 4 phiên tích lũy trước đó. Nhưng dù phiên cuối tuần có bị giảm nhẹ, tín hiệu tiếp tục tăng trưởng tại những cổ phiếu chủ chốt của HNX cũng rất đáng ghi nhận.
Cũng trong phiên này, tín hiệu tăng tốc của thị trường càng rõ nét hơn khi bước lùi của nhóm cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ là quá thấp so với độ giảm của nhóm cổ phiếu lớn và vừa.
Do đó bất kể khối lượng xả hàng ồ ạt đã và sẽ đến, trong tuần này "Người Hà Nội", bao gồm cả cổ phiếu của Tập đoàn Vincom, nhiều khả năng vẫn tiếp tục tiến lên mà không gặp trở ngại đáng kể nào về tâm lý cũng như nguồn cung. Thậm chí còn có thể xem phiên cuối tuần là sự thành công của tổ chức đầu cơ thông qua công thức kinh điển "bán trần - mua sàn".
Không còn nghi ngờ gì nữa, dòng tiền nóng đã quyết định vào cuộc. Sự chú tâm của các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang dồn cả vào TTCK vừa được tái khởi động. Trong những ngày này, thị trường bất động sản vốn trầm lắng lại càng trầm lắng hơn - một sự im ắng lạ lùng mà có lẽ chỉ bản thân dòng tiền nóng mới hiểu được nguồn cơn. Trong bốn bể đất trời khổ đau nhân loại, đâu đâu cũng là chỗ sinh lời của trí tuệ con người.
Những thông tin được cập nhật vào đầu tháng Sáu về chế độ margin và mở nhiều tài khoản, tuy không phải là động thái mới mẻ và dường như chỉ là động tác hợp thức hóa những gì đã diễn ra trong thực tiễn, nhưng cũng lan truyền với tốc độ tên lửa và càng làm cho nhà đầu tư phấn khích với tư thế mua vào.
Điều ái ngại lớn nhất chỉ còn là những "chứng tặc" (thuật ngữ dân gian của nhà đầu tư) như BVH, MSN, VIC - "không hiểu sao" vẫn đương nhiên được đẩy trần trong những phiên thị trường cố gắng lấy lại phần nào mất mát do chính những "tội đồ" này gây ra. Hệ quả của sự bất công thêm một lần tái hiện đó là độ tăng của VNI vẫn cao hơn HNX. Chẳng lẽ ai đó lại muốn điểm số VNI tăng càng nhiều càng tốt trong sóng phục hồi này? Và để làm gì?
Bỏ qua những câu hỏi đau đầu trên, trước mắt chúng ta hãy cùng tận hưởng khoảnh khắc êm ái hiếm hoi trong suốt một năm qua. Hãy tạm gác lại sự khốn khổ từ trò làm xiếc của "chứng tặc", tạm quên đi nỗi kinh hoàng của những phiên bán không ai mua. Chỉ cần biết vì nhu cầu giải quyết êm thấm số cổ phiếu đáng ra phải bị giải chấp với giá bèo của các công ty chứng khoán, vì lý do bù đắp phần âm tài chính của một số doanh nghiệp nào đó, vì những động cơ ẩn mình khác... , thị trường cần phải tăng và phải được đẩy lên đến một cái đỉnh mà tại đó, ai đó thấy không cần thiết phải có thêm nỗ lực đẩy cao hơn nữa.
Tại cái đỉnh không cần vươn cao hơn nữa ấy, hãy nên dành lời cám ơn cho Tập đoàn HAGL, bằng vào tín hiệu "trồng rừng" đầu tiên của họ đã làm cho không biết bao nhiêu nhà đầu tư nhỏ lẻ được "sống lại" trong suốt chiều dài con sóng chứa đựng nhiều ẩn ý này.
Việt Thắng
diễn đàn kinh tế việt nam
|