Bức tranh thật về tài trợ chứng khoán
Trong tháng 5-2011, thị trường chứng khoán đã có những chuỗi ngày tồi tệ, chỉ số VN-Index giảm chín phiên liên tiếp, HNX xuống mức thấp nhất từ khi thành lập.
Có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là từ hoạt động giải chấp, bắt đầu được khởi động do VN-Index giảm mạnh xuống dưới ngưỡng chịu đựng, trong khi các nhà đầu tư, các công ty chứng khoán (CTCK) đứng trước áp lực trả nợ ngân hàng.
* Chứng khoán: Khi 'Thượng đế' khốn cùng
* Thấy gì từ nguồn gốc doanh thu của công ty chứng khoán?
* Tín dụng chứng khoán: lỗi tại ai?
Để nhìn rõ bức tranh về hoạt động giải chấp, cần phải xem xét chi tiết các vấn đề liên quan như số liệu về tài trợ, tiền của nhà đầu tư, tiền trong sự quản lý của các CTCK và các khoản vay.
Căn cứ trên số liệu tổng hợp của 46 CTCK có vốn trên 200 tỉ đồng (do nhóm tác giả tổng hợp dựa trên báo cáo tài chính đã kiểm toán), trong năm 2010, nợ vay của các CTCK này tăng vọt từ 27.000 tỉ đồng lên tới trên 47.000 tỉ, tăng 72,15% so với đầu năm 2010, chủ yếu do vay ngắn hạn tăng. Với lợi thế có ngân hàng mẹ, các CTCK trực thuộc ngân hàng là những công ty có được dư nợ dài hạn.
Số tiền vay thêm của các CTCK trong năm 2010 được dùng chủ yếu cho hoạt động tài trợ nhà đầu tư và phần còn lại để các CTCK tăng danh mục đầu tư. Trong số 20.000 tỉ đồng tăng từ nợ vay thì các CTCK đã dùng 16.000 tỉ để tăng tài trợ cho nhà đầu tư và trên 4.000 tỉ để đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu tự doanh. Tính đến đầu năm 2011, tổng tài trợ của các CTCK nói trên đã đạt gần 34.000 tỉ đồng, trong đó số tiền tài trợ cho các giao dịch chứng khoán niêm yết là chủ yếu, với khoảng 19.000 tỉ đồng, tương đương 56,9%.
Trong bối cảnh các CTCK tăng cường vay ngân hàng để hoạt động tự doanh và hỗ trợ nhà đầu tư thì có một thực tế hơi ngược với xu thế thị trường là lượng tiền thực gửi của các nhà đầu tư tại các CTCK này lại sụt giảm (21,40%). Đây cũng là biểu hiện tiêu cực trên thị trường, đồng nghĩa với việc tâm lý của nhà đầu tư đang giảm sút.
Đầu năm 2011, với mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh để ngăn dòng tiền tiếp tục đổ vào TTCK. Lãi suất tăng cao, các ngân hàng không gia hạn các khoản vay, các CTCK phải đối mặt với rủi ro của hoạt động tài trợ và rủi ro thanh khoản từ những khoản vay đến hạn. Tùy vào tỷ lệ nợ vay/tổng mức tài trợ của từng CTCK, một trong hai rủi ro nêu trên sẽ đến trước, cũng có thể có trường hợp chúng đến cùng một lúc.
Giả sử các CTCK dùng toàn bộ tiền hiện có trên tài khoản tiền gửi để trả các khoản nợ ngắn hạn thì áp lực trả nợ ngắn hạn của các CTCK còn khoảng 24.000 tỉ đồng. Để giải quyết áp lực này, các CTCK đứng trước hai lựa chọn: bán chứng khoán, giảm danh mục tự doanh và yêu cầu các nhà đầu tư nộp tiền mặt vào tài khoản hoặc bán bớt một phần chứng khoán để thanh toán. Nhưng dù bằng biện pháp nào thì cũng dẫn đến việc bán chứng khoán trên thị trường. Trong khi lượng cầu đang có xu hướng giảm, các động thái bán chứng khoán sẽ làm lượng cung gia tăng, trị trường sẽ phải hứng chịu một giai đoạn giảm điểm.
Nếu xét trong quí 1-2011, số tiền vay đã giảm đáng kể gần 30%. Các khoản vay này được thanh toán từ ba nguồn: bán chứng khoán tự doanh, giảm tài trợ cho các nhà đầu tư và giảm tiền mặt hiện có trong tài khoản của các CTCK. Tuy nhiên lượng bán chứng khoán trong danh mục tự doanh lại vượt xa việc giảm tài trợ (xem bảng). Như vậy, trong quí 1 không diễn ra hoạt động bán giải chấp mà chỉ là giai đoạn các CTCK giảm tự doanh để thu hồi vốn và thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, giảm rủi ro thanh khoản.
Xét về dòng tiền của nhà đầu tư đổ vào thị trường, quí 1 tiếp tục chứng kiến xu hướng giảm của dòng tiền (giảm 28,03%, từ 5.400 tỉ đồng xuống còn 3.900 tỉ đồng).
Đã có một số công ty tự cứu mình bằng cách mua cổ phiếu quỹ như REE, KDC, PTL, SBT… Nếu thực sự các công ty này bỏ tiền mua cổ phiếu quỹ theo giá hiện tại thì thị trường chứng khoán sẽ có thêm khoảng trên 700 tỉ đồng. Con số này là quá ít so với tổng dư nợ và tài trợ của các CTCK. Nếu tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ không có nhiều cải thiện, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục hứng chịu các đợt sóng giảm giá mới.
Câu hỏi tiếp theo được rất nhiều người quan tâm là khi nào việc giải chấp sẽ xảy ra và quy mô sẽ như thế nào? Đến cuối quí 1-2011 áp lực trả nợ ngắn hạn của 21 CTCK (trong số 46 công ty nói trên) còn lại khoảng gần 28.000 tỉ đồng và khoản tài trợ 31.000 tỉ đồng. Nếu CTCK dùng toàn bộ số tiền có trên tài khoản, sau khi đã loại trừ tiền của nhà đầu tư, để thanh toán các khoản nợ đến hạn thì tổng số dư nợ còn lại khoảng 20.000 tỉ đồng.
Số tiền này là rất lớn trong hoàn cảnh hiện tại, và nếu tình hình kinh tế vĩ mô chưa có chuyển biến trong các tháng tới, thị trường chứng khoán sẽ không có cơ hội đón nhận dòng tiền mới, các CTCK sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục bán cổ phiếu. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán trong những ngày cuối tháng 5 liên tục giảm.
Thị trường có thể có những phiên phục hồi nhưng về dài hạn sẽ tiếp tục giảm nếu các CTCK vẫn bị sức ép trả nợ ngân hàng. Nếu với mức thanh khoản như hiện tại, việc bán chứng khoán sẽ tiếp tục kéo dài trong suốt quí 3-2011 và chỉ chấm dứt khi áp lực thanh khoản của các CTCK không còn nữa.
Anh Tuấn - Thu Huyền - Đức Hiếu
TBKTSG
|