Thứ Sáu, 03/06/2011 10:26

Tín dụng chứng khoán: Lỗi tại ai?

Lạm phát, lãi suất, nhập siêu, tỷ giá… nỗi ám ảnh triền miên của chứng khoán trong nhiều tháng qua đang phải nhường chỗ cho lo ngại sát sườn: nguy cơ đổ vỡ tín dụng cổ phiếu. Tín dụng chứng khoán ở quy mô nào? Cái giá nào phải trả cho một lối thoát? Bài học giải chấp cổ phiếu có còn lặp lại?... Cả thị trường đang mò mẫm tìm câu trả lời.

Ai cung cấp tiền cho công ty chứng khoán?

Khi các quy định hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán có hiệu lực, dư nợ tín dụng cổ phiếu của các ngân hàng giảm hẳn. Tổng dư nợ cho vay chứng khoán của cả hệ thống ngân hàng từ 20.000 tỉ đồng tụt xuống 12.000 tỉ và gần đây nhất còn 7.000 tỉ đồng. Con số chính thức ấy quả là nhỏ nhoi, chẳng có ý nghĩa gì và tất nhiên không có gì đáng lo, so với dư nợ hàng triệu tỉ đồng của nền kinh tế.

Nhưng thực tế lại đa dạng hơn nhiều!

Hợp đồng ủy thác đầu tư là cách thức phổ biến mà không ít ngân hàng sử dụng để rót tiền cho công ty chứng khoán trực thuộc hoặc công ty chứng khoán nơi họ góp một tỷ lệ vốn nhất định. Với hợp đồng ủy thác, tiền cho vay không những không tính vào tín dụng phi sản xuất, mà còn không tính luôn vào dư nợ nói chung. Tiền ngân hàng vẫn chảy vào chứng khoán!

Huy động và cho vay vốn như công ty chứng khoán đang làm thực chất là lấn sân hoạt động tín dụng ngân hàng. Song, Ngân hàng Nhà nước không quản lý công ty chứng khoán, chứng khoán thuộc quyền quản lý của SSC và cao hơn là Bộ Tài chính. Sân ai nấy quản, không lấn sang nhau.

Hợp đồng hợp tác đầu tư là một bản sao khác của ủy thác đầu tư, chỉ khác đối tượng cung ứng vốn không phải là ngân hàng, mà là cá nhân, công ty tài chính, một số quỹ đầu tư có tiền nhàn rỗi chưa giải ngân, một số doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào…

Thậm chí có công ty chứng khoán còn nghĩ ra cách chiếm dụng vốn độc đáo. Khi làm đại lý đấu thầu phát hành IPO cho một doanh nghiệp nào đó, nhà đầu tư tham gia phải nộp tiền cọc. Công ty chứng khoán giữ luôn tiền cọc đó vài tháng, có khi tới cả năm và chịu phạt bằng cách trả lãi. Mức lãi phạt luôn thấp hơn lãi vay ngân hàng. Lợi ích ở chỗ đó.

Cách thứ ba là phát hành trái phiếu chuyển đổi với lãi suất thấp. Đến ngày đáo hạn nếu nhà đầu tư không muốn chuyển thành cổ phiếu, công ty chứng khoán trả lại tiền cả gốc lẫn lãi. Trong thời gian nắm giữ tiền có được từ trái phiếu chuyển đổi, cách an toàn nhất là cho khách hàng vay, còn mạo hiểm thì tự doanh. Mười tám tháng qua, tự doanh cổ phiếu chẳng khác nào… tự sát!

“Trói” các tài khoản đòn bẩy

Tín dụng chứng khoán thông thường có kỳ hạn 1-2 tuần đến sáu tháng. Từ cuối tháng 11 năm ngoái, khi chỉ số VN-Index có một đợt phục hồi tương đối khá, các mức đòn bẩy tài chính đã được sử dụng mạnh trong thời gian này. Tháng 5-2011 là đáo hạn của những hợp đồng đòn bẩy kỳ hạn sáu tháng. Do thị trường từ đầu năm đến nay cứ giảm dần đều, mỗi ngày một vài điểm, mỗi ngày giá mỗi cổ phiếu bớt đi 100-200 đồng, tỷ lệ nợ phải trả của các khoản đòn bẩy cứ thế tăng lên. Cộng thêm lãi suất cho vay leo thang, tốc độ “cháy” tài khoản đòn bẩy ngày một nhanh và rộng.

“Đánh hơi” thấy vấn đề, một ngân hàng nhanh chóng tất toán các hợp đồng ủy thác đầu tư. Công ty chứng khoán kêu gọi khách hàng nộp thêm tiền, tài sản, kể cả giấy tờ nhà, đất, xe cộ. Nhiều nhà đầu tư không có gì nộp thêm, phó mặc tài khoản cho công ty chứng khoán. Thay cho khoản tiền bị ngân hàng rút đi, mà tiền của nhà đầu tư chưa thu hồi kịp, công ty chứng khoán vay ở mọi nguồn có thể với lãi suất “ngút trời” để bù đắp thiếu hụt. Khi công ty chứng khoán A nhìn thấy hiện tượng “vay mọi nơi” của công ty B, họ đề phòng bằng cách xử lý sớm khách hàng của mình. Trào lưu giải chấp là không tránh khỏi, phản ứng dây chuyền xảy ra. VN-Index rơi thẳng đứng 10 phiên liền.

Hành vi bán tháo cổ phiếu thế chấp nhằm thu hồi vốn của công ty chứng khoán là bắt buộc - và nó dẫn đến ngõ cụt: cung ồ ạt, thanh khoản giảm và việc bán ra có nguy cơ không thể thực hiện thêm nữa. Một động thái cứu vãn được đưa ra: công ty chứng khoán khoanh các tài khoản đòn bẩy ủy quyền lại với nhau. Nhóm nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư có tài khoản đòn bẩy còn dương được “trói” với nhóm có tài khoản âm, ông X gánh cho ông Y, nhóm ABC gánh cho nhóm DEF. Cả hai phải ký cam kết với công ty chứng khoán. Từ đây công ty chứng khoán có thể tạm ngưng giải chấp, chờ biến động thị trường. Trong thời gian đó, các nhóm đòn bẩy hỗ trợ lẫn nhau, tìm cách vực VN-Index dậy.

Chỉ vì không lấn sân nhau?

Luật quy định rõ ràng: công ty chứng khoán không được huy động vốn và cho vay dưới mọi hình thức. Nhưng hiện nay không ít công ty chứng khoán hoạt động chẳng khác nào một tổ chức tín dụng. Các công ty chứng khoán huy động tổng cộng bao nhiêu tiền, cho vay nhiều ít, chỉ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) mới biết được. Con số này chắc chắn không dừng ở mức hơn 10.000 tỉ đồng có thể nhìn thấy từ các khoản phải thu của một số công ty chứng khoán công khai báo cáo tài chính.

Có bao nhiêu ngân hàng, công ty tài chính, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, cá nhân… đứng sau hỗ trợ 105 công ty chứng khoán? SSC có thể biết bằng cách yêu cầu các công ty nộp báo cáo tài chính, giải trình các khoản phải thu, phải trả khách hàng. Nhưng liệu 100% các công ty chứng khoán trung thực, báo cáo đúng thực tế? Cái này chỉ có thanh tra SSC vào cuộc và có thể xác nhận.

Huy động và cho vay vốn như công ty chứng khoán đang làm thực chất là lấn sân hoạt động tín dụng ngân hàng. Song, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không quản lý công ty chứng khoán, chứng khoán thuộc quyền quản lý của SSC và cao hơn là Bộ Tài chính. Sân ai nấy quản, không lấn sang nhau.

Hiếm hoi, gần đây mới thấy NHNN lên tiếng sẽ thanh, kiểm tra mối quan hệ vay mượn giữa ngân hàng và công ty chứng khoán trực thuộc 100% vốn. Còn SSC bấy lâu nay buông lỏng hoàn toàn tín dụng chứng khoán, cho rằng đó là hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng, cung ứng vốn cho công ty chứng khoán là việc của tổ chức tín dụng.

Không bên nào chịu trách nhiệm, không bên nào muốn đụng chạm và hậu quả là công ty chứng khoán tự tung tự tác huy động tiền, cung cấp đòn bẩy tài chính. Để rồi khi chứng khoán thoái trào kéo dài, đợt đổ vỡ giá cổ phiếu bùng phát, giới đầu tư nước ngoài nhìn nhận bi quan “thị trường chứng khoán Việt Nam tệ nhất châu Á”.

Cho đến giờ, dù đã qua nhiều ngày giải chấp, không ai có thể khẳng định đòn bẩy tài chính trong chứng khoán đã được giải quyết hết. Nếu VN-Index còn giảm, các mức giải chấp thấp hơn lại xuất hiện. Điều nguy hiểm là các đợt giải chấp sẽ kéo thị trường giảm sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp niêm yết dù hoạt động kinh doanh của các đơn vị này không có nhiều thay đổi. Nó sẽ khiến các doanh nghiệp chuẩn bị lên sàn do dự, các công ty IPO lùi hoãn thời gian, các cuộc mua bán cổ phần nước ngoài - trong nước chùng xuống và đặc biệt thị trường vốn “rung rinh”.

Thị trường chứng khoán suy yếu là nền kinh tế mất đi một kênh huy động vốn, cải cách doanh nghiệp nhà nước trì trệ và cánh cửa gọi vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài hẹp lại.

Rõ ràng tác động của nguy cơ đổ vỡ tín dụng chứng khoán đến nền kinh tế lớn hơn nhiều những gì có thể tưởng tượng. Vẫn còn chưa muộn nếu Bộ Tài chính, NHNN cùng hợp tác chữa trị thứ “ung nhọt” tiềm ẩn này.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Chứng khoán: Khi 'Thượng đế' khốn cùng (03/06/2011)

>   03/06: Bản tin 20 giờ qua (03/06/2011)

>   Cái giá của sự thỏa hiệp (02/06/2011)

>   Ngày 02/06: Thị trường được “cởi trói”, cổ phiếu tăng vọt (02/06/2011)

>   Tìm nơi trú ẩn của đồng tiền (02/06/2011)

>   Bán khống đang ngày càng lộ diện (02/06/2011)

>   Thị trường tháng 5: Thách thức bản lĩnh nhà đầu tư (02/06/2011)

>   Kịch bản đánh lên chứng khoán bắt đầu (02/06/2011)

>   Chứng khoán “bốc hơi” cả trăm ngàn tỉ đồng (01/06/2011)

>   02/06: Bản tin 20 giờ qua (02/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật