Thúc đẩy đầu tư ngành dệt
Ông Nguyễn Sơn - Phó chủ tịch Hiệp hội bông sợi VN về các giải pháp để ngành dệt may VN hóa giải bài toán thiêu nguyên liệu luôn rình rập.
* Bông nguyên liệu cho ngành dệt may: Cuối năm lại tăng giá?
Giải thích nguyên nhân giá bông tăng vọt trong thời gian qua, ông Sơn cho biết, những năm trước do khủng hoảng kinh tế nên diện tích trồng bông bị thu hẹp. Ngoài ra một số nước trồng bông hàng đầu thế giới như Mỹ, Brazil tăng cường sản xuất xăng sinh học (sản xuất từ ngô) được Chính phủ khuyến khích nên đa số diện tích trồng bông chuyển sang trồng ngô. Vì vậy dẫn tới diện tích bông của thế giới giảm rất mạnh.
Bên cạnh đó, cuối năm 2010 và đầu năm 2011, lượng bông còn lại sản lượng rất thấp, lượng tiêu thụ có phần tăng do sau khủng hoảng, tiêu thụ ổn định trở lại nên dẫn tới việc nguồn cung thiếu. Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ dưới sức ép của các nhà sản xuất trong nước đã cấm XK bông, dẫn đến thị trường bông đã căng thẳng càng căng thẳng, và đỉnh điểm là giá bông lên tới 5 USD/kg.
Tuy nhiên, gần đây các nhà máy dệt không chấp nhận mức giá đó, nhiều nơi sẵn sàng ngưng sản xuất hoặc giảm sản xuất. Trước sức ép đó, giá bông hiện giảm khoảng 30% xuống còn trên 3,6 – 3,7 USD/kg.
Có phải đó là lý do khiến kim ngạch nhập khẩu bông tăng vọt so với năm ngoái, chỉ tính trong 5 tháng đầu năm nay đã lên tới 167.000 tấn, thưa ông ?
Theo kinh nghiệm của tôi, khi giá bông tăng thì các nhà sản xuất sợi vẫn túc tắc bán được. Nhưng khi giá đứng lại hoặc giảm xuống lại rất khó bán. Lý do là các nhà sản xuất dệt, nhuộm... lại có tâm lý chờ giá tiếp tục xuống nữa dẫn tới bông khó tiêu thụ.
Với các DN VN hiện nay, lượng bông trong nước chỉ đáp ứng khoảng 1%, 99% còn lại phải nhập khẩu. Trong khi hợp đồng với các Cty may mặc đã ký kết với số lượng lớn nên bắt buộc các DN phải nhập nhiều nguyên liệu để đảm bảo sản xuất.
Tập đoàn dệt may đang có đề án quy hoạch phát triển cây bông và đưa ra mục tiêu tới năm 2020, cả nước sẽ có 76 ngàn ha bông. Nhiều ý kiến cho rằng số lượng mà đề án đưa ra vẫn không đủ để phát triển ngành bông, bởi dự kiến nhu cầu bông năm 2020 của VN sẽ tăng lên 1 triệu tấn ?
Tôi đồng tình với quan điểm này, bởi lẽ mỗi năm sản lượng bông nhập khẩu tăng khoảng 15%. Trong khi đó, xét về thổ nhưỡng để trồng bông thì không phải vùng nào cũng trồng được, mà cây bông luôn phải cạnh tranh với những loại cây trồng giá trị khác.
Bên cạnh đó, cơ chế mua bông cũng chưa hợp lý. Khi ký hợp đồng thẳng với người nông dân rất khó đảm bảo, khi giá thấp thì Cty bông phải mua hết, khi bông hiếm, tư thương vào trả giá cao hơn là người nông dân sẵn sàng bán. Và như vậy, các Cty bông khó có vùng nguyên liệu ổn định.
Đấy là chưa kể, do thu nhập từ cây bông mang lại quá thấp nên nông dân đã chuyển sang trồng những cây khác cho thu nhập tốt hơn. Ngoài ra còn tình trạng được mùa mất giá và không được mùa lại có giá cũng làm nản lòng người trồng bông.
Cứ cho là kế hoạch 76 ngàn ha bông thực hiện được, thì lượng bông thiếu chúng ta sẽ phải đối mặt khoảng bao nhiêu, thưa ông ?
Hiện nay, một ha có sản lượng khoảng 500 kg bông. Như vậy sản lượng lúc đó đạt khoảng 38 ngàn tấn cũng mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu.
Mặc dù giá bông như hiện nay là điều kiện để kích thích các DN trồng bông, kể cả DN sợi cũng đầu tư trồng bông, nhưng có tăng cũng chỉ đáp ứng phần nào vì diện tích trồng bông cũng như điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của VN rất hạn chế cho trồng bông.
Vậy theo ông, các DN nên nghiên cứu áp dụng giải pháp phòng ngừa rủi ro giá bông như thế nào để đảm bảo phát triển bền vững ?
Để tránh rủi ro cho các DN dệt may, thông thường các DN sợi ký hợp đồng với bên cung ứng nguyên liệu và mua bảo hiểm giá bông. Trường hợp giá bông tăng cao thì DN vẫn giữ được mức giá đó để đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá phức tạp và đòi hỏi DN phải nghiên cứu kỹ mới có kinh nghiệm xử lý.
Hiệp hội bông sợi đã phối hợp với TechcomBank tổ chức giới thiệu công cụ này cho các DN. Mặc dù công cụ này trên thế giới được các DN bông áp dụng rất rộng rãi, song ở VN mới có 1 - 2 DN đang áp dụng thử nghiệm, chưa có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, về lâu dài đây là một giải pháp an toàn cho các DN khi giá bông lên xuống thất thường.
Ngoài công cụ bảo hiểm, để phát triển ngành bông sợi, dệt bền vững, chúng ta cần phải có thêm những giải pháp gì ?
Để hỗ trợ các DN bông, sợi, hiện chúng tôi cũng đẩy mạnh cung cấp thông tin giá nguyên liệu và đưa ra các khuyến cáo để các DN có quyết định phù hợp, đặc biệt là các biện pháp quản trị rủi ro để đảm bảo phát triển bền vững cho các DN.
Trong tương lai, chúng ta cần có chính sách cụ thể hơn nữa cho ngành này. Trong đó, cần lưu ý tới rất nhiều yếu tố, chẳng hạn giá sản phẩm đầu ra, giống cây trồng, đầu tư diện tích đất. Ngoài ra, với các DN trong cùng khu vực có thể hợp tác với nhau, bố trí cơ cấu sản phẩm lệch để tránh việc cạnh tranh lẫn nhau giữa các DN. - Xin cảm ơn ông !
Việc phát triển ngành dệt may của ta hiện chưa cân đối. Vì vậy phát triển hai ngành may và dệt cần phải cân đối thì giá trị gia tăng mới cao. Hiện nay ngành may đầu tư ít, lại dựa vào nguồn lao động đông, chi phí hạn chế, phát triển ồ ạt. Đáng lẽ trong bối cảnh đó, cần phải tạo điều kiện hơn nữa để phát triển cho ngành dệt, lấy nguyên liệu ổn định cho ngành may. Nhưng do chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ của ta còn bị coi nhẹ nên mới dẫn tới tình trạng căng thẳng nguyên liệu. Trong khi đó, DN đầu tư chỉ quan tâm tới lợi nhuận. Do vậy, các bộ, ngành cần đưa ra những giải pháp tổng thể và quyết liệt để triển khai sớm các dự án, đẩy nhanh việc thu xếp vốn đầu tư, thúc đẩy ngành dệt phát triển.
Tuấn Anh thực hiện
diễn đàn doanh nghiệp
|