Thứ Sáu, 17/06/2011 10:00

Ngành điện: Vấn đề không chỉ là vốn

Với lý do thiếu vốn nghiêm trọng, lãnh đạo ngành điện đã yêu cầu Chính phủ nhanh chóng điều chỉnh giá điện bằng cách cơ cấu khoản lỗ 2.800 tỉ đồng của năm 2010 vào giá điện mới. Đáng chú ý, yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh việc thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường vừa được phê duyệt và đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện; tình hình nước về các hồ thủy điện, nơi chiếm 40% tổng nguồn phát, hiện nay cũng không còn căng thẳng như năm 2010.

Liệu đó có phải là lối thoát đúng cho những khó khăn về vốn của ngành điện?

Việc tìm vốn đầu tư cho ngành điện luôn khó khăn vì nhiều lý do. Thứ nhất, quy mô của các dự án thường rất lớn, có thể lên đến hàng tỉ đô la Mỹ/năm, nằm ngoài khả năng đáp ứng, cân đối vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước. Điều này được chính các chủ đầu tư đến từ tập đòn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV) thừa nhận trong các cuộc trao đổi với TBKTSG.

Thứ hai là các dự án năng lượng yêu cầu công nghệ, kỹ thuật phức tạp và chịu sự chi phối, ràng buộc của nhiều yếu tố... dẫn đến vượt quá năng lực thẩm định của các ngân hàng.

Thứ ba, sau thời gian triển khai đồng loạt nhiều dự án thủy điện trên các con sông lớn, hiện một số nơi đang rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng đến khả năng phát điện; từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả và khả năng trả nợ của dự án. Điều này gây lo ngại cho các tổ chức tài chính, tín dụng tài trợ vốn do chính họ cũng không thể kiểm soát hết tất cả các vấn đề của dự án. Còn lý do thứ tư khiến ngành điện gặp khó khăn khi huy động vốn mới nằm ở giá điện.

Cuối năm 2010, khi kết luận về tình hình thiếu điện và các giải pháp khắc phục, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ ba nguyên nhân chủ yếu khiến các công trình điện chậm tiến độ gồm: vốn, công tác giải phóng mặt bằng và công tác chỉ đạo điều hành thiếu quyết liệt.

Như vậy, thiếu vốn chỉ là một trong những khó khăn lớn chứ chưa phải là tất cả vấn đề của ngành điện. Ở một số dự án điện, EVN đã từng được Chính phủ tháo gỡ bằng cách cho phép các ngân hàng thương mại cho vay vượt 15% vốn tự có. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tốc độ đầu tư các dự án điện vẫn không mấy được cải thiện. Do đó, tăng giá điện để có thêm vốn cũng sẽ không giải quyết được căn bệnh gốc rễ của ngành điện.

Một chuyên gia năng lượng nói với TBKTSG, việc muốn tăng giá điện vì thiếu vốn và bù lỗ khó mà thuyết phục nếu ngành điện không phân tích xem trong số tiền lỗ hàng ngàn tỉ đồng đó, lỗ ở khu vực nào là lớn nhất: mua điện, bán điện, điện sinh hoạt, điện sản xuất hay các ngành kinh doanh dịch vụ khác của EVN? Trong số lỗ đó có hạch toán cả những khoản của EVN Telecom hay không cũng cần có câu trả lời rõ ràng bởi đầu tư vào lĩnh vực viễn thông đòi hỏi lượng vốn rất lớn từ tập đoàn mẹ.

Hơn thế nữa, để có lộ trình tăng giá điện, trước tiên EVN phải xây dựng và công khai các tiêu chí về giá đầu vào để người tiêu dùng biết và kiểm tra. Nếu không, yêu cầu tăng giá điện là thiếu minh bạch. Không phải ngẫu nhiên mà trong bản Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2010, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đánh giá ngành sản xuất và phân phối điện là một trong ba ngành có năng lực sử dụng vốn kém hiệu quả nhất trong nền kinh tế nếu xét trên hai yếu tố là tỷ lệ quay vòng vốn và tỷ lệ quay vòng vốn tự có. Thậm chí, hai chỉ số này ngày càng giảm trong vòng bốn năm qua.

Ngọc Lan

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Pháp tìm hiểu thị trường đóng tàu Việt (17/06/2011)

>   Xét lại cẩn thận kế hoạch xuất khẩu than (17/06/2011)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ “ngấm đòn” từ quí 3? (16/06/2011)

>   Khi hầu hết các gói thầu EPC vào tay Trung Quốc: Rủi ro khó lường (16/06/2011)

>   Đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất than lớn (16/06/2011)

>   Doanh nghiệp nhỏ và vừa đói vốn (16/06/2011)

>   Doanh nghiệp lách quy định nhập khẩu điện thoại qua cảng (16/06/2011)

>   Vận tải hàng hải nội địa đang thua trên "biển nhà" (16/06/2011)

>   Bình Thuận: Đến lượt khu công nghiệp vướng titan (16/06/2011)

>   “Chảy máu” nguyên liệu thô (16/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật