Thứ Năm, 16/06/2011 11:56

Bình Thuận: Đến lượt khu công nghiệp vướng titan

Tỉnh Bình Thuận đang gặp khó khăn trong phát triển công nghiệp địa phương do nhiều khu công nghiệp mặc dù được Chính phủ phê duyệt nhưng lại chồng lấn với diện tích đất được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá có nhiều trữ lượng titan.

Trong khi chuyện chồng lấn giữa các dự án resort, điện gió với dự án titan tại Bình Thuận kéo dài nhiều năm nay tại Bình Thuận vẫn chưa giải quyết ngã ngũ, đến lượt các dự án khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh này bị ngưng triển khai do vướng các dự án titan.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 15-6, ông Châu Thủy Cảnh, Phó trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận cho biết, hiện tỉnh có 8 khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt với diện tích gần 4.300 héc ta.

Định hướng trong 3 năm tới, tỉnh sẽ kêu gọi nhà đầu tư xây dựng thêm 3 khu công nghiệp nữa gồm KCN ở xã Thuận Quí (huyện Hàm Thuận Nam), KCN Hàm Cường (Hàm Thuận Nam) và KCN Tân Hải (thị xã La Gi).

Theo ông Cảnh, mặc dù KCN Hàm Cường với diện tích đến 900 héc ta đã có nhà đầu tư quan tâm nhưng hiện nay không thể triển khai xây dựng bởi vướng trữ lượng titan chưa khai thác do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đánh giá.

“Tỉnh đang đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho triển khai xây dựng KCN Hàm Cường, nhưng chưa biết liệu có được bộ đồng ý hay không”, ông Cảnh phân vân.

Ngoài ra, 2 KCN khác là Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 mặc dù đã được Chính phủ phê duyệt có tổng diện tích 2 khu lên đến trên 2.500 héc ta, đáng ra triển khai xây dựng từ lâu, nhưng có đến hơn 1.200 héc ta bị vướng diện tích có trữ lượng titan.

“Mặc dù tỉnh đã cấp phép dự án khu công nghiệp trước, nhưng bộ yêu cầu phải dừng lại để đợi khai thác titan xong mới xây khu công nghiệp. Không còn cách nào khác, tỉnh đành dừng xây khu công nghiệp để đợi khai thác xong titan”, ông Cảnh cho hay.

Trước đây, tỉnh Bình Thuận có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp sản xuất các ngành nghề như chế biến nông lâm thủy sản, vật liệu xây dựng, cơ khí, hàng tiêu dùng, may mặc …Một mặt, vừa khai thác thế mạnh tài nguyên của tỉnh, vừa giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Tuy nhiên đến nay, chỉ KCN Phan Thiết hoàn tất giai đoạn 1 và hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 100%. Nhiều khu công nghiệp khác gần như nằm án binh bất động, không triển khai xây dựng do vướng diện tích đất chờ khai thác titan.

Văn Nam

tbktsg

Các tin tức khác

>   “Chảy máu” nguyên liệu thô (16/06/2011)

>   Thu hút đầu tư công nghệ cao: Từ những đề xuất bị từ chối (16/06/2011)

>   Giảm lãi, tăng xuất khẩu dệt may (16/06/2011)

>   Xuất khẩu tôm: Nguy cơ mất thị trường Nhật (16/06/2011)

>   Siết chặt quản lý hàng nhập khẩu (16/06/2011)

>   Nghịch lý nhập khẩu than (16/06/2011)

>   TS. Doãn Hữu Tuệ: Hàng TQ len lỏi 'cửa chính', 'cửa phụ' vào Việt Nam (16/06/2011)

>   Vinamotor đang ở thời điểm khó khăn nhất (15/06/2011)

>   Kiến nghị dừng cấp phép nhập muối (15/06/2011)

>   Doanh nghiệp tìm cách đối phó với khủng hoảng (15/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật