Doanh nghiệp tìm cách đối phó với khủng hoảng
Chiến lược thời khủng hoảng để đối phó với lạm phát cao, lãi suất tăng cao và đồng tiền mất giá là những vấn đề chính được Tiến sĩ Trần Quang Vinh, Giám đốc điều hành Pinehill Capital LLC trao đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong buổi hội thảo chiều 15/6 tại Hà Nội.
Đây là hoạt động hợp tác của Công ty chứng khoán Dầu khí (PSI) với Đại học New York nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm ra "Chiến lược toàn cầu trong bối cảnh kinh tế hiện nay”.
Theo ông Vinh, kinh tế thế giới đang chứa đựng nhiều rủi ro. Đó là nỗi lo sợ lạm phát, lãi suất tăng cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại hoặc suy thoái. Đây là cái vòng luẩn quẩn: đồng tiền mất giá, lãi suất tăng cao và lạm phát nhảy vọt. Để có thể phá vỡ vòng xoáy lạm phát, chúng ta cần hành động quyết đoán, bất ngờ, trên diện rộng để dập tắt tâm lý lạm phát..
Vậy, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể làm gì? Ông Vinh cho rằng, các doanh nghiệp ở những nền kinh tế mới nổi cần chủ động quản lý các rủi ro tín dụng và ngoại hối, sử dụng các biện pháp bảo hiểm trong thị trường ngoại hối và tín dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến những rủi ro trong hoạt động, quan tâm đến dòng tiền lưu chuyển, quản lý tốt tài sản.
Đối với nhà đầu tư, họ phải xác định chịu đựng được bao nhiêu rủi ro, có thể lỗ bao nhiêu, nếu mất hết thì sẽ bị tổn hại thế nào. Nhà đầu tư cần xây dựng cho mình chiến lược quản lý rủi ro, kể cả khi thị trường tốt hay thị trường xấu.
Đi vào những vấn đề thực tế nền kinh tế Việt Nam và bám sát những khía cạnh hoạt động của doanh nghiệp trong nước, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có những cơ hội mở ra.
Theo ông Doanh, khó khăn chính là cơ hội để cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp. Đây cũng là lúc để doanh nghiệp điều chỉnh sản phẩm, thị trường phù hợp với điều kiện mới. Các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, liên doanh liên kết để giảm chi phí sản xuất. Về vấn đề quản lý, người đứng đầu doanh nghiệp cần đối thoại thẳng thắn với toàn thể đội ngũ lao động, tranh thủ sự đồng thuận, phát huy sáng kiến giải pháp, thậm chí chấp thuận phẫu thuật, chịu đau để có thể mạnh hơn. Riêng với các doanh nghiệp có tiềm lực vốn, đây là cơ hội để mua cổ phần, thâu tóm doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường.
Quang Sơn
Đầu tư chứng khoán
|