Doanh nghiệp thủy sản lao đao
Không chỉ thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với thương lái Trung Quốc trong thu mua nguyên liệu
Ngày 14- 6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội nghị toàn thể hội viên để thông báo tình hình xuất khẩu cũng như tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng đang diễn ra.
Tôm chết ở nhiều nơi
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết hiện nay, giá trị xuất khẩu tôm chiếm đến 35,5% tổng số kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. ĐBSCL hiện có khoảng 213.500 ha nuôi tôm, với sản lượng ước khoảng 213.000 tấn là nguồn cung đáng kể cho xuất khẩu. Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm cho 52.270 ha nuôi tôm ở khu vực này bị thiệt hại nặng nề.
Ông Võ Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh- Sóc Trăng, bức xúc: Do tôm bị bệnh, chết, người nuôi tôm phải thả giống đến 2, 3 lần nên lãi không còn bao nhiêu. Ông Hồ Quốc Lưu, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Sao Ta (Sóc Trăng), nhận định tình hình tôm bị bệnh, chết vẫn chưa được cải thiện. Như vậy, việc thiếu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu sẽ còn kéo dài. Không riêng ĐBSCL, tôm bị bệnh chết còn xảy ra ở nhiều nơi khác.
Trước tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ đóng cửa nhà máy. Hiện nay, đã có hơn một nửa nhà máy chế biến tôm xuất khẩu chỉ hoạt động cầm chừng. Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cho phép nhập khẩu tôm nguyên liệu với thuế suất ưu đãi để giữ thị trường xuất khẩu, duy trì sản xuất.
Nâng giá nhưng vẫn không đủ nguyên liệu
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, doanh nghiệp chế biến trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với thương lái Trung Quốc trong việc thu mua nguyên liệu thủy sản. Gần đây, có khá nhiều thương lái Trung Quốc đến tận ngư trường để thu mua nguyên liệu. Trước thực trạng này, doanh nghiệp trong nước phải đẩy giá thu mua lên, trong khi giá xuất gần như không tăng, dẫn đến lợi nhuận giảm.
Ông Nguyễn Điển, Giám đốc Công ty CP Procimex (Đà Nẵng), cho biết doanh nghiệp của ông đã nâng giá thu mua cao hơn giá của thương nhân Trung Quốc đưa ra nhưng vẫn không mua đủ nguyên liệu cho sản xuất. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết nhiều doanh nghiệp đang lâm vào khó khăn do phải tranh mua nguyên liệu với thương lái Trung Quốc, chi phí đầu vào (xăng, dầu, điện, tiền lương…) tăng nhanh.
Từ đầu năm đến nay, có khoảng 147 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản bỏ nghề, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu. Sáu tháng đầu năm, ngành cố gắng mở rộng thêm 15 thị trường nhưng cũng có chừng đó thị trường cũ bị mất. Trước mắt, theo bà Sắc, Indonesia đã cấm xuất khẩu thủy sản nguyên liệu, Việt Nam nên nghĩ tới phương án này để ổn định nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp trong nước.
Người nuôi thiếu thông tin
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho biết từ đầu năm, do thiếu nguyên liệu cá tra nên các doanh nghiệp chế biến tăng giá liên tục, có thời điểm lên đến 29.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau đó giá cá tra giảm, hiện còn 26.000 đồng/kg. Trong khi giá thành 1 kg cá tra hiện nay lên đến 24.000 đồng, người nuôi chỉ có lãi khoảng 2.000 đồng/kg, mức lãi đó không đủ hấp dẫn để họ mở rộng sản xuất.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, cho rằng giá cá tra bị biến động trong thời gian qua là do người nuôi thiếu thông tin thị trường. Hiện nay, 70% lượng cá xuất khẩu cỡ 700 - 850 g/con, còn lại là cỡ nhỏ. Trong khi đó, người nuôi cá tra lại cố giữ cá lớn, hy vọng bán có giá, trong khi doanh nghiệp lại không cần nhiều cá cỡ này, dẫn đến giá cá thất thường.
Nguyễn Hải
người lao động
|