Thứ Ba, 14/06/2011 14:15

Thị trường điện máy sẽ có thêm nhiều "WonderBuy" khác

Thị trường ế ẩm đang đẩy các siêu thị, trung tâm điện máy vào thế khó.

Sau thông tin trung tâm điện máy WonderBuy tuyên bố phá sản đăng tải trên một tờ báo, nhiều người trong ngành kinh doanh mặt hàng điện máy điện lạnh nhận định, thị trường sẽ tiếp tục sàng lọc thêm nhiều đơn vị khác khi kinh doanh khó khăn như hiện nay.

Sức mua giảm mạnh

Đại diện một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hàng điện máy điện lạnh từ các nước ASEAN không đồng ý nêu tên nhận xét, các nhà bán lẻ điện máy đang trải qua một giai đoạn kinh doanh rất khó khăn, sức mua giảm mạnh, có thể giảm đến hơn 60%. Bằng chứng là số lượng hàng mà các đại lý lấy từ công ty nhập khẩu giảm rõ rệt từ đầu năm đến nay.

Theo vị này, sức mua giảm mạnh do cả hai đối tượng khách hàng của các trung tâm, siêu thị điện máy đều cắt giảm chi tiêu. Ông này cho rằng, 30% hàng ở trung tâm điện máy là bán cho các dự án, 70% còn lại bán cho khách hàng lẻ. Và trong tình hình kinh tế khó khăn, cả hai đối tượng trên đều ngừng mua sắm, đặc biệt là khu vực dự án.

Bên cạnh đó, thời tiết và thị trường năm nay diễn biến không như dự đoán của các nhà nhập khẩu cũng như nhà bán lẻ điện máy. “Nhà nhập khẩu, đại lý dự báo trái đất càng ngày càng nóng lên, người tiêu dùng Việt Nam vẫn rất chịu mua sắm dù kinh tế khó khăn - giống như đã từng xảy ra đối với tivi LCD hồi năm 2008 - nên tích cực ôm hàng máy lạnh, tủ lạnh. Tuy nhiên, thực tế lại diễn biến ngược lại. Trời không quá nắng nóng và kinh tế thật sự khó khăn”, ông này nói.

Ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc của dienmay.com (vừa đổi tên từ thegioidientu.com) thừa nhận, sức mua trên thị trường giảm mạnh từ sau tết dẫn đến tình trạng nhiều đại lý ôm hàng, tồn kho lớn. Trong tình cảnh người dân ít mua sắm mà các siêu thị, trung tâm điện máy lại mọc lên nhiều khiến cuộc cạnh tranh diễn ra rất khốc liệt. Ông Huân nói: “Doanh nghiệp từ TPHCM thì ra Hà Nội mở điểm bán trong khi nhiều đơn vị cũng từ Hà Nội vào Nam khai thác thị trường. Các nhà phân phối đua nhau giảm giá, khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng nên lợi nhuận không còn”.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online , đại diện chuỗi khu mua sắm Đệ Nhất Phan Khang nói rằng, các siêu thị điện máy còn chịu thêm sức ép từ chi phí vận hành khi tiền điện, tiền nhân công… đều tăng so với cách đây 1 năm.

Cuộc sàng lọc còn tiếp diễn

Nhận định chung của các nhà kinh doanh điện máy, điện lạnh là thị trường sẽ tiếp tục sàng lọc gay gắt. Nghĩa là sau WonderBuy, sẽ có thêm một vài cái tên nữa biến mất, nhất là các cửa hàng nhỏ hoặc các chuỗi lớn phải thu hẹp mạng lưới.

Đại diện của doanh nghiệp nhập khẩu nói ở trên cho rằng, đối tượng bị tổn thương dễ thấy nhất sẽ là các cửa hàng, công ty nhỏ. Theo lý giải, các cửa hàng, công ty nhỏ có doanh số ít nên không thể có mối quan hệ khăng khít với các công ty thương mại để từ đó có thể được hỗ trợ bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá… “Các chương trình sẽ phải được ưu tiên hàng đầu cho các đại lý có doanh số lớn”, ông này khẳng định.

Ông Bùi Tấn Cường, phụ trách kinh doanh của hệ thống điện máy Thiên Hòa cũng từng nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cách đây chưa lâu rằng, năm nay sẽ là năm thử sức, thử bản lĩnh của các nhà kinh doanh và trong cuộc đua này, các cửa hàng nhỏ với phần dịch vụ không tốt sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường.

Ông Huân của dienmay.com cũng nhận định, những nhà cung cấp mới tham gia thị trường, không nhiều kinh nghiệm về bán hàng, dịch vụ… sẽ là đối tượng nhạy cảm nhất. Tuy nhiên, ông Huân cho rằng, cuộc sàng lọc thật sự sẽ diễn ra trong vòng 2 - 3 năm tới. “Từ kinh nghiệm của chúng tôi ở thị trường điện thoại di động, tôi cho rằng thời điểm này thị trường điện máy mới bắt đầu cuộc sàng lọc mà thôi. Và phải 2 - 3 năm nữa, thị trường mới có thể được xác lập rõ ràng. Lúc đó mỗi tỉnh sẽ có 1 vài nhà phân phối nhỏ. Còn toàn quốc thì cũng chỉ có 1 - 2 chuỗi lớn”, ông Huân nói.

Cũng theo các nhà phân phối hàng điện máy, điện lạnh, trong thời điểm buôn bán khó khăn như hiện nay, ai là người đưa đến cho người tiêu dùng những chính sách bán hàng, hậu mãi tốt nhất bên cạnh tiềm lực tài chính sẽ là người sống sót và vượt qua. Do đó, chiến lược được đẩy mạnh lúc này không phải là các chương trình khuyến mãi, tặng quà rầm rộ mà là đầu tư cho dịch vụ trước và sau bán hàng để ngày càng chuyên nghiệp hơn, tìm kiếm những mô hình bán hàng mới mang đến những tiện ích cho người tiêu dùng.

“Chúng tôi cho rằng, thị trường điện máy vẫn rất tiềm năng dù giai đoạn này đang gặp khó khăn. Đó là lý do chúng tôi đổi mới kênh bán hàng, chú trọng vào việc cung cấp thông tin sản phẩm với việc so sánh giá cả, tính năng hàng hóa cho khách hàng. Mô hình bán hàng mới đã được áp dụng tại siêu thị Big C An Lạc và đang được tính toán để mở rộng ở các siêu thị khác”, bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại hệ thống Big C Việt Nam lý giải về lý do vừa thực hiện đầu tư lớn cho ngành hàng điện máy, điện lạnh ở siêu thị khi chủng loại hàng tăng gấp 5 - 6 lần so với trước đây và tăng mạnh số lượng nhân viên bán hàng.

Minh Tâm - Quốc Hùng

TBKTSG online

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp được chuyển lỗ ở nước ngoài về nước (14/06/2011)

>   DN Nhà nước kinh doanh hiệu quả cũng không phù hợp (14/06/2011)

>   Khó tiếp cận nguồn ưu đãi tín dụng (14/06/2011)

>   Cá tra rớt giá - Người nuôi tự làm khó (14/06/2011)

>   Cần lập Bộ Kinh tế biển (13/06/2011)

>   Mới chỉ có 4/27 nhà máy thủy điện hòa lưới điện quốc gia (13/06/2011)

>   Nhập khẩu 9.500 tấn than đầu tiên từ Indonesia (13/06/2011)

>   Doanh nghiệp nỗ lực giữ mục tiêu tăng trưởng (13/06/2011)

>   Công ty đường: Gánh nặng hàng tồn kho (13/06/2011)

>   Sắp xây dựng cảng phục vụ khai thác Bauxite Tây Nguyên (13/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật