Thứ Ba, 14/06/2011 06:53

Khó tiếp cận nguồn ưu đãi tín dụng

Nhằm giúp các DN - nhất là DN nhỏ và vừa (DNNVV) - có được nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều chương trình hỗ trợ ưu đãi tín dụng đã được thành lập. Tuy nhiên, số lượng DN được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn này rất thấp, do dự án chưa khả thi.

Nhiều chương trình ưu đãi

Theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp và phát triển DNNVV của Chính phủ, các DN sẽ được trợ giúp về tài chính, mặt bằng sản xuất, đổi mới nâng cao kỹ thuật, trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực… DN sẽ được hỗ trợ cả về giải pháp lẫn kinh phí thực hiện dự án, chương trình này được đưa vào kế hoạch thực hiện từng năm và 5 năm của các bộ, ngành, địa phương.

Tại phía Nam, Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Nam dành cho các DN ở 22 tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau, trụ sở đặt tại TPHCM để triển khai thực hiện chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 03/2011/QĐ-TTg về Quy chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn, giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam hỗ trợ bao lãnh DNNVV vay vốn ở các ngân hàng thương mại

Ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV TPHCM, cho biết từ năm 2009 UBND TPHCM đã có chương trình kích cầu kèm theo Quyết định 20/2009/QĐ-UBND nhằm hỗ trợ các DN có hoạt động đầu tư trên địa bàn TP phù hợp với chủ trương và quy hoạch được duyệt. Trong đó, những dự án đầu tư mới, mua sắm trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật chuyên sâu như bệnh viện đa khoa, trường học, công trình văn hóa, cơ sở thể dục thể thao, hay các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, sản xuất sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị mới… sẽ được hỗ trợ toàn bộ lãi vay.

Một số dự án khác như sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác, động cơ, lắp ráp ô tô, chế biến lương thực thực phẩm có giá trị gia tăng cao… được ngân sách TP hỗ trợ 50% lãi vay. Mức vốn hỗ trợ tối đa cho một dự án là 100 tỷ đồng, thời gian hỗ trợ 7 năm.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng có nhiều quỹ khác đang hoạt động như quỹ Phát triển khoa học công nghệ, quỹ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quỹ xoay vòng, chương trình khuyến khích đầu tư bến bãi vận tải đường bộ, quỹ bảo lãnh tín dụng TPHCM nhằm tư vấn và hỗ trợ DN thực hiện dự án mới… với mức hỗ trợ rất hấp dẫn dành cho các DN tại TPHCM.

Thiếu dự án khả thi

Số lượng chương trình, quỹ hỗ trợ đang có không ít, song cho đến nay đối tượng tiếp cận các quỹ này vẫn còn rất hạn chế. Ông Lê Ngọc Phùng, Giám đốc Công ty Phùng Nguyên, cho biết không phải DN không muốn tiếp cận các quỹ này, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều đơn vị, rất khó có thể được vay ưu đãi vì cần phải có nhiều điều kiện, nếu DN không được đáp ứng nguồn vốn vay sẽ còn mất thêm chi phí thực hiện ý tưởng dự án.

Theo ông Nguyễn Tấn Bình, Viện Phó Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị DN (trực thuộc Hiệp hội DN TPHCM), tất cả chương trình hỗ trợ ưu đãi tín dụng cho DN đều có quy định dự án trình bày phải có tính khả thi, tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa hiểu như thế nào là dự án khả thi.

Một dự án khi trình vay vốn ngay cả đối với ngân hàng, DN phải trình bày đủ 3 yếu tố quan trọng là hiệu quả dự án đến đâu, tài chính thực hiện như thế nào và thời gian thực hiện, trong đó, dự án phải có đầy đủ về thị trường đầu vào, đầu ra như tổng đầu tư, kế hoạch thực hiện, thị trường, nguyên liệu, nhân công, máy móc, đặc thù sản phẩm, nhu cầu… để các tổ chức tín dụng có đủ lòng tin về mức độ khả thi, đồng ý hỗ trợ vốn thực hiện dự án.

Trên thực tế đã có một số DN làm được điều này, được vay vốn từ Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV TPHCM như Công ty vi tính Nguyên Kim, Công ty Lộc Tài, Công ty Minh Lâm, Bệnh viện máy tính iCare…

Ông Diệp Dũng, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM, chia sẻ: “Đối với DNNVV, thông thường có 2 rào cản lớn khiến khó tiếp cận vốn vay là do không lập được báo cáo khả thi và minh bạch trong hệ thống kế toán.

Song, DN thường nghĩ ý tưởng kinh doanh phải bí mật, không thể chia sẻ, nếu không sẽ bị sao chép, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Nếu nghĩ như vậy, bản thân DN phải có khả năng lập được báo cáo khả thi để tiếp cận vốn, nhưng thực tế khả năng đó rất thấp.

Vì vậy, khi có một dự án tốt, tốt nhất DN nên tìm đến một định chế tài chính phù hợp và nên trao đổi thẳng thắn, nêu lên ý tưởng của mình để các định chế tài chính đó có bộ phận chuyên môn hỗ trợ lập báo cáo khả thi phù hợp với chương trình vay vốn.

Yên Lam

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   Cá tra rớt giá - Người nuôi tự làm khó (14/06/2011)

>   Cần lập Bộ Kinh tế biển (13/06/2011)

>   Mới chỉ có 4/27 nhà máy thủy điện hòa lưới điện quốc gia (13/06/2011)

>   Nhập khẩu 9.500 tấn than đầu tiên từ Indonesia (13/06/2011)

>   Doanh nghiệp nỗ lực giữ mục tiêu tăng trưởng (13/06/2011)

>   Công ty đường: Gánh nặng hàng tồn kho (13/06/2011)

>   Sắp xây dựng cảng phục vụ khai thác Bauxite Tây Nguyên (13/06/2011)

>   Doanh nghiệp không ham... giãn thuế (13/06/2011)

>   Ngành da giày - Phát triển đều cả “2 chân” (13/06/2011)

>   Bão hòa dịch vụ thoại, “sủng ái” dịch vụ GTGT (13/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật