Nhập khẩu than: Lời giải cho cân đối cung - cầu?
Theo cân đối của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, thì với trữ lượng than tại mỏ than Đông Bắc, đến năm 2015, tập đoàn này sẽ không thể cân đối được nhu cầu than trong nước, buộc phải nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn/năm.
* Các chủ dự án thích dùng than trong nước
Với bể than Sông Hồng thì ít nhất đến năm 2018, việc khai thác thử nghiệm sẽ được tiến hành. Vì vậy, nhập khẩu than để cân đối nhu cầu trong nước gần như là chắc chắn.
Chưa có đơn đặt hàng
Theo tin đã đưa, chuyến tàu 9.500 tấn than nhập khẩu đầu tiên từ Indonesia do Cty cổ phần đầu tư khoáng sản than Đông Bắc (thuộc TCty Than Đông Bắc) thực hiện đã cập cảng Cát Lái (Đồng Nai) chiều 13.6. Đây được xem là chuyến tàu than đầu tiên mở đầu cho việc nhập khẩu than tiếp theo của TKV trước mắt phục vụ nhu cầu sản xuất điện của các nhà máy do TKV làm chủ đầu tư và các khách hàng trong nước.
Phó TGĐ TKV - ông Nguyễn Văn Biên cho biết: "Đợt đầu chúng tôi đưa số than NK vào sản xuất tại nhà máy điện phục vụ cho tổ hợp luyện bôxít tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Việc nhập khẩu đã được TKV chỉ đạo đơn vị thành viên là TCty Đông Bắc đàm phán với đối tác Indonesia để đảm bảo nguồn cung cấp than dài hạn, giá cả cạnh tranh trên thị trường thế giới".
Cũng theo ông Biên: “Hiện tại với giá than nhập khẩu từ Indonesia cộng với chi phí vận chuyển thì cung ứng chủ yếu cho các nhà máy nhiệt điện tại khu vực miền Trung và miền Nam sẽ kinh tế hơn so với việc khai thác và vận chuyển than từ các mỏ phía bắc. Trên thực tế, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ, không chỉ các nhà máy của TKV, mà cả các nhà máy nhiệt điện than khu vực phía Nam trong quy hoạch điện 7 tới đây sẽ sử dụng chủ yếu từ nguồn than NK”.
TKV đã ký hợp đồng nguyên tắc với một số đối tác nhập khẩu than dài hạn phục vụ nhu cầu trong nước là Indonesia, Australia... Theo ông Biên, sở dĩ thời gian qua, TKV chưa nhập khẩu than vì hiện một số dự án nhiệt điện trong quy hoạch điện 6 bị chậm tiến độ. Vì vậy, thay vì kế hoạch trước đây phải NK than từ năm 2012, thì TKV cân đối lại đến 2015 mới phải NK khoảng 5,8 triệu tấn, chủ yếu cho phát điện.
Có còn xuất khẩu than?
Theo Bộ Công Thương, hiện bộ này đang hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành than VN đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và quy hoạch điện 7 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Tại thời điểm hết quý I/2011, Bộ Công Thương dự báo, đến năm 2015, VN sẽ cần nhập khẩu khoảng 7,7 triệu tấn than cho sản xuất điện và giai đoạn 2011-2015, khối lượng than xuất khẩu sẽ giảm dần từ 17 triệu tấn năm 2011 xuống còn 3-4 triệu tấn năm 2015. Ông Biên cũng xác nhận: Trong năm nay, TKV sẽ chỉ xuất khẩu 16,5 triệu tấn, so với 17,8 triệu tấn năm 2010 và sẽ giảm xuống còn khoảng 3 triệu tấn vào năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nêu 2 lý do TKV vẫn đề xuất XK 3 triệu tấn than trong khi lên kế hoạch NK 5-6 triệu tấn than nêu trên. Thứ nhất là lượng than mà TKV XK trong các năm qua chủ yếu là những loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng, hoặc nhu cầu còn thấp như các loại than cục, than cám chất lượng cao và than cám có nhiệt năng thấp. Thứ hai, hiện giá than bán cho các hộ tiêu thụ trong nước vẫn chưa đạt đến giá thành, đặc biệt giá than cho điện hiện chỉ bằng 60% giá thành.
Từ 1.3.2011, giá điện được điều chỉnh tăng 15,28%, nhưng giá than bán cho điện mới được điều chỉnh 5%. Để đảm bảo cân đối tài chính, TKV hiện vẫn phải lấy nguồn thu từ XK để bù cho giá bán than trong nước. Ông Nguyễn Văn Biên khẳng định: Từ nay đến 2015, TKV cần đầu tư khoảng 3 tỉ USD (bình quân mỗi năm cần đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng) nâng cấp các mỏ hiện có và đầu tư mỏ mới để tăng nhanh sản lượng khai thác.
Chưa kể nguồn vốn để thăm dò, khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng. Trong trường hợp ngừng hoàn toàn XK than thì Bộ Công Thương sẽ có đề xuất trình Chính phủ về việc tiếp tục XK các loại than trong nước chưa sử dụng.
Hồng Quân
lao động
|