Thứ Năm, 16/06/2011 09:48

Giảm lãi, tăng xuất khẩu dệt may

Với hơn 5,1 tỷ USD, xuất khẩu dệt may trong 5 tháng đầu năm được xem là có mức tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ. Theo các nhà phân tích, các doanh nghiệp (DN) ngành may đã phải chấp nhận giảm lợi nhuận để gia tăng xuất khẩu.

Lội ngược dòng

Bà Đinh Phương Phi - Chủ tịch Cty dệt may Thế Hòa (KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương) cho biết kim ngạch xuất khẩu của công ty hiện tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn hàng đã nhận đến hết tháng 8 với đơn giá tăng 15% so với năm trước, đủ để bù giá đầu vào tăng do lạm phát và tăng lương cho người lao động.

Các DN dệt may Việt Nam chấp nhận giảm lãi để gia tăng xuất khẩu.

Doanh thu xuất khẩu của Cty CP may Sài Gòn 3 trong 6 tháng đầu năm tăng 20% so với cùng kỳ và ước tính đạt 600 tỷ. Ông Phạm Xuân Hồng-Giám đốc Cty cho biết hiện đơn hàng của May Sài Gòn 3 hiện đã đủ cho sản xuất đến hết năm.

Với tư cách Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Hồng cũng cho biết hầu hết các DN không mở rộng hoạt động nhưng vẫn giữ được sản xuất ổn định với mức tăng trưởng khá và có đơn hàng đầy đủ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TPHCM, ông Diệp Thành Kiệt, ngành dệt may đang phải đối mặt hai khó khăn lớn là chi phí đầu vào tăng cao và khan hiếm nguồn nhân lực. Chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng trung bình 20%, ngoài ra các chi khác cũng tăng cao như phí vận chuyển, lương công nhân…

Các hãng tàu biển nâng chi phí vận chuyển mỗi container thêm gần 3 triệu đồng. Nếu năm 2010, tại TPHCM, mức lương công nhân là 2,5 triệu đồng/tháng thì nay phải nâng lên ít nhất 3 triệu đồng mới có người chấp nhận…. Trong tình cảnh ấy, ông Kiệt cho rằng việc tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu như trong nửa năm qua là một hiện tượng “lội ngược dòng”, tỷ lệ nghịch với khó khăn.

Theo ông Lê Tiến Trường- Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam, việc tăng kim ngạch xuất khẩu đột biến kể trên bao gồm cả yếu tố tăng về giá và về sản lượng. Trong đó tăng sản lượng khoảng 17 - 18%, còn lại tăng về giá khoảng 12 - 13%. Với mức tăng sản lượng trên ngành dệt may vẫn duy trì được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới, giữ được thị phần và có tăng trưởng.

Ông Kiệt phân tích thêm, trong phần tăng về giá, có khoảng 3% tăng về giá nhân công và 2% tăng giá nguyên liệu trong nước; hai phần tăng này DN và người lao động Việt Nam hưởng lợi.

Lùi để tiến

Mặc dù doanh thu xuất khẩu tăng cao nhưng ông Hồng thừa nhận lợi nhuận sút giảm so với trước đây. Riêng May Sài Sòn 3, lợi nhuận 6 tháng qua chỉ đạt 45% so với kế hoạch và 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do, một mặt do giá đầu vào tăng cao, mặt khác phải tăng lương và tăng các khoản hỗ trợ khác để người lao động đảm bảo đời sống.

Ông Diệp Thành Kiệt cũng xác nhận điều này. Nhưng theo ông Kiệt, mức lợi nhuận giảm như thế nào còn tùy thuộc vào từng DN cụ thể, và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, nếu DN phải vay vốn nhiều với lãi suất cao như hiện nay thì lãi sẽ ít, thậm chí không lãi; DN đặt nhà máy tại các thành phố lớn với giá nhân công đắt đỏ thì lãi cũng sẽ giảm hơn so với DN đặt nhà máy tại các tỉnh. Hoặc, còn tùy thuộc vào uy tín thương hiệu, khả năng đáp ứng đơn hàng…mà mỗi DN có mức lãi khác nhau.

Các DN cho rằng, trong tình thế hiện nay, các DN chấp nhận giảm lãi để tồn tại để giữ tăng trưởng xuất khẩu và nuôi cơ hội. Đó cũng là cách lùi để tiến trong tương lai. Theo ông Kiệt, hiện tại đang là đỉnh điểm của khó khăn. Thời gian tới, khó khăn chỉ có thể giảm đi chứ không tăng lên, nhất là khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, điều kiện tín dụng và lãi suất được nới lỏng.

Lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng đang tạo nên những khó khăn riêng cho DN Việt Nam, nhưng bù lại DN Việt Nam có những lợi thế và sức cạnh tranh nhất định so với các nước, nhất là về giá nhân công và khả năng thực thi, đáp ứng theo nhu cầu khách hàng.

Việc khách hàng vẫn liên tục chuyển đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh thời gian qua đã chứng minh cho ưu thế đó. Do vậy, có cơ sở để dự báo sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may thời gian tới vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, thậm chí hơn.

Đại Dương

tiền phong

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu tôm: Nguy cơ mất thị trường Nhật (16/06/2011)

>   Siết chặt quản lý hàng nhập khẩu (16/06/2011)

>   Nghịch lý nhập khẩu than (16/06/2011)

>   TS. Doãn Hữu Tuệ: Hàng TQ len lỏi 'cửa chính', 'cửa phụ' vào Việt Nam (16/06/2011)

>   Vinamotor đang ở thời điểm khó khăn nhất (15/06/2011)

>   Kiến nghị dừng cấp phép nhập muối (15/06/2011)

>   Doanh nghiệp tìm cách đối phó với khủng hoảng (15/06/2011)

>   Thành lập mới 5 khu công nghiệp tại Đồng Tháp (15/06/2011)

>   Hà Nội ứng trước 319 tỷ đồng để bình ổn giá (15/06/2011)

>   Kiến nghị tăng thuế xuất khẩu gỗ nguyên liệu (15/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật