Thứ Năm, 16/06/2011 23:29

Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ “ngấm đòn” từ quí 3?

Hoạt động sản xuất kinh doanh được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới và các doanh nghiệp xuất khẩu một số lĩnh vực như dệt may, sắt thép, nông sản… sẽ thật sự “ngấm đòn” trong quí 3 do nguồn vốn vay với lãi suất thấp trước đó đã cạn. Co cụm sản xuất, cố thủ để vượt qua khó khăn là biện pháp được đa số doanh nghiệp chọn để áp dụng.

Theo nhận định gần đây của ngân hàng ANZ, tăng trưởng nhập khẩu lần đầu tiên qua mặt xuất khẩu. Tăng trưởng xuất khẩu 5 tháng là 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng nhập khẩu đạt mức 28%.

Bên cạnh đó, tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 5 của Bộ Công Thương, nhiều ý kiến cũng phát biểu rằng các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thật sự “ngấm đòn” trong quí 3 do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, lạm phát cao khiến ngân hàng không thể hạ lãi suất, hàng loạt chi phí đầu vào cùng “dắt dây tăng giá”...

Thép, dệt may co cụm sản xuất

Góp phần vào tăng trưởng của xuất khẩu nhiều ngành trọng điểm trong tháng 5 có yếu tố giá tăng so với cùng kỳ, nhưng theo các doanh nghiệp, lợi thế này sẽ khó duy trì và mang lại lợi nhuận cao trong quí 3 cho doanh nghiệp.

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt dự báo, lạm phát cao và lãi suất ngân hàng cao sẽ làm cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp ngành thép suy giảm từ quí 3 trở đi.

“Chiều hôm qua tôi vừa có trao đổi với một số doanh nghiệp khác, họ đều cho rằng đang phải co cụm sản xuất, chủ yếu họ rút về thế thủ để tồn tại là chính”, ông Thái nói.

Một mặt, sản xuất xuất khẩu thì bị “chặn” bởi lãi suất cao. Mặt khác, thị trường nội địa đang bị “bủa vây” bởi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và các nước trong khu vực.

“Mối lo lớn nhất của doanh nghiệp thép trong thời gian tới chính là 'nhập siêu’ thép ngày càng nhiều, đặc biệt thép từ Trung Quốc. Nếu Chính phủ không có biện pháp cương quyết, đủ mạnh để hạn chế ngay thì doanh nghiệp thép trong nước càng thêm khó khăn”, ông nói.

Trong khi đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhận định do đặc thù của ngành dệt may là hướng ngoại, xuất khẩu là chính nên trước mức lãi suất cao và lạm phát như hiện nay, các doanh nghiệp dệt may sẽ gặp khó trong vay vốn lưu động vì không có doanh nghiệp nào sản xuất mà không cần vay vốn cả.

Bà Đặng Thị Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần vay tiền để mua nguyên phụ liệu sản xuất để xuất khẩu.

“Thế nhưng với lãi suất cao, giá cả nguyên liệu đầu vào cũng tăng và biến động bất ổn như thế này đang làm khó ngành dệt may nên doanh nghiệp lo ngại sang quí 3, có thể xuất khẩu sẽ chồng chất nhiều khó khăn hơn quí 2, đặc biệt là tháng cuối quí 3 cho đến cuối năm nay”, bà Dung cho hay vào sáng 16/6.

Vì thế, theo bà Dung, nếu các doanh nghiệp không “tỉnh đòn”, không có những tính toán cẩn thận thì sẽ không đủ đơn hàng hoặc thậm chí không có đơn hàng sản xuất từ cuối quí 3 và đầu quí 4 tới.

Còn ông Phạm Xuân Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 cho biết, trong quí 2 này, xuất khẩu ngành dệt may tăng chủ yếu nhờ vào giá tăng, không tăng nhờ mở rộng năng lực sản xuất.

“Bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng, doanh nghiệp phải tăng lương để giữ chân công nhân trước yếu tố lạm phát thì chắc chắn lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái”, ông Hồng nói.

Thủy sản, gạo cũng “mắc kẹt”

Xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản chiếm đến gần 1/4 tổng cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm. Nhóm này, với đặc trưng nguyên liệu chỉ thu hoạch trong một số thời gian nhất định trong năm, do vậy cần nhiều vốn để trữ hàng tồn kho, cũng gặp không ít khó khăn trong tình hình chung.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) vừa qua, ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc công ty lý giải, khoản lợi nhuận trước thuế 33 tỉ đồng trong 4 tháng đầu năm có phần “may mắn” do bán lượng hàng tồn kho trên 3.000 tấn cá tra trong thời điểm vốn vay lẫn giá nguyên liệu còn khá thấp so với hiện nay. Khả năng theo ông Ký rất khó lặp lại trong quí 3.

“Trong bối cảnh lãi suất tiếp tục đứng ở mức cao và giá cá nguyên liệu sau khi về mức 24.000- 25.000 đồng/kg có xu hướng tiếp tục tăng lại, tình hình trong quí 3 có thể sẽ khá khó khăn”, ông cho TBKTSG Online biết hồi đầu tuần.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tư nhân trong cụm công nghiệp An Thạnh, Tiền Giang cho biết bắt đầu vụ hè thu, giá lúa gạo đang trong xu hướng giảm nhưng với lãi suất cao doanh nghiệp không dám mua lúa gạo để trữ nhiều và trong vài tuần lễ gần đây chỉ duy trì dưới 30% sức chứa của kho.

“Giá lúa gạo đặc biệt trong vụ hè thu thường lên xuống bất thường nhưng chúng tôi không dám mua trữ nhiều với lãi vay cao như vậy. Đến khi có hợp đồng xuất khẩu thì mới đi mua để giao hàng”, bà cho biết.

Thái Hằng – Văn Nam

TBKTSG ONLINE

Các tin tức khác

>   Khi hầu hết các gói thầu EPC vào tay Trung Quốc: Rủi ro khó lường (16/06/2011)

>   Đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất than lớn (16/06/2011)

>   Doanh nghiệp nhỏ và vừa đói vốn (16/06/2011)

>   Doanh nghiệp lách quy định nhập khẩu điện thoại qua cảng (16/06/2011)

>   Vận tải hàng hải nội địa đang thua trên "biển nhà" (16/06/2011)

>   Bình Thuận: Đến lượt khu công nghiệp vướng titan (16/06/2011)

>   “Chảy máu” nguyên liệu thô (16/06/2011)

>   Thu hút đầu tư công nghệ cao: Từ những đề xuất bị từ chối (16/06/2011)

>   Giảm lãi, tăng xuất khẩu dệt may (16/06/2011)

>   Xuất khẩu tôm: Nguy cơ mất thị trường Nhật (16/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật