Thứ Bảy, 18/06/2011 09:20

Đổi mới mô hình xuất khẩu

Trong những năm gần đây mặc dù kim ngạch XK (KNXK) của VN luôn duy trì mức tăng trưởng cao nhưng với một mô hình kinh tế đang chủ yếu dựa vào tăng trưởng XK làm động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế thì việc chuyển dịch cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng là cấp thiết để tránh rơi vào "Bẫy tự do hóa thương mại".

Mặc dù đã xây dựng được nhóm mặt hàng XK chủ lực và tạo được một số đột phá tăng trưởng XK nhưng phát triển XK vẫn chủ yếu theo chiều rộng (ảnh: XK gạo - một trong những mặt hàng chủ chốt của VN).

Mặc dù đã xây dựng được nhóm mặt hàng XK chủ lực và tạo được một số đột phá tăng trưởng XK nhưng phát triển XK vẫn chủ yếu theo chiều rộng.

VNđược xếp vào nhóm 30 nền kinh tế XK hàng hóa hàng đầu thế giới, tỉ trọng KNX hàng hóa của VN trong tổng KNXK hàng hóa thế giới đạt 0,46% năm 2010. Tỉ lệ KNXK so với GDP nước ta đã bằng gần 70%, phản ánh độ mở của nền kinh tế qua kênh XK đã khá lớn so với nhiều nước trong khu vực.

Mất cân đối XK

PGS TS Trần Công Sách - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng: Mô hình phát triển XK hàng hóa VN hiện nay đã bộc lộ rất nhiều hạn chế ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Tăng trưởng XK nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP và tăng trưởng XK toàn cầu nhưng chưa vững chắc. Độ mở của nền kinh tế qua kênh XK đã khá lớn nhưng quy mô XK còn nhỏ, kim ngạch XK bình quân đầu người còn thấp hơn nhiều mức bình quân toàn thế giới. Mặc dù đã xây dựng được nhóm mặt hàng XK chủ lực và tạo được một số đột phá tăng trưởng XK nhưng phát triển XK vẫn chủ yếu theo chiều rộng, cơ cấu mặt hàng XK chậm chuyển dịch theo hướng hiệu quả và hiện đại, năng lực cạnh tranh XK chậm được nâng lên. Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng XK thấp, chi phí XK cao, hiệu quả XK thấp và chậm được nâng lên. Giá trị gia tăng của hàng công nghiệp chế tạo XK chỉ đạt khoảng 25-30%. Chi phí XK của VN cao gấp 1,7 lần mức trung bình của khu vực. Phát triển XK phụ thuộc phần lớn vào NK, tỉ lệ giá trị trong nước của hàng XK thấp. Giá trị ngoại tệ thực thu của phần lớn các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo XK chỉ đạt khoảng 20-30% doanh thu XK. XK chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, hệ số tiêu hao nguồn lực cho một đơn vị KNXK cao, tăng trưởng XK nhanh đang có nguy cơ dẫn đến cạn kiệt tài nguyên.

Năm 2010, tỉ trọng hàng nông, lâm, thủy sản vẫn chiếm 20% tổng KNXK trong đó 86% là hàng thô chưa qua chế biến. KNXK nhóm hàng thô và sơ chế đạt 22,6 tỉ USD, chiếm 31% KNXK. Bên cạnh đó, thị trường XK đã được mở rộng nhanh và đa dạng hóa, cơ cấu thị trường đã có sự chuyển dịch tích cực nhưng chưa chú trọng phát triển thị trường theo chiều sâu.

Số lượng thị trường XK hàng VN đã tăng nhanh từ 160 thị trường năm 2000 lên 230 thị trường vào năm 2010. Tuy nhiên, mới chỉ có một tỉ lệ nhỏ hàng XK VN tiêu thụ qua hệ thống phân phối trực tiếp của các DN VN trên các thị trường trọng điểm còn lại chủ yếu là xuất FOB, xuất qua trung gian phân phối. Mặt khác, hội nhập quốc tế song phương và đa phương, nhất là WTO và các FTA, bên cạnh những tác động tích cực đến môi trường kinh doanh quốc tế, mở rộng thị trường XK, cải cách môi trường kinh doanh trong nước nhưng cũng đang có hiệu ứng không mong muốn, tác động bất lợi đến cán cân thương mại của VN, tiềm ẩn nguy cơ mắc "bẫy tự do hóa thương mại". Đến nay VN đã ký kết 86 hiệp định thương mại song phương, 7 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 15 nước, 54 hiệp định đánh thuế hai lần; 61 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, XK hàng hóa thời kỳ tới của VN sẽ phải tiếp tục vượt qua  những thách thức rất lớn từ trong nội bộ nền kinh tế, nhất là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu ở cả bốn cấp độ: quốc gia, ngành, DN và sản phẩm; mức độ thâm dụng tài nguyên và hệ số tiêu hao nguồn lực cho một đơn vị  tăng trưởng XK còn cao; mức độ phụ thuộc vào đầu vào  nhập khẩu của sản xuất hàng XK còn lớn; khả năng thích ứng của các ngành định hướng XK với những biến động của thị trường thế giới còn chậm.

Và những khó khăn nội tại

Nhìn vào VN ta thấy bức tranh công nghiệp vẫn chưa phát triển được bao nhiêu so với trước đây, tình trạng nhập siêu vẫn là yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô và bất an về tương lai phát triển công nghiệp. Những yếu kém của môi trường đầu tư tại VN đã được nói đến từ nhiều năm nay vẫn chưa được cải thiện.

Thứ nhất, đối với nhà đầu tư, VN vẫn là nền kinh tế có chi phí cao, nhất là phí tổn kinh doanh. Nguyên nhân do hạ tầng kém, nhất là giao thông và năng lực cung ứng điện, và chi phí (kể cả thời gian) cho thủ tục hành chính còn rất cao. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt của người nước ngoài tại VN nhìn chung quá đắt so với các nước trong khu vực.

Thứ hai, vấn đề tiền lương và lao động tại VN nhìn chung không mấy thuận lợi đối với DN nước ngoài. Vấn đề không dễ giải quyết trừ trường hợp Chính phủ và chính quyền địa phương có các giải pháp đồng bộ. Chẳng hạn tiền lương công nhân ở các khu công nghiệp quá thấp so với chi phí sinh hoạt của người công nhân. Ngoài ra, có tình trạng thừa lao động tại nông thôn nhưng thiếu lao động tại các khu công nghiệp gần các đô thị lớn...

Thứ ba, các ngành công nghiệp hỗ trợ còn non kém, chưa phát triển nên DN FDI phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian khác, làm tăng giá thành sản phẩm. Trong ngành xe hơi chẳng hạn, VN mới sản xuất được lốp xe và bình ắcquy. Sản phẩm nhựa rất quan trọng trong các ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng VN hầu như không sản xuất được.

Thứ tư, DN VN quá yếu, không đáp ứng được yêu cầu liên doanh với DN nước ngoài. Cty nước ngoài đối phó bằng cách lập các DN 100% vốn của mình nhưng có nhiều lĩnh vực họ muốn hình thức liên doanh để dễ thâm nhập thị trường nội địa. Đối với VN, liên doanh có lợi cho việc hấp thu công nghệ và tri thức kinh doanh hơn là hình thức 100% vốn nước ngoài.

Ngoài ra, có nhiều trường hợp một DNNN liên doanh với nhiều Cty nước ngoài trong cùng lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà các Cty này lại cạnh tranh với nhau trên thị trường thế giới. Do đó, họ không thể chuyển giao hoàn toàn công nghệ và bí quyết kinh doanh cho DN liên doanh ở VN, kết quả là DN liên doanh hoạt động kém hiệu quả.

Đổi mới theo mô hình nào ?

Với một mô hình kinh tế đang chủ yếu dựa vào tăng trưởng XK làm động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế thì việc chuyển dịch cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm phát triển sản xuất nhanh và bền vững trong thời kỳ chiến lược 2011- 2020 được coi là nhiệm vụ cấp thiết.

Theo  PGS TS Trần Công Sách, trong thời gian tới XK hàng hóa cần được tổ chức phát triển theo định hướng sau: Phát triển XK hàng hóa nhanh nhưng có chọn lọc theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững, tạo động lực tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Tập trung nguồn lực thực hiện thành công một số đột phá chiến lược nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả XK để đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu vào năm 2020 như: tỉ lệ hàng chế biến, chế tạo trong tổng KNXK đạt trên 87%, tăng 17 điểm % so với năm 2010. Tỉ lệ nhóm hàng có hàm lượng công nghệ cao và trung- cao trong tổng số KNXK đạt trên 30%, tăng 15 điểm % so với năm 2010. Tỉ lệ giá trị gia tăng của nhóm hàng công nghiệp chế tạo XK đạt trên 50%, tăng thêm trên 30 điểm % so với năm 2010...

Hơn nữa, theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế cần phải có định hướng phân kỳ XK. Giai đoạn 2011- 2015 : tập trung phát triển XK hàng hóa hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, phù hợp với các bước chuyển dịch cơ cấu các ngành sản xuất. Trong điều kiện và bối cảnh thực tại, nhiều khả năng tăng trưởng  XK giai đoạn 2011- 2015 chỉ đạt tốc độ 12-13%/năm. Giai đoạn 2016 - 2020 tạo bước chuyển mạnh mẽ từ phát triển XK  theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và hiệu quả XK. Có nhiều khả năng tăng trưởng XK giai đoạn này sẽ đạt tốc độ bình quân 15,5- 16%/năm, KNXK đạt khoảng 255- 265 tỉ USD vào 2020.

Bên cạnh đó phải xây dựng định hướng phát triển nguồn hàng chuyển dịch cơ cấu hàng XK. Giảm khối lượng XK khoáng sản thô. Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới và đa dạng sinh học. Khai thác, sử dụng hiệu quả  nguồn nguyên liệu đa dạng, nguồn lao động dồi dào để phá triển sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo và sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tỉ lệ giá trị nội địa và giá trị gia tăng XK cao như dệt may, điện tử, giày dép, sản phẩm gỗ...

Ngoài ra, định hướng phát triển thị trường và điều chỉnh cơ cấu thị trường XK cũng cần được chú trọng để tạo bước chuyển cơ bản từ xuất FOB sang xuất CIF, phát triển nhanh hệ thống phân phối  trực tiếp hàng VN trên các thị trường trọng điểm  gắn với đẩy mạnh sự tham gia vào mạng sản xuất, các chuỗi giá trị toàn cầu theo từng ngành sản phẩm XK chủ lực. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, việc phát triển XK theo yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi những chính sách đúng đắn và phù hợp, được xây dựng trên cơ sở khoa học, có tính đến một cách hài hòa giữa mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường. Cần có các tiêu chí khoa học để định hướng, xây dựng, kiểm định, làm căn cứ cho các chính sách XK theo hướng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

TS Hồ Trung Thanh - Viện Nghiên cứu Thương mại :

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu cần phải tập trung vào: Thứ nhất, chính sách đầu tư và chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu. Từng bước giảm thiểu việc bảo hộ các ngành thay thế nhập khẩu mà khuyến khích đầu tư vào ngành định hướng xuất khẩu.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách thương mại theo hướng thuận lợi cho xuất khẩu;

Thứ ba, chính sách tài chính hỗ trợ xuất khẩu. Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng chính thức. Tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của Quỹ tín dụng hỗ trợ xuất khẩu;

Thứ tư, tận dụng cơ hội của hội nhập để đẩy mạnh xuất khẩu;

Thứ năm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường công tác thu thập và phổ biến thông tin cũng như công tác dự báo để định hướng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

TS Nguyễn Chiến Thắng - Viện Kinh tế VN :

Để cải thiện cơ cấu xuất khẩu theo hướng gia tăng tỉ trọng các ngành giá trị gia tăng cao cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI có chất lượng với bề dày công nghệ và tài chính. Các doanh nghiệp này với cấu trúc mạng sản xuất toàn cầu của mình sẽ giúp VN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng xuất khẩu hàng hóa. Muốn vậy, cần phải có sự chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Hơn nữa, VN trong một thời gian dài nhập khẩu công nghệ không có tiến triển, chẳng hạn các doanh nghiệp VN thường mua công nghệ lạc hậu của Trung Quốc cho các nhà máy ximăng, đường. Vì vậy Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ nguồn từ các quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến như: Mỹ, EU và Nhật Bản..

PGS TS Nguyễn Danh Sơn - Viện Phát triển bền vững vùng Bắc Bộ Viện KHXH VN :

Trong phát triển thương mại ở nước ta đã bộc lộ các thiếu hụt liên quan tới lợi ích của nông dân trong quan hệ thị trường. Thiếu hụt về các loại thị trường, từ thị trường hàng hóa nông sản, vật tư kỹ thuật, đất đai, khoa học công nghệ cho đến thị trường lao động, tài chính- tiền tệ. Sự thiếu hụt này làm cho người nông dân luôn phải tìm đến các thương gia tự do, nhỏ lẻ với đầy rủi ro, bất trắc. Bên cạnh đó là thiếu hụt về mối liên hệ, liên thông giữa các thị trường. Sự thiếu hụt này làm cho người nông dân luôn rơi vào tình trạng thua thiệt bởi được mùa thì rớt giá còn mất mùa thì được giá. Hơn nữa là thiếu hụt về cơ chế, chính sách thị trường đối với các hoạt động kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Phan Nam

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Công nghiệp cá tra: Đi xa, càng cần tay lái vững (18/06/2011)

>   'Hãm phanh xuất khẩu mới có cơ giảm nhập siêu TQ' (18/06/2011)

>   Thực phẩm tiếp tục tăng giá (17/06/2011)

>   Không để lùi tiến độ dự án điện trọng điểm Sơn La, Lai Châu (17/06/2011)

>   Xuất khẩu hàng hóa sang Mexico đạt 72 triệu USD (17/06/2011)

>   Ngành điện: Vấn đề không chỉ là vốn (17/06/2011)

>   Doanh nghiệp Pháp tìm hiểu thị trường đóng tàu Việt (17/06/2011)

>   Xét lại cẩn thận kế hoạch xuất khẩu than (17/06/2011)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ “ngấm đòn” từ quí 3? (16/06/2011)

>   Khi hầu hết các gói thầu EPC vào tay Trung Quốc: Rủi ro khó lường (16/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật