Thứ Sáu, 24/06/2011 06:59

Thị trường thoi thóp, cổ phần hóa chơi vơi

Bất lợi của nền kinh tế, "sự đứt gãy" trong các quy định pháp lý cũng như tiến trình chậm dần trước đó dấy lên lo ngại cổ phần hóa DNNN sẽ có một bước "tạm dừng vô thời hạn". Sự kiện IPO mới đây của Tổng công ty Thép Việt Nam một lần nữa nhắc nhở điều này.

Sau quyết định chuyển toàn bộ các DN nhà nước còn lại sang mô hình công ty TNHH một thành viên vào tháng 6/2010 để kịp thời điểm chấm dứt hiệu lực của Luật DNNN (30/6/2010) và là một bước "điều chỉnh kỹ thuật" phù hợp với cam kết về lộ trình đối mới DNNN trong hội nhập. Tuy nhiên, với bất lợi của nền kinh tế và thị trường, "sự đứt gãy" trong các quy định pháp lý cũng như tiến trình chậm dần của CPH trước đó khiến mọi người lo ngại CPH sẽ có một bước "tạm dừng vô thời hạn".

Sự kiện IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) mới đây của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đã một lần nữa nhắc nhở về vấn đề này.

Đắt rẻ: không nên đặt nặng

VNSteel là tổng công ty 91 đầu tiên thực hiện cổ phần hoá (CPH) và cũng là DN lớn nhất thực hiện CPH sau thời điểm 1/7/2010. Dù rất được chú ý từ nhiều phía nhưng VNSteel lại không may rơi vào thời điểm khó khăn của thị trường chứng khoán và điều này đã được thể hiện trong kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Kết quả cuối cùng cho thấy, chưa đến 10% cổ phần trong tổng số 6.800 tỷ đồng vốn điều lệ được đưa ra IPO và chỉ bán được gần 60% trong số 10% cổ phần đó, với mức giá 10.100 đồng/cổ phần. Rõ ràng, đây là một kết quả không khả quan nhiều, xét về mặt giá cả, mức độ đắt hàng và quan tâm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng được nhìn thấy trong thời điểm thị trường chứng khoán "thoi thóp". Đó chính là sự có mặt của những tổ chức trong nước có uy tín mà nói như lãnh đạo VNSteel, với thị trường hiện nay nếu đối tác, NĐT thân thiết không nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của VNSteel, thì họ cũng không bỏ tiền đầu tư.

Phải nói rằng, VNSteel đã dùng cảm thực hiện đúng lộ trình CPH từ trước mà không hoãn vì những lý do thị trường chưa thuận lợi. Nhưng dường như DN đã sớm nhận thấy điều này nên hoàn toàn không bất ngờ với kết quả trên. Thậm chí, lãnh đạo VNSteel vẫn tự tin, sau buổi đấu giá, việc CPH vẫn sẽ được tiếp tục với việc bán tiếp các cổ phần còn lại và tìm kiếm cổ đông nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ và đặc biệt là có khả năng hỗ trợ trong nâng cao năng lực quản trị DN để thực hiện thành công sự chuyển đổi.

Cũng vào thời điểm VNSteel, Vietinbank (CTG) lại vui mừng công bố với giới truyền thông khi đã nhận được tiền mua cổ phần của các cổ đông chiến lược. CTG tự tin với vị trí là ngân hàng quốc doanh đầu tiên hoàn tất CPH theo đúng nghĩa dù họ không phải là người khởi động đầu tiên.

Nhớ lại CPH Vietinbank cách đây hơn 2 năm, tháng 12/2008, khi thị trường chứng khoán cũng đang rơi vào sụt giảm và bết bát thì CTG chính thức IPO. Cái giá đưa ra khởi điểm là 20.000 đồng và giá đấu thành công là khoảng 21.000 đồng. Nếu so với người anh em cùng lĩnh vực đã được chọn thí điểm và có nhiều ưu ái và thuận lợi khi CPH là Vietcombank (VCB) có giá khởi điểm 100.000 đồng thì mức giá của CTG quả là thấp.

Thực tế, tại thời điểm đó, đã có không ít so sánh nói về những bất lợi và thiệt thòi cho CTG và Nhà nước khi cổ phần hóa. Có cả những lo ngại về sự thành công khi CPH một DN lớn vào thời điểm thị trường khó khăn. Tuy nhiên, hai năm sau CPH, những gì Vietinbank có được cho thấy một sự phù hợp đã mang lại thành công. Thậm chí, so với không ít DN lớn của nhà nước đã CPH trước đó Vietinbank lại thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, dễ dàng trong việc kinh doanh, cũng như có được một quan hệ tốt và sự "ghi nhận" của các nhà đầu tư.

Có lẽ vì thế, đã từng chứng kiến những vụ IPO vang dội cho đến những vụ chật vật hay đầy lo lắng của các DNNN cỡ lớn, một chuyên gia kinh tế cho rằng, giá cả là một vấn đề nhưng không thể là vấn đề quan trọng nhất. Mục tiêu cuối cùng của CPH là chuyển đổi mô hình quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN là quan trọng nhất. Giá cao, có thể mang lại một sự thặng dư lớn cho DN và nhà nước nhưng nó có thể sẽ gây ra những vấn đề cho DN về sau. Nhìn lại cầu chuyện Vietcombank hay phần nào của Habeco đã nhắc lại điều đó.

Có lẽ vì thế, dù chưa thể hài lòng với kết quả IPO nhưng lãnh đạo VNsteel nhấn mạnh, đợt IPO này ít có cơ hội để đặt nặng việc bán được nhiều cổ phần với mức giá cao, do TTCK không thuận lợi, mà mục tiêu chính của đợt bán đấu giá này là sớm đưa VNSteel chuyển đổi mô hình hoạt động sang DN cổ phần, để tạo tiền đề cho một mục tiêu lớn khác sau CPH là tìm kiếm cổ đông chiến lược.

Tuy nhiên, dưới một góc nhìn hài hòa hơn, các chuyên gia lại cho rằng, nếu đặt trong mối tương quan giữa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của DN và lợi ích của thị trường, thì đợt IPO VNSteel mới chỉ phần nào mang lại lợi ích cho DN. Với số lượng cổ phần bán thành công không nhiều, với mức giá khó có thể tốt hơn trong bối cảnh TTCK suy giảm sâu, thì không mang lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho Nhà nước.

Do đó, cần hài hoà tiến độ CPH các DNNN lớn với các lợi ích nêu trên, nếu không, sẽ khó mang lại thành công cho các đợt IPO sắp tới. Muốn đạt mục tiêu này, cần ưu tiên hoàn chỉnh tiến trình CPH trong một bối cảnh mới với đặc trưng là các DN quy mô lớn, đang nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực của nền kinh tế.

Lộ trình mới

Đẩy mạnh CPH vào lúc chứng khoán khó khăn là điều xem ra không hợp lý. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh CPH chuyển sang giai đoạn các DN lớn và rất lớn của nhà nước với nhiều đặc thù, nền kinh tế đất nước đang khó khăn và có sự chuyển hướng mạnh để hướng tới tái cơ cấu hiệu quả và bền vững hơn thì việc đẩy nhanh CPH lại là điều cần thiết và có lợi cho dài hạn. Việc đẩy mạnh trước hết phải được bắt đầu từ các quy định và chính sách phù hợp với đặc trưng của một giai đoạn mới.

Sự chậm lại của tiền trình cổ phần hóa từ mấy năm gần đây ngoài lý do về sự đi xuống của thị trường chứng khoán đã cho thấy những khó khăn mới nảy sinh do các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa thường có quy mô lớn hơn nên việc xử lý tài chính, đất đai và xác định giá trị doanh nghiệp phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.

Mới đây, ngày 14/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thì trong giai đoạn tới, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối đối với một số ít doanh nghiệp. Thực hiện chỉ đạo này, các địa phương và DN đang tập trung xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước do mình quản lý trong giai đoạn 2011-2015. Đây có thể xem là một lộ trình mới cho quá trình CPH.

Để chuẩn bị cho điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Luật Doanh nghiệp 2005, theo đó tạo sự bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm khắc phục những khó khăn trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy nhanh quá trình này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo nghị định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước về mặt hành chính và quản lý doanh nghiệp của đại diện chủ sở hữu; nghiên cứu, đề xuất cơ chế hoạt động của kiểm soát viên tại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; sửa đổi Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11/3/2005 về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích; xây dựng nghị định về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần; nghiên cứu, sửa đổi nghị định về cơ chế tài chính cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; nghiên cứu cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Đay chính là điều mong chờ nhất cũng là vấn đề mấu chốt để đẩy nhanh tiến trình CPH. Hy vọng rằng thời gian tạm dừng sẽ sớm qua đi và một lộ trình mới sẽ được đẩy mạnh hơn.

Minh Sơn

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Đại gia âm thầm IPO (23/06/2011)

>   MHB sẽ IPO vào ngày 20/07, giá khởi điểm 11,000 đồng/cp (23/06/2011)

>   Tháng 6 ban hành nghị định cổ phần hóa doanh nghiệp (21/06/2011)

>   IPO “dồn toa” do chậm xác định giá trị DN (20/06/2011)

>   EVN Telecom sẽ cổ phần hóa như thế nào? (17/06/2011)

>    Ứng phó với hàng tỷ cổ phiếu vốn nhà nước chào bán (16/06/2011)

>   Công trình Đô thị Hậu Giang chỉ bán được 4% cổ phần (16/06/2011)

>   IPO của MHB có giá khởi điểm 11,000 đồng/cp (15/06/2011)

>   Thủy điện Đa Nhim chỉ thu được 770 triệu đồng từ đấu giá (15/06/2011)

>   NTL lùi kế hoạch bán đấu giá cổ phần vào cuối năm (15/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật