Tháng 6 ban hành nghị định cổ phần hóa doanh nghiệp
Những "nút thắt" khó gỡ nhất trong cổ phần hoá (CPH) DNNN như: xác định giá đất, tìm kiếm cổ đông chiến lược… sắp được gỡ khi dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đã được Bộ Tài chính hoàn tất và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành trong tháng 6 này.
ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và phát triển DN, Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính).
Điểm nghẽn về xác định giá đất khi tính giá trị DN được dự thảo Nghị định giải quyết theo hướng nào, thưa ông?
Điểm mới của dự thảo Nghị định là không đưa ra quy định về xác định lợi thế vị trí địa lý đối với diện tích đất DN chọn hình thức thuê, vì khái niệm này gây nhiều khó khăn cho xác định giá trị DN thời gian qua. Thay vào đó là căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế theo thị trường để trả tiền thuê đất. Do vậy, khi xác định giá trị DN, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt CPH không đơn thuần dựa vào khung giá đất do UBND cấp tỉnh công bố ngày 1/1 hàng năm để phê duyệt mức giá cho thuê, mà còn phải căn cứ vào giá thực tế trên thị trường.
Cơ sở để tính giá đất thuê theo thị trường đã được hướng dẫn tại Nghị định 121/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 42/2005/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Một điểm mới nữa của dự thảo Nghị định là loại diện tích đất sử dụng vào mục đích phúc lợi, công cộng (đường đi, diện tích cây xanh…) khi xác định giá trị đất trong quá trình tính giá trị DN, đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết nội dung này.
Những quy định mới trên không chỉ gỡ tắc cho xác định giá trị DN khi tiến hành CPH, mà còn tạo ra sự bình đẳng cho các thành phần DN khác nhau khi ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước.
Tiến trình CPH đang bước vào giai đoạn triển khai đối với các DN có tài sản nhà nước lớn là các tập đoàn, tổng công ty. Dự thảo Nghị định có biện pháp nào để đảm bảo việc xác định giá trị DN chuẩn xác, tránh thất thoát tài sản nhà nước, thưa ông?
Lần đầu tiên bổ sung vào dự thảo Nghị định trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong quá trình xác định giá trị DN. Theo đó, sau khi đơn vị tư vấn đưa ra phương án xác định giá trị DN, điểm khác biệt so với quy định hiện hành là Kiểm toán Nhà nước sẽ thẩm tra lại phương án xác định giá trị DN của bên tư vấn. Sau khi Kiểm toán Nhà nước có ý kiến, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt CPH mới phê duyệt giá trị DN. Việc tăng cường vai trò giám sát của Kiểm toán Nhà nước là nhằm tránh nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước trong quá trình CPH các tập đoàn, tổng công ty có vốn, tài sản nhà nước lớn.
Được biết, dự thảo Nghị định cho phép DN bán cổ phần cho NĐT chiến lược trước khi bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO), chứ không phải chờ kết quả IPO như quy định hiện hành. Ông có thể cho biết chi tiết điểm mới này?
Để tạo sự chủ động cho DN trong tìm kiếm cổ đông chiến lược, đặc biệt là các cổ đông có tiềm lực tài chính mạnh, kỹ năng quản trị tốt, có cam kết gắn bó lâu dài với DN, dự thảo Nghị định cho phép DN được lựa chọn phương thức bán cổ phần cho các cổ đông chiến lược trước khi bán cho các đối tượng khác (người lao động, tổ chức công đoàn, đấu giá công khai ra công chúng) để trình phương án CPH cho cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặt khác, để tạo thuận lợi cho việc IPO và chuyển DN sang hoạt động theo mô hình CTCP, dự thảo Nghị định cho phép nếu số cổ phần IPO lần đầu không bán hết, DN vẫn được phép chuyển đổi mô hình hoạt động sang CTCP. Sau đó, trong Nghị quyết ĐHCĐ lần đầu của DN phải thể hiện rõ nội dung sẽ tiếp tục bán nốt số cổ phần đã được phê duyệt khi đưa ra IPO, để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan. Đây là biện pháp khắc phục tình trạng CPH chậm trễ vừa qua do vướng quy định nếu số lượng cổ phần không bán hết trên 30% tổng số cổ phần chào bán, DN phải tổ chức đấu giá bán tiếp, thì mới được chuyển đổi hoạt động sang mô hình CTCP.
Hữu Hòe thực hiện
đầu tư chứng khoán
|