Ứng phó với hàng tỷ cổ phiếu vốn nhà nước chào bán
5 tổng công ty nhà nước mới đây đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, nhiều DNNN lớn tiếp tục đặt kế hoạch bán bớt phần vốn nhà nước.
Số lượng cổ phần đem bán ra thị trường ước tới hàng tỷ đơn vị đang đặt ra vấn đề tìm và thu hút cầu ngoại, thay vì trông chờ mỗi nguồn vốn nội eo hẹp. Để làm được điều này, thực tế đang đòi hỏi mở ra những con đường mới.
Cung tăng, cầu nội eo sèo
Theo tính toán sơ bộ, năm 2011 có thể diễn ra các đợt cổ phần hóa rất lớn như của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam; Tập đoàn Dệt may Việt Nam; MobiFone; 4 tổng công ty thuộc Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị gồm TCT Xây dựng Hà Nội, TCT Đầu tư nước và môi trường Việt Nam, TCT Viglacera, TCT Xây dựng Bạch Đằng; các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) như PV Oil, Điện Nhơn Trạch I; Ngân hàng BIDV… Bên cạnh đó là các đợt tìm kiếm đối tác để bán bớt phần vốn nhà nước của Ngân hàng VCB, PVGas, Petec, các tổng công ty thành viên của PetroVietnam như PVI, PVFC, PVC… Số lượng cổ phần đem bán cộng lại có thể tới hàng tỷ đơn vị.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp và Hội nghị giữa kỳ Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam mới đây, trước mối quan tâm của các NĐT về tiến trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) cho biết, tính đến cuối năm 2010, cả nước còn 1.207 DNNN hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn. Hiện các bộ, ngành, UBND tỉnh, hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang tập trung xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới DNNN do mình quản lý trong giai đoạn 2011 - 2015. Về cơ bản, sẽ vẫn tập trung vào hình thức cổ phần hóa, coi cổ phần hóa DNNN là giải pháp then chốt trong quá trình đổi mới DNNN, giảm số lượng DNNN có cổ phần chi phối.
Như vậy, định hướng và động thái tập trung cho cổ phần hóa là rất rõ ràng. Tuy nhiên, sự đón nhận của thị trường thì sao? Sau giai đoạn bùng nổ của TTCK năm 2007 - 2008 đem lại thặng dư lớn cho Nhà nước từ các đợt IPO, thì cổ phần hóa các DNNN lớn như Sabeco, Habeco, PVGas và mới đây là VNSteel và Thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận đều rơi vào tình cảnh bán không hết số cổ phần đem chào. Thậm chí, CTCP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận đang chào bán 105,6 triệu cổ phần đến lần thứ hai vẫn có rất ít NĐT cá nhân tham gia, với số lượng đặt mua vỏn vẹn 75.000 cổ phần. Giám đốc tư vấn tài chính một CTCK lớn cho hay, lực cầu trong nước hiện rất yếu, nhất là khi các NĐT tổ chức (trong đó có nhiều DNNN) đã nói không với kênh đầu tư tài chính, do thua lỗ nặng nề. Số liệu cập nhật của UBCK về giá trị thu được qua đấu giá cổ phần hóa trong 5 tháng đầu năm 2011 chỉ đạt 276 tỷ đồng.
Tìm lời giải qua sức cầu ngoại
Có phải các đợt cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam đã bị giới đầu tư nước ngoài lãng quên? Câu trả lời không hẳn như vậy. Tài sản của khối DNNN hiện rất khổng lồ, nằm ở đất đai, tài nguyên thiên nhiên và những ưu quyền khác. Khu vực này hiện nắm giữ 70% tài sản cố định, 20% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư của Nhà nước, 60% tín dụng ngân hàng, 70% nguồn vốn ODA… Đại diện của các quỹ đầu tư như Dragon Capital, VinaCapital, các NĐT trực tiếp như tập đoàn Comwik, Alcatel… vẫn rất quan tâm tới các đợt cổ phần hóa, do quy mô lớn và tính chất quan trọng của doanh nghiệp với nền kinh tế.
Tuy vậy, quy định và cách thực thi cổ phần hóa hiện nay đang tạo ra nhiều rào cản với các NĐT nước ngoài. Nghị định 109/2007/NĐ-CP quy định, các NĐT muốn tham gia mua cổ phần đều phải thông qua đấu giá, NĐT chiến lược được mua với giá bằng giá trúng thầu bình quân. Ông Phan Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital cho hay, phải đợi tới khi doanh nghiệp có bản cáo bạch, những quỹ đầu tư như Dragon Capital mới có thông tin để phân tích, đánh giá cơ hội đầu tư và gọi vốn, như vậy là quá ít thời gian. Hơn thế, do tham gia đấu giá trong các đợt IPO nên tổ chức đầu tư không đánh giá được chính xác cơ hội của mình, vì khả năng có thể mua được toàn bộ số cổ phần đăng ký để có tiếng nói nhất định trong doanh nghiệp không chắc chắn.
Rào cản với NĐT nước ngoài còn nằm ở những vấn đề xử lý hậu cổ phần hóa. Trường hợp Tổng CTCP Vinaconex đang bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu truy nộp hơn 1.000 tỷ đồng do định giá quyền sử dụng tài sản chưa thỏa đáng là một ví dụ. Hay trường hợp của Habeco, theo ông Nguyễn Tuấn Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty, Habeco IPO từ năm 2008, song đến nay, trong việc quyết toán cổ phần hóa vẫn còn vướng mắc việc làm rõ quyền sử dụng đất tại 183 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Đây là lý do tổng công ty này dự kiến phát hành cổ phiếu lần 2 ra công chúng vào cuối năm 2010, song đến gần ngày thực hiện phải tạm dừng phiên đấu giá.
Bên cạnh đó, việc chỉ đem một tỷ lệ rất nhỏ cổ phần chào bán ra công chúng thực chất không đem lại sự thay đổi về chất trong hoạt động của DNNN. Tham gia đầu tư vào những doanh nghiệp này, các tổ chức đầu tư đều mong muốn có tiếng nói góp phần đem lại hiệu quả hoạt động tốt hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi. Trường hợp của Tổng CTCP Sông Hồng là một ví dụ, IPO từ tháng 9/2009, tháng 6/2010 tổng công ty này mới chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần và đến thời điểm này, NĐT, cổ đông cũng chưa được biết năm 2011 Tổng công ty đặt kế hoạch sản xuất - kinh doanh ra sao.
Gỡ những nút thắt trên, không thể hy vọng một sớm một chiều. Trước mắt, giới đầu tư mong đợi một cơ chế mới được áp dụng: bên cạnh chào bán ra công chúng, cho phép NĐT tổ chức đàm phán mua cổ phần riêng lẻ, không phụ thuộc giá đấu bình quân, tiến hành song song, trước hoặc sau đợt IPO. Có những lo ngại về việc bán rẻ tài sản nhà nước. Tuy nhiên, điều này thực khó đổ lỗi cho khung pháp lý. Nhìn lại tiến trình cổ phần hóa tại Việt Nam, ở giai đoạn đầu, những năm 2003 - 2005, khi TTCK chưa phát triển, tài sản nhà nước được bán với giá rất rẻ, ở giai đoạn TTCK bùng nổ, cổ phần Bảo Việt, Vietcombank được bán với giá cao ngất và ở thời điểm này thì mức giá đó vẫn là rất cao. "Khi đem bán một sản phẩm nào đó, anh phải chấp nhận điều kiện và phải biết đàm phán. Anh không thể nói được món hàng đem bán là rẻ hay đắt, mà chỉ có thể ra điều kiện cụ thể và làm sao để đạt được mục tiêu vừa dài hạn vừa ngắn hạn của doanh nghiệp tại thời điểm đó", giám đốc đầu tư một quỹ nước ngoài tại Việt Nam bình luận.
Anh Việt
đầu tư chứng khoán
|