Thứ Sáu, 17/06/2011 12:22

EVN Telecom sẽ cổ phần hóa như thế nào?

Hôm 15/6, lãnh đạo Bộ Công Thương đã có buổi họp bàn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về thay đổi phương án cổ phần hóa đối với Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom).

Tuy nhiên, kế hoạch thay đổi phương án cổ phần hóa chi tiết và cụ thể như thế nào thì hiện doanh nghiệp này vẫn giữ bí mật.

Trao đổi với VnEconomy, một lãnh đạo của EVN Telecom cho biết, lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn chưa thống nhất và có kết quả cuối cùng về phương án cổ phần hóa đối với EVN Telecom. Theo vị này, EVN Telecom sẽ phải hoàn thiện thêm các điều khoản về phương án cổ phần hóa, và hy vọng sau khoảng 10 ngày nữa, Bộ sẽ thông qua kết quả cuối cùng, khi đó, EVN Telecom sẽ công bố.

Dù kết quả vẫn còn là một ẩn số, nhưng khả năng tạo ra một tiền lệ “bất ngờ và nhiều hấp dẫn” đối với việc cổ phần hóa trong lĩnh vực viễn thông di động - một lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp lớn đang ăn nên làm ra và đang được các nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi - xem ra vẫn chưa được rõ ràng lắm.

Cuối tháng 1 đầu năm nay, Chính phủ chính thức thông qua phương án cổ phần hóa EVN Telecom theo hình thức bán một phần vốn nhà nước hiện có tại EVNTelecom cho nhà đầu tư chiến lược và bán ưu đãi cho người lao động.

Theo đó, EVN sẽ nắm giữ là 50,6% vốn điều lệ, cổ phần bán cho người lao động trong công ty là 0,4% và cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty Cổ phần FPT và Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) là 49% vốn điều lệ. Trong khi trước đó, kế hoạch của FPT là nắm trên 50% cổ phần của EVN Telecom.

Và chưa đầy 3 tháng sau, FPT chính thức công bố rút khỏi kế hoạch đầu tư vào EVN Telecom, với lý do chính là do không đạt được tỷ lệ cổ phần nắm giữ như mong muốn.

Nói về kế hoạch thay đổi phương án cổ phần hóa sắp tới, vị lãnh đạo trên của EVN Telecom phân tích, theo quy định của Chính phủ thì EVN chỉ được bán cổ phần EVN Telecom cho một đối tác trong nước, mà không được bán cho các đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, với các đối tác đầu tư trong nước, việc tìm kiếm của EVN Telecom cũng không phải là quá dễ dàng. Sau khi FPT rút lui khỏi EVN Telecom, một số nguồn tin cho hay, một doanh nghiệp nhà nước khác là Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) đã “nhảy” vào đàm phán và mua cổ phần của doanh nghiệp viễn thông điện lực này, và doanh nghiệp này dự kiến sẽ bỏ khoảng 800 tỷ để mua cổ phần, tương đương với trên 12% tỷ lệ sở hữu tại EVN Telecom, mức tỷ lệ ít hơn rất nhiều so với tham vọng ban đầu của FPT.

“Đến thời điểm hiện tại, EVN và VTC vẫn đang đàm phán về tỷ lệ, giá cả mua bán và những điều khoản liên quan”, vị đại diện trên tiết lộ.

Nếu việc “se duyên” với VTC thành công thì quá trình cổ phần hóa, cơ hội tăng cường sức mạnh tài chính, khả năng củng cố vị trí, tạo dựng thương hiệu và tìm kiếm phương án kinh doanh mới phù hợp hơn có thể tạm coi là “xuôi chèo mát mái” với EVN Telecom. Vì, VTC cũng là một doanh nghiệp nhà nước, có tiềm lực tài chính tương đối tốt và đặc biệt là đơn vị có kinh nghiệm về lĩnh vực thông tin truyền thông, công nghệ và nội dung số.

Nhưng giả sử, việc “se duyên” trên không thành, hành trình tiếp tục đi tìm đối tác đầu tư trong nước của EVN Telecom, trong bối cảnh hiện nay, chắc chắn sẽ là một bài toán không dễ có lời giải.

Mạnh Chung

TBKTVN

Các tin tức khác

>    Ứng phó với hàng tỷ cổ phiếu vốn nhà nước chào bán (16/06/2011)

>   Công trình Đô thị Hậu Giang chỉ bán được 4% cổ phần (16/06/2011)

>   IPO của MHB có giá khởi điểm 11,000 đồng/cp (15/06/2011)

>   Thủy điện Đa Nhim chỉ thu được 770 triệu đồng từ đấu giá (15/06/2011)

>   NTL lùi kế hoạch bán đấu giá cổ phần vào cuối năm (15/06/2011)

>   Dự kiến tháng 7, Petrolimex sẽ IPO (15/06/2011)

>   VNSteel tìm đối tác chiến lược nước ngoài (14/06/2011)

>   Chuyện ‘khó nói’ của VNPT khi trình phương án thoái vốn (13/06/2011)

>   “Thời điểm cần thúc đẩy cổ phần hóa” (13/06/2011)

>   Ảm đạm đăng ký đấu giá cổ phần Thủy điện Đa Nhim và Công trình Đô thị tỉnh Hậu Giang (10/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật