Đại gia âm thầm IPO
Dù TTCK đang trong giai đoạn rất khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) đại gia phải “bấm bụng” tiến hành IPO theo lộ trình đã định.
* MHB sẽ IPO vào ngày 20/07, giá khởi điểm 11,000 đồng/cp
Tạm hài lòng
Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động IPO chỉ diễn ra âm thầm, không rầm rộ như trước.
Đợt IPO lớn nhất kể từ đầu năm đến nay thuộc về một đại gia trong ngành thép là Tập đoàn Thép Việt Nam (VNSteel) đã diễn ra ngày 10-6.
Kết quả VNSteel đã bán được trên 39 triệu cổ phần với tổng giá trị 395 tỷ đồng (tương đương 19,2 triệu USD) với giá trung bình 10.101 đồng/cổ phần. Dù số lượng bán được không như kế hoạch trước đó là 66 triệu cổ phần, nhưng có lẽ VNSteel cũng lấy làm hài lòng với kết quả này, vì đây là lần đầu tiên một đợt IPO diễn ra nhưng một lượng lớn cổ phần (gần 50%) dự định chào bán không được đăng ký mua.
Theo lý giải của giới phân tích, việc VNSteel không quan tâm đến các chiến dịch quảng bá khiến đợt IPO này diễn ra không rầm rộ và có lẽ điều này đã khiến ít NĐT tham gia (chỉ hơn 300 NĐT đăng ký mua).
Cũng vì lý do này, dù đợt IPO của VNSteel không hoàn toàn thành công nhưng lãnh đạo của DN này vẫn tự tin cho kế hoạch tiếp theo là bán tiếp 120 triệu cổ phần (tương đương 15% vốn điều lệ) cho 4 đối tác chiến lược là Nippon Steel Corp, Marubeni Itochu Steel Inc, Novolipetsk Steel và Evraz Group SA. So với đợt IPO vừa qua, đợt phát hành cho đối tác chiến lược này nhiều khả năng sẽ diễn ra suôn sẻ hơn, vì giá sẽ dựa trên giá đấu ngày 10-6.
Đây là mức giá khá hợp lý nếu không nói là quá hấp dẫn với các đối tác ngoại nếu dựa trên thế mạnh của VNSteel và khả năng cạnh tranh so với các DN khác.
Được biết, sau cổ phần hóa, dù vốn kinh doanh thực tế không thay đổi nhiều so với trước nhưng VNSteel lại đặt ra kế hoạch khá “nặng ký” là lợi nhuận sau thuế năm sau luôn cao hơn năm trước: năm 2011 là 670 tỷ đồng, năm 2012 là 882 tỷ đồng, năm 2013 là 1.077 tỷ đồng.
Ngoài ra, VNSteel dự kiến sẽ đầu tư 16 dự án thép với tổng vốn 36.945 tỷ đồng.
Không đặt nặng kết quả
Đại gia kế tiếp là DN kinh doanh xăng dầu lớn nhất Việt Nam với 52% thị phần. Theo kế hoạch, đợt IPO của TCT Xăng dầu (Petrolimex) sẽ diễn ra trong tháng 7. Dự kiến Petrolimex sẽ chào bán 27,43 triệu cổ phần, chiếm 2,56% vốn điều lệ 10.700 tỷ đồng (tương đương 512 triệu USD).
Phát biểu với báo chí, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, cho biết việc xác định giá IPO theo phương án cổ phần hóa Petrolimex đã hoàn tất và tiến hành IPO ngay cả khi TTCK không thuận lợi, vì mục tiêu của Petrolimex là sớm chuyển đổi từ mô hình tổng công ty sang hoạt động theo mô hình tập đoàn cổ phần xăng dầu.
Mặt khác, do cổ phần bán đấu giá ra bên ngoài chỉ 2,56% vốn điều lệ nên diễn biến bất lợi của TTCK hiện tại không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch IPO.
Giới đầu tư đang đặt câu hỏi về đợt IPO này của Petrolimex, do tỷ lệ cổ phần chào bán quá ít. Phải chăng Petrolimex đang định vận dụng chiến thuật “một mũi tên trúng 2 đích”. Nghĩa là Petrolimex vừa muốn làm vừa lòng cổ đông bằng việc thực hiện đúng cam kết, vừa muốn giữ cổ phần của mình trong bối cảnh TTCK đang gặp khó.
Như vậy, lý do IPO để “lột xác” như mong đợi của cổ đông chỉ là mơ mộng hão huyền, bởi sau đợt IPO này vốn nhà nước vẫn chiếm khoảng 94,99% vốn điều lệ của Petrolimex.
Với tỷ lệ nắm giữ quá lớn này, sau khi IPO, chiến lược kinh doanh của Petrolimex nhiều khả năng không có nhiều thay đổi. Được biết, trong quý I vừa qua, Petrolimex lỗ 2.650 tỷ đồng.
Mới đây, NHNN đã phê duyệt phương án IPO của NHTMCP Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) với giá khởi điểm 11.000 đồng/CP, nhưng thời điểm cụ thể vẫn chưa được công bố. Đây là ngân hàng quốc doanh thứ 3 thực hiện cổ phần hóa sau Vietcombank (VCB) và VietinBank (CTG).
Theo phương án cổ phần hóa MHB được Thủ tướng phê duyệt, tổng khối lượng IPO chiếm 31,9% vốn điều lệ là 4.515 tỷ đồng.
Chưa bàn đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng này sau khi cổ phần hóa, với mức giá khởi điểm 11.000 đồng/CP, khả năng thành công của đợt IPO này không lớn. Nguyên nhân là có không ít CP của các ngân hàng đang được giao dịch trên thị trường với mức giá dưới 9.000 đồng/CP.
Cũng chính vì lý do này, tuy được NHNN chấp thuận nhưng MHB vẫn chưa đưa ra chi tiết cụ thể của đợt IPO này.
Theo phân tích của CTCK TPHCM (HCM), đây là một bước tiến trong quá trình cổ phần hóa của MHB, nhưng hiện tại có lẽ không phải là thời điểm thích hợp nhất để một ngân hàng IPO.
Hải Hồ
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|