IR: Nhìn từ kinh nghiệm của các doanh nghiệp
(Vietstock) - Mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2011 có thêm điều đặc biệt là ban lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết đã được cổ đông “nhắc nhở” về vấn đề quá hạn chế trong việc cung cấp thông tin ra bên ngoài. Và nếu có thì cũng khá sơ sài.
* Hoạt động IR manh mún: Thiếu tầm nhìn dài hạn
Vấn đề được đặt ra ở đây là đa số các doanh nghiệp đang coi nhẹ công tác quan hệ với nhà đầu tư (IR). Nhiều doanh nghiệp công bố thông tin chỉ mang tính chất làm đúng “quy định” hơn là đáp ứng nhu cầu của cổ đông.
Trên 40% doanh nghiệp không công bố trước tài liệu ĐHĐCĐ
Hiện nay, hầu hết thông tin về các doanh nghiệp niêm yết mà nhà đầu tư có được chủ yếu dựa vào nguồn tin “bị động” từ các đơn vị chủ quản như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Nhìn chung, doanh nghiệp chưa tận dụng tốt lợi thế website của mình, vì thế lượng thông tin “ít ỏi” đó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của giới đầu tư.
Theo thống kê của Vietstock, tuy mùa đại hội năm nay tập trung chủ yếu vào tháng 4 nhưng đến hết tháng này, mới chỉ có 275/675 doanh nghiệp cả hai sàn HOSE và HNX công bố tài liệu ĐHĐCĐ trên website công ty (không tính trường hợp gửi tài liệu trực tiếp). Trong đó, sàn HOSE có tới 150/291 doanh nghiệp không/chưa công bố tài liệu. Chỉ tiêu này tại HNX còn “khủng” hơn với 250/384.
Thậm chí có đại hội, cổ đông còn không có trên tay bất cứ tờ trình nào khi tham dự, mà chỉ được nghe ban lãnh đạo “đọc” và "ngậm ngùi" thông qua.
Vừa qua, tại đại hội của SSC, các cổ đông liên tục phàn nàn về vấn đề cung cấp thông tin của công ty. Theo họ, mặc dù giá trị nội tại của SSC rất tốt nhưng thông tin mới nhất trên website để từ tháng 7/2010. Điều này rất không thuận lợi cho những nhà đầu tư muốn tìm hiểu về công ty để ra quyết định đầu tư. Do vậy, thị giá của cổ phiếu này chưa thể hiện đúng với giá trị thực, cổ đông “than thở”.
Còn tại đại hội của PVD, có cổ đông đã lên tiếng về việc 2 năm nay đều không nhận được giấy mời tham dự đại hội mà chỉ biết thông tin qua báo chí.
Trái ngược với 2 doanh nghiệp trên, SFI là một trong số ít công ty dành thời gian khá nhiều tại đại hội để nhà đầu tư tham gia hiến kế nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác IR. Theo đó, ban lãnh đạo khuyến khích các cổ đông tự tập hợp thành nhóm và thông báo địa chỉ, người chịu trách nhiệm để công ty kịp thời gửi tài liệu khi cần thiết.
Như vậy, có thể thấy, nhu cầu được tìm hiểu thông tin về tổ chức niêm yết là có thực. Tuy nhiên, kênh tương tác giữa cổ đông và doanh nghiệp còn rất hạn chế. Nếu có bức xúc gì thì cổ đông cũng chỉ được gặp ban lãnh đạo mỗi năm 1 lần tại mùa đại hội. Do vậy, không ít trường hợp đại hội đã kết thúc, bức xúc dâng trào nhưng cổ đông đành ngậm “bồ hòn làm ngọt”.
Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng
Bên cạnh những doanh nghiệp chưa nhận ra tiềm năng của IR thì cũng có không ít doanh nghiệp đã tận dụng được lợi thế này để quảng bá hình ảnh, thu hút nhà đầu tư tiềm năng.
Ông Trần Chí Sơn – Đại diện Ban IR của VNM chia sẻ, khi chưa niêm yết, các doanh nghiệp thường bảo mật thông tin nên khi bắt buộc công bố thông tin sẽ có tâm lý e ngại, sợ lộ bí mật kinh doanh. Ngoài ra, nếu công bố các phương hướng, chiến lược hoạt động thì sẽ tạo nên áp lực về khả năng hoàn thành đối với ban lãnh đạo.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác IR, nhiều năm qua, VNM rất xem trọng công tác này. Đối với VNM, ngoài kênh công bố trên Sở, công ty cũng tận dụng triệt để website doanh nghiệp để chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư. Đồng thời, ban IR của VNM cũng thường xuyên tiếp xúc với nhà đầu tư. Hàng năm, VNM tiếp trên 100 nhà đầu tư tổ chức đến tìm hiểu về tình hình công ty.
Chia sẻ về cách xử lý khủng hoảng khi phát sinh, ông Sơn cho rằng tùy vào đặc điểm của thông tin có cần thiết phải đính chính hay không bởi thị trường luôn xuất hiện tin đồn nên không phải lúc nào doanh nghiệp cũng chạy theo để đính chính. Tuy nhiên, nếu vấn đề lớn thì công ty sẽ cố gắng kiểm soát để sự việc không đi quá xa và trở nên phức tạp.
Điển hình như vụ sữa nhiễm Melamin tại Trung Quốc. Trước tiên, VNM tìm hiểu nguyên nhân và phân tích kỹ lưỡng các mẫu sản phẩm. Sau đó, VNM gửi yêu cầu xét nghiệm sản phẩm và một khi có kết quả, công ty nhanh chóng phát thông cáo báo chí công bố rộng rãi trên các kênh truyền thông.
Nhờ vậy, vụ việc này đã được giải quyết ổn thỏa trong vòng 1 tuần. Mặc dù ngay khi sự việc phát sinh, doanh số VNM giảm xuống rõ rệt nhưng chỉ một thời gian ngắn, doanh số tăng mạnh trở lại.
Còn theo STB, khi xảy ra bất kỳ sự cố nào gây bất lợi cho doanh nghiệp, người phụ trách IR sẽ là người nắm được bản chất sự việc. Họ cần có kỹ năng phân loại dạng tin (tin nào là thực tế, tin nào bị đồn thổi), biết cách khoanh vùng nơi xảy ra sự cố (đơn vị, chi nhánh nào) và bắt tay vào xây dựng kịch bản ngay. Sau đó thành lập ban xử lý sự cố. Tại STB, ngân hàng sẽ phân ra 5 loại thông tin công bố ra bên ngoài gồm: dành cho cổ đông, cơ quan chức năng, báo chí, khách hàng và cơ quan chủ quản.
Đồng quan điểm với VNM, khi khủng hoảng xảy ra, có những trường hợp STB phải “dừng chân” chứ không làm cho cao trào tiếp tục dâng lên. Theo đó, ngân hàng sẽ trao đổi hoặc đưa ra lý lẽ thuyết phục để đối chứng lại thông tin.
Về chi phí đầu tư cho công tác IR, STB cho rằng không phải là trở ngại đối với doanh nghiệp này. Hàng quý, ngân hàng đều phát hành bản tin và gửi báo cáo kết quả kinh doanh cho cổ đông. Đây được coi là những khoản đầu tư cần thiết, không thấm vào đâu so với những lợi ích dài lâu mà doanh nghiệp sẽ có được trong tương lai.
Vào ngày 17/06/2011, Vietstock tổ chức Hội thảo “Quan hệ Nhà đầu tư (IR) và Tối đa hóa Giá trị Doanh nghiệp”
Diễn giả:
* TS Matthew Hibberd - Phó Khoa Điện ảnh, Truyền thông và Báo chí của trường đại học Stirling (Vương quốc Anh)
* Tiến sĩ Nguyễn Sơn – Vụ trưởng vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Xem chi tiết |
Đối với KDC, IR là một chức năng trực thuộc phòng Tài chính. Nhiệm vụ của IR là chịu trách nhiệm chính trong việc phối hợp với các phòng ban khác chuẩn bị thông tin cung cấp cho nhà đầu tư. Do công tác IR thường phải tiếp xúc với các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp nên nhân viên phụ trách IR giỏi trước nhất phải có kiến thức rộng, đặt biệt trong lĩnh vực quản trị kinh doanh và tài chính. Họ phải có kỹ năng thiết lập chiến lược và quy trình IR cho công ty, đặt biệt là những giải pháp trong trường hợp công ty rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Tại HBC, ông Võ Đắc Khôi – Giám đốc kế hoạch kiêm IR có ý kiến, doanh nghiệp cần thiết kế thông điệp truyền thông nhằm vào mục tiêu gia tăng giá trị cổ đông, tạo dựng và phát triển giá trị thương hiệu. Chẳng hạn, do đặc thù sản phẩm của HBC là ngành bất động sản nên thông điệp truyền thông đưa ra phải mang yếu tố duy trì khách hàng cũ là các chủ đầu tư đã ký hợp đồng thi công cũng như khuyến khích các chủ đầu tư ký các hợp đồng mới với công ty
Về cách xử lý khủng hoảng, ông Khôi chia sẻ, công ty vẫn chủ động cung cấp cho cổ đông theo đúng quy định. Bên cạnh đó còn đưa ra các phương án giải quyết khó khăn mà ban điều hành đã thống nhất, cũng như các phân tích, nhận định tích cực về triển vọng trong tương lai. Ở HBC, bộ phận quan hệ cổ đông còn được giao quyền sử dụng trang web công ty làm kênh giao tiếp. Hiện HBC đang thiết kế lại trang chủ và sẽ có một mục riêng dành cho quan hệ cổ đông.
Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết vấn đề, ông Khôi lấy dẫn chứng vào năm 2008, giá vật tư tăng vọt đã ảnh hưởng lớn đến một số công trình đang thi công của HBC. Trước tình hình đó, HĐQT và BĐH của HBC nhất trí chuyển nhượng dự án Hòa Bình Tower ở khu Phú Mỹ Hưng để cắt lỗ và chuyển tiền mặt vào các dự án xây lắp lớn do HBC làm thầu chính.
Việc bán dự án này HBC đã phải hạch toán lỗ nhưng nhờ công ty giải thích rõ ràng và phân tích những mặt tích cực mang lại cho công ty về sau đã làm yên lòng cổ đông.
Từ kinh nghiệm của các doanh nghiệp cho thấy, không phải chờ sự cố xảy ra các bên liên quan mới ngồi lại với nhau để giải quyết mà phải có kế hoạch xây dựng IR từ trước, chuẩn bị các phương án ứng phó trước khi sự cố xảy ra.
Đồng thời, quá trình truyền thông được thực hiện với cả hai chiều gửi và nhận. Công tác quan hệ nhà đầu tư không chỉ dừng lại ở khâu tổ chức các sự kiện, công bố thông tin về doanh nghiệp mà còn đòi hỏi sự tương tác hai chiều liên tục.
Tóm lại, nếu thiếu IR, doanh nghiệp đã tự đánh mất cơ hội quảng bá hình ảnh của chính mình trên thị trường, và mất cả cơ hội thu hút nhà đầu tư tiềm năng.
Thanh Nụ
|