Ông Nguyễn Sơn: TTCK Việt Nam cần phải có bộ chỉ số mới
Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) - đại diện phần vốn nhà nước sở hữu gần 1,6 tỷ CP VCB - chấp thuận niêm yết bổ sung toàn bộ số CP này, được đánh giá sẽ có tác động lớn tới VN Index (khoảng 8,7%, đứng thứ 4 trên HOSE) do cách tính chỉ số theo bình quân gia quyền trọng số trên tổng số CP đang lưu hành. Nhìn từ thực tế này, ông NGUYỄN SƠN (ảnh), Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN, cho rằng:
Hiện nay, VCB chưa có văn bản chính thức gửi HOSE, UBCKNN về việc xin niêm yết bổ sung số lượng CP trên, vì vậy UBCKNN cũng chưa biết mục đích của việc niêm yết bổ sung số lượng CP nhà nước nắm giữ này để làm gì.
Việc niêm yết bổ sung số lượng 1,6 tỷ CP VCB cần được nhìn nhận trên 2 khía cạnh:
Thứ nhất, khi niêm yết bổ sung 1,6 tỷ CP do nhà nước nắm giữ mà Nhà nước chưa có kế hoạch bán giảm vốn (thoái vốn), thì việc đưa vào niêm yết khối lượng lớn CP sẽ không có nhiều ý nghĩa.
Thứ hai, việc tăng số lượng CP niêm yết của VCB nhưng không tăng số lượng CP có thể chuyển nhượng được (free float) sẽ làm tăng tác động tới cách tính chỉ số VN Index hiện nay, do trong cách tính chỉ số hiện tại, quyền số vẫn tính trên tổng số CP niêm yết (Outstanding Stock) chứ không tính trên số CP có thể chuyển nhượng.
Như vậy, việc sai lệch chỉ số do tác động của nhóm CP có mức vốn hóa thị trường lớn, nhưng thanh khoản kém sẽ làm méo mó chỉ số như hiện nay.
- Trong thời gian qua, sự biến động của VN Index phụ thuộc vào một số CP có vốn hóa lớn như BVH, MSN. Nếu nhìn từ góc độ quản lý thị trường, hiện tượng này có bình thường không, thưa ông?
Ông NGUYỄN SƠN: - Đúng là chỉ số chứng khoán hiện nay chưa phản ánh được chuẩn xác diễn biến thị trường, vì thực tế nhiều phiên giao dịch có tới 70-80% mã chứng khoán nhỏ xuống giá nhưng chỉ số chứng khoán lại tăng theo sự tăng giá của vài mã có mức vốn hóa lớn.
Thực tiễn này đang đặt ra các SGDCK cần phải xây dựng thêm nhiều bộ chỉ số mới bên cạnh các chỉ số hiện tại để có thể đánh giá chuản xác mức độ diễn biến của thị trường.
Theo tôi, bên cạnh 2 chỉ số CP tổng hợp hiện tại, cần xây dựng thêm các chỉ số theo top 30; hoặc top 50 và các nhóm chỉ số theo chuẩn phân ngành. Đó cũng là lý do nhiều TTCK quốc tế đưa ra các chỉ số khác nhau như chỉ số tổng hợp, chỉ số giá CP top…
- Với Việt Nam, chỉ số sẽ như thế nào, thưa ông?
- Vừa qua có nhiều ý kiến cho rằng, cách xây dựng chỉ số VN Index ở Việt Nam không đúng vì không phản ánh chính xác diễn biến thị trường và cần có sự thay đổi. Theo tôi, những ý kiến phát biểu như vậy chưa hoàn toàn chuẩn xác.
Thực tế, hệ thống tính toán chỉ số VN Index là hoàn toàn tự động và nằm chung trong phần mềm hệ thống giao dịch do SGDCK Thái Lan hỗ trợ Việt Nam. Đây là phầm mềm hệ thống thuộc bản quyền nhà cung cấp phần mềm chuyên nghiệp của Hoa Kỳ, chứ không phải chúng ta tự viết nên nói là sai hay đúng.
Chỉ có điều khác biệt khi tính toán quyền số do đặc thù của Việt Nam số lượng CP đang lưu hành và số lượng CP được chuyển nhượng không đồng nhất nên dẫn đến sự sai lệch khá lớn.
Thực tế chỉ số Việt Nam khác với thông lệ quốc tế. Chẳng hạn như với quốc tế, toàn bộ số CP đang lưu hành và CP có thể chuyển nhượng gần như là một, nghĩa là số CP đăng ký gần như được chuyển nhượng hoàn toàn, nên với cách tính chỉ số như VN Index hiện nay diễn biến thị trường được phản ánh hoàn toàn chính xác.
Nhưng ở Việt Nam có đặc thù khác, do đặc điểm có nhiều doanh nghiệp cổ phần hiện nay do chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước nên có câu chuyện như VCB (tỷ lệ nắm giữ CP của Nhà nước lớn), số CP được phép chuyển nhượng tự do rất ít, nên đã làm cho quyền số thay đổi và làm độ chính xác của chỉ số bị lệch. Đấy là điểm mấu chốt cần phải thay đổi khi tính lại chỉ số chứng khoán.
Quan điểm của tôi là cần có sự thay đổi trong cách tính toán chỉ số, nhưng điều đó không có nghĩa là làm lại các chỉ số hiện nay của 2 SGDCK, vì nguyên tắc của chỉ số là so sánh và đánh giá các dữ liệu quá khứ, có tính kế thừa, liên tục.
Vừa qua, UBCKNN đã có văn bản chỉ đạo 2 SGDCK nghiên cứu và tính toán xây dựng các chỉ số khác như theo top 30 hay top 50 công ty hàng đầu; chỉ số ngành kinh tế… bên cạnh chỉ số hiện hành, để báo cáo UBCKNN đưa vào thực hiện.
Trên cơ sở đó, xem xét lại phương pháp tính quyền số trong rổ tính chỉ số theo thực tế của Việt Nam, tức là quyền số chỉ nên tính toán trên số CP chuyển nhượng được để phản ánh chính xác diễn biến thị trường.
- Xin cảm ơn ông.
Hà My - Hoàng Xuân
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|