Thứ Năm, 26/05/2011 06:39

Muốn có thông tin về khai khoáng: mất 5 tỉ đồng

Phát biểu tại phiên Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 9 giữa Việt Nam và các đối tác phát triển sáng 25.5 tại Hà Nội, ông Ngô Mạnh Hùng, phó cục trưởng cục Chống tham nhũng (thuộc Thanh tra Chính phủ) cho biết, doanh nghiệp phải mất chi phí không chính thức lên đến 5 tỉ đồng nếu muốn có thông tin về khai thác khoáng sản.

Theo ông Hùng, qua khảo sát 110 doanh nghiệp tại các địa phương có mật độ khoáng sản cao, chi phí trung bình (không chính thức) để có thông tin là 178 triệu đồng, tối đa là 5 tỉ đồng. Có đến 91% số cơ sở phải trả loại chi phí này.

Đây là một trong những nội dung chính trong Báo cáo kết quả khảo sát nguy cơ tham nhũng ẩn chứa trong một số hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản, do cục Chống tham nhũng chủ trì.

Cũng theo báo cáo này, doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức để có quyết định phê duyệt trữ lượng là 110 triệu đồng (trung bình), cao nhất lên đến 1,2 tỉ đồng. Đồng thời chi phí để có bản thỏa thuận của cơ sở với chính quyền địa phương là 14 triệu đồng.

Ông Renwick Irvine (bộ Phát triển quốc tế Anh) nhận định, một trong những điểm đáng chú ý trong ngành khai khoáng của Việt Nam là sự độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước, như tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam hay tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dẫn tới sự tùy tiện trong quản lý và cấp phép. Tình trạng thiếu hành lang pháp lý, thể chế chưa hoàn thiện dẫn đến thiếu sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành này, tạo nên nhiều cơ hội cho tham nhũng.

Nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ nêu: chính việc doanh nghiệp giữ kín sản lượng khai thác được là “cơ hội” để thông đồng với nhà quản lý làm thất thoát tiền thuế phải đóng cho Nhà nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn “ăn quỵt” của môi trường phần chi phí đáng ra trả lại những gì đã lấy đi (bảo vệ môi trường sau khai thác), cũng như phần đền bù cho cộng đồng sống trong khu vực có tài nguyên.

Giám đốc ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Ayumi Konishi bày tỏ, trong khi khai khoáng là ngành quan trọng ở Việt Nam thì việc phải trả chi phí không chính thức là điều đáng quan ngại, ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư và sự tăng trưởng của Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam cần phải học văn hóa nói không với tham nhũng”.

Còn đại diện của Ngân hàng thế giới cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế thật mạnh để tập trung chữa trị “căn bệnh tham nhũng”, cần quyết liệt trong việc tăng cường tính minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình. Đồng tình với ý kiến này, đại sứ Anh Antony Stokes nêu ví dụ, theo đạo luật chống hối lộ của Anh, các công ty đưa hối lộ, dù đang hoạt động ở nước khác, cũng có thể bị đưa ra truy tố tại Anh.

Trong khuôn khổ Đối thoại, các đối tác phát triển cũng khuyến khích Việt Nam nhanh chóng đưa ra cam kết tham gia Sáng kiến minh bạch trong ngành khai khoáng (EITI), được coi là một công cụ hữu hiệu chống tham nhũng trong ngành này trên thế giới hiện nay.

Đại sứ quán Anh tại Hà Nội sẽ chính thức là nhà tài trợ điều phối hoạt động hợp tác, đối thoại về phòng chống tham nhũng của Việt Nam, thay cho đại sứ quán Thụy Điển sẽ đóng cửa cuối năm nay.

Việt Anh

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Hàng VN bị chủ tàu nước ngoài bắt chẹt (25/05/2011)

>   Người Việt tiêu thụ hàng tỉ lít bia/năm (24/05/2011)

>   Hai nữ giám đốc lừa ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng (19/05/2011)

>   Tổng giám đốc IMF từ chức (19/05/2011)

>   Lộ chuyện Facebook "chơi xấu" Google (15/05/2011)

>   Tổng Giám đốc IMF bị bắt vì cáo buộc tình dục (15/05/2011)

>   Lập dự án “ảo” lấy gần 200 tỉ đồng (14/05/2011)

>   BMI tranh chấp với DQS: Tiền hậu bất nhất ? (13/05/2011)

>   “Gã khổng lồ Phố Wall” gục ngã vì 14 tội danh lừa đảo chứng khoán (13/05/2011)

>   Nhiều lãnh đạo DN niêm yết ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII (11/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật