Tổng giám đốc IMF từ chức
Sáng 19-5, CNN đưa tin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo Tổng Giám đốc Dominique Strauss-Kahn đã xin từ chức và việc này "có hiệu lực ngay lập tức" sau scandal cưỡng bức tình dục.
"Tôi rất lấy làm buồn khi đệ trình đơn từ chức tổng giám đốc tới ban lãnh đạo IMF ngày hôm nay. Tôi muốn bảo vệ tổ chức này, nơi tôi đã phục vụ hết mình bằng lòng tự trọng và sự tận tâm". Strauss-Kahn viết trong thư gửi IMF.
"Tôi cũng muốn nói rằng tôi phủ nhận tất cả những lời buộc tội đối với tôi. Tôi sẽ dành mọi sức lực, tâm huyết, thời gian để chứng minh mình vô tội".
Hôm nay 19-5, luật sư của giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết sẽ trình phương án bảo lãnh bằng tiền cho ông Dominique Strauss-Kahn, đang phải ngồi tù vì cáo buộc xâm hại tình dục đối với cô hầu phòng khách sạn Sofitel, khu Manhattan, Mỹ.
Theo Thời báo New York, ngày 18-5, trong lá đơn xin ra khỏi một nhà tù ở New York - nơi ông đang phải đối mặt với cáo buộc liên quan tới một vụ cưỡng bức tình dục, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Strauss-Kahn đã cam kết từ chối quyền được dẫn độ và vẫn chịu sự giám sát trong 24 giờ.
Thời báo New York trực tuyến cho biết trong đơn xin nộp tiền bảo lãnh mới của ông Strauss-Kahn có đoạn: "Tôi tình nguyện từ chối quyền được dẫn độ dưới mọi hình thức".
Yêu cầu bảo lãnh đầu tiên của ông Strauss-Kahn đã bị thẩm phán khu vực New York Melissa Jackson từ chối vào ngày thứ hai. Bà Jackson cho rằng việc ông Strauss-Kahn bị bắt trên máy bay cho thấy ông có thể có ý định bỏ trốn.
Trong văn bản xin bảo lãnh mới, Strauss-Kahn tuyên bố ông sẽ không rời Mỹ trừ khi được tòa án cho phép, theo Hãng tin Đức DPA.
Dự kiến phiên điều trần trước xét xử với ông Strauss-Kahn sẽ được mở lại vào thứ sáu khi một đại thẩm phán sẽ xem xét liệu có đưa ông ra xét xử hay không. CNN cho biết các thẩm phán cũng đã nghe lời khai của cô hầu phòng 32 tuổi cáo buộc ông Strauss-Kahn tấn công tình dục cô.
DPA cho biết đề nghị bảo lãnh thứ hai, ngoài khoản tiền 1 triệu USD như lần bảo lãnh đầu, có thể kèm thêm việc quản thúc tại gia 24 tiếng và cài đặt thiết bị theo dõi điện tử lên người ông Strauss-Kahn. Hiện ông đã giao hộ chiếu Pháp của mình lại cho văn phòng công tố New York.
Là một nhân vật quốc tế quan trọng, bình thường ông Strauss-Kahn sẽ được miễn trừ ngoại giao với một số tội hình sự, nhưng IMF đã nhắc đi nhắc lại rằng Strauss-Kahn có mặt ở New York vì lý do cá nhân chứ không phải công vụ.
“Quyền miễn trừ của giám đốc điều hành là có giới hạn và không được áp dụng trong trường hợp này”, người phát ngôn của IMF William Murray nói. Jeffrey Shapiro, luật sư đại diện cho cô hầu phòng, một phụ nữ nhập cư đến từ Tây Phi, nói với CNN rằng khả năng ông Strauss-Kahn được thả làm thân chủ của ông lo ngại.
Thêm ứng viên người Trung Quốc?
Trong khi đó, trang mạng tin tức Asia One nói đã xuất hiện tin đồn một ứng viên người Trung Quốc có thể sẽ trở thành người thay thế ông Strauss-Kahn trong cương vị điều hành IMF.
Zhu Min, một trợ lý đặc biệt của ông Strauss-Kahn tại tổ chức này, là một trong những ứng viên tiềm tàng. Tuy nhiên, ông Zhu từ chối trả lời vấn đề trên khi được AP tiếp cận.
Ông đảm nhận cương vị này từ tháng 5-2010, sau khi làm phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và có sáu năm làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB). Ông có bằng tiến sĩ và thạc sĩ kinh tế học của Đại học John Hopkins, Mỹ.
Theo truyền thống, một người châu Âu sẽ giữ ghế điều hành IMF, trong khi người Mỹ đứng đầu WB, nhưng tiếng nói đòi hỏi thêm quyền lực từ các nước đang phát triển đã ngày càng lớn trong vài năm qua. Asia One cũng nói còn một nhân vật khác người Trung Quốc có thể trở thành ứng viên là Zhou Xiaochuan, đương kim thống đốc ngân hàng trung ương nước này.
AP cho biết hiện có bốn ứng viên châu Âu có thể thay thế ông Strauss-Kahn bao gồm Bộ trưởng tài chính Pháp Christine Lagarde, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Axel Weber, người đứng đầu quỹ hỗ trợ của châu Âu Klaus Regling, và cựu bộ trưởng tài chính Đức Peer Steinbrueck.
Từ các nước đang phát triển, những ứng viên bao gồm cựu bộ trưởng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Dervis, Bộ trưởng tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam, kinh tế gia người Ấn Độ Montek Singh Ahluwalia, cựu bộ trưởng tài chính Nam Phi Trevor Manuel, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Agustin Carstens và cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Brazil Arminio Fraga.
H.MINH
Tuổi trẻ
|