Thứ Sáu, 13/05/2011 11:32

BMI tranh chấp với DQS: Tiền hậu bất nhất ?

Cho rằng Tổng Công ty  Cổ phần Bảo Minh (HOSE: BMI) đơn phương hồi tố chấm dứt hợp đồng bảo hiểm đóng tàu sau khi tổn thất đã xảy ra hơn nửa năm là trốn tránh trách nhiệm khi thiệt hại phát sinh, Cty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đã khởi kiện Bảo Minh ra TAND tỉnh Quảng Ngãi.

Chưa có kết luận cuối cùng từ cơ quan chức năng nhưng rõ ràng việc không xử lý kịp thời tổn thất ước tính trên 4 triệu USD đang gây khó khăn rất lớn cho DQS, nhất là trong bối cảnh Cty đang thực hiện tái cấu trúc như hiện nay.

Hợp đồng... chặt chẽ ?

Ngày 30/10/2006, DQS và Bảo Minh ký HĐ bảo hiểm (BH) đóng tàu số AD0004/07PA003HH. Theo đó, Bảo Minh nhận BH “Mọi rủi ro của người đóng tàu đối với quá trình đóng mới tàu dầu 104.000 DWT, cụ thể đối tượng BH là “thân tàu, máy móc và các thiết bị trên tàu... trong quá trình tại xưởng, những cơ sở khác của người đóng tàu, trong quá trình vận chuyển giữa những nơi đó và quá trình hạ thủy tàu, chạy thử tàu...”. Giá trị BH ước tính 811,131 tỉ đồng. Thời hạn BH dự kiến 24 tháng kể từ ngày 30/12/2006. Tổng phí BH cho thời hạn BH là 4,773 tỉ VND. Phí gia hạn BH: 0,02%.

Phí BH được thanh toán làm ba kỳ: Kỳ 1: 50% tổng phí BH, thanh toán trong vòng 15 ngày kể từ ngày cấp đơn BH; Kỳ 2: 30% tổng phí BH, thanh toán sau khi hạ thủy an toàn; Kỳ 3: Toàn bộ số phí BH còn lại được thanh toán khi bàn giao tàu cho chủ tàu. Trong trường hợp xảy ra tổn thất thuộc trách nhiệm BH, Bảo Minh có nghĩa vụ tạm ứng cho DQS 50% giá trị tổn thất ước tính để kịp thời khắc phục thiệt hại.

Nhưng... cơm vẫn chẳng lành

DQS đã chuyển trả cho Bảo Minh 2 tỉ đồng trong tổng số 2,386 tỉ đồng phí BH kỳ 1.

Ngày 31/12/2008, theo yêu cầu của DQS tại Công văn số 1808/DQS-KH yêu cầu Bảo Minh gia hạn hợp đồng BH, Bảo Minh đã phát hành Bản sửa đổi bổ sung đồng ý gia hạn hợp đồng BH với thời hạn gia hạn từ 0 giờ ngày 31/12/2008 đến 24 giờ ngày 28/2/2010.

Ngày 15/1/2009, Bảo Minh gửi thông báo thu phí BH cho thời gian gia hạn, với phần phí BH bổ sung bằng 2,498 tỉ đồng sẽ được chia làm ba kỳ: kỳ 1 thanh toán trước ngày 30/1/2009, kỳ 2 thanh toán trong vòng 30 ngày sau khi hạ thủy tàu và kỳ 3 thanh toán ngay khi bàn giao tàu cho chủ tàu. Đồng thời, Bảo Minh cũng yêu cầu DQS thanh toán số phí Kỳ I theo Hợp đồng BH mà DQS chưa thanh toán hết. DQS đã đề nghị được thanh toán khoản phí còn thiếu của Kỳ 1 cùng với đợt thanh toán mốc hạ thủy tàu.

Ngày 2/3/2009, DQS đã đề nghị thanh toán phí BH bổ sung theo lịch: 30% phí bổ sung thanh toán vào lúc hạ thuỷ tàu; 30% tiếp theo thanh  toán khi bàn giao tàu và 40% còn lại thanh toán khi bàn giao tàu. Trong suốt gần 7 tháng, kể từ tháng 3/2009 cho đến tháng 9/2009, Bảo Minh không có bất kỳ ý kiến phản hồi nào đối với đề xuất trên của DQS.

Ngày 28-29/9/2009, cơn bão số 9 đổ bộ vào miền Trung và gây tổn thất cho con tàu được BH. Giám định tổn thất, ước tính sơ bộ thiệt hại đã được tiến hành và hoàn tất bởi Cty giám định do Bảo Minh chỉ định là Cty Matthiew Daniel. Theo Cty Matthiew Daniel, nguyên nhân gây ra tổn thất cho con tàu là do bão, tổng giá trị thiệt hại ước tính là 4.127.103 USD. Ngày 29/10/2009, DQS đã có các CV số 1357/DQS-KH và 450/DSQ-KH yêu cầu Bảo Minh tạm ứng 50% giá trị tổn thất  theo quy định tại hợp đồng.

Ngày 26/3/2010, sau hơn 5 tháng, Bảo Minh gửi Công văn số 669/2010/BM/QLNV từ chối gia hạn BH và đề nghị thanh toán phí BH còn nơ hơn 4,837 tỉ đồng. Ngày 3/6/2010, Bảo Minh có CV 1192/2010-BM/QLNV cho rằng hợp đồng đã hết hiệu lực kể từ ngày 31/1/2010 và yêu cầu thanh toán khoản tiền còn thiếu là 162.226.200 đồng.

Tiếp đó, ngày 28/9/2010, Bảo Minh gửi CV 1976/2010-BM/QLNV cho rằng hợp đồng đã tự động chấm dứt hiệu lực từ 31/1/2009 và tổng số phí còn nợ trên 2,951 tỉ đồng. Sau nhiều nỗ lực đàm phán nhưng Bảo Minh vẫn từ chối trách nhiệm, DQS đã khởi kiện ra tòa án.

Có quyền "hồi tố" ?

Ông Cao Thành Đồng - GĐ DQS cho biết: Theo quan điểm của Bảo Minh, nêu trong Công văn 269/2009-BM/LNV, khi phát sinh việc gia hạn thời hạn BH, phí BH bổ sung cũng phải được thanh toán làm ba kỳ, trong đó kỳ I được thanh toán trong vòng 15 ngày kể từ ngày đơn gia hạn  BH có hiệu lực, kỳ 2 khi hạ thuỷ và kỳ 3 sau khi bàn giao tàu. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung Hợp đồng BH thì rõ ràng số Phí Gia Hạn thuộc về “số phí BH còn lại” và sẽ được thanh toán khi bàn giao tàu, do vậy, DQS không có nghĩa vụ phải thanh toán ngay một phần phí BH bổ sung. DQS đã đóng phí BH kỳ 1 vì vậy căn cứ vào Điều 15 Luật Kinh doanh BH, trách nhiệm BH của Bảo Minh đã phát sinh.

Hơn nữa, trên thực tế ngày 26/3/2010, Bảo Minh vẫn có CV 669/2010/BM/QLNV đề nghị thanh toán phí BH còn nơ. Như vậy, Bảo Minh đã hoàn toàn bỏ qua quyền chấm dứt hợp đồng và ấn định lại thời hạn đóng phí BH. Vì vậy, ông Đồng cũng cho rằng việc Bảo Minh sau đó sử dụng quyền hồi tố chấm dứt hợp đồng là không ngay tình và thoả đáng: đó chỉ là cái cớ để từ chối trả tiền BH. Nếu Bảo Minh cho rằng họ có quyền chấm dứt hợp đồng thì họ phải thực hiện quyền này ngay từ 31/1/2009. Vụ việc lẽ ra phải được giải quyết dứt điểm ngay từ tháng 2/2009, và nếu như vậy, DQS hoàn toàn có đủ thời gian mua BH nơi khác và hậu quả lớn đã không xảy ra, tức là tàu luôn được BH. Hơn nữa, theo quy định của Luật  kinh doanh BH, DN BH chỉ có quyền đơn phương đình chỉ HĐBH: Khi bên mua BH có hành vi: Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng để được trả tiền BH hoặc được bồi thường; Không thực hiện các nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin cho DN BH theo qui định của Luật kinh doanh bảo hiểm.

Phan Nam

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   “Gã khổng lồ Phố Wall” gục ngã vì 14 tội danh lừa đảo chứng khoán (13/05/2011)

>   Nhiều lãnh đạo DN niêm yết ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII (11/05/2011)

>   Tòa án Lâm Đồng bác đơn khởi kiện của HAG (07/05/2011)

>   Sabeco kiện C&P ra toà sau thương vụ 111 tỉ đồng (07/05/2011)

>   Đến lượt tàu Hoa Sen bị tạm giữ (06/05/2011)

>   Thương vụ Marico - ICP và số phận của “Đàn ông đích thực” (05/05/2011)

>   Tiết lộ "động trời" của một cò đất (05/05/2011)

>   Vụ siêu lừa cổ phiếu sắp được xét xử trở lại (04/05/2011)

>   EVN thực nợ trên 9.000 tỉ đồng (04/05/2011)

>   Gần 30 tỉ đồng “bốc hơi” sau một vụ sáp nhập (04/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật