Loay hoay với GAP
Việc đưa thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vào canh tác sản xuất trái cây, chủ yếu phục vụ xuất khẩu và còn lại cho nội địa, từ nhiều năm gần đây trở thành "phong trào" ở nhiều địa phương. Nhưng cho đến nay, không ít mô hình đã đi vào bế tắc vì nhiều lý do, chủ yếu là không tìm được đầu ra.
Làm GAP, muôn kiểu khó
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, đến nay có khá nhiều khá nhiều mô hình trồng cây ăn quả đạt chứng nhận Global GAP và Viet GAP (103 mô hình, diện tích 2.572 hec ta). Các mô hình chủ yếu dựa trên liên kết của người dân cùng nhau sản xuất theo một tiêu chuẩn nhất định. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở đầu ra cho nông sản.
Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim nằm ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là một trong những nơi sớm nhận được chứng nhận Global GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn) được công nhận tại hầu hết các thị trường xuất khẩu vào năm 2008. Vùng đạt chứng nhận ban đầu chỉ có 7 hec ta sau đã mở rộng ra đến hơn 55 hec ta ở thời điểm hiện tại, cung cấp 400 tấn vú sữa đạt chuẩn mỗi năm trên tổng sản lượng toàn vùng là 30.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Văn Ngàn, những trái vú sữa được trồng, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ dàng truy nguyên nguồn gốc sản phẩm … từ đầu đã được bán ở hệ thống siêu thị Metro, rồi tìm đường xuất khẩu sang các thị trường Anh, Canada … mặc dù số lượng rất thấp, chỉ hơn 10 tấn. Giá bán khi đó theo ông Ngàn vào khoảng 42.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường khoảng 10.0000 đồng/kg.
Giá hấp dẫn, thế nhưng các năm sau đó, “vú sữa Global GAP” cũng chỉ để dành bán trong thị trường nội địa, còn đầu ra xuất khẩu thì vẫn tắc. Nguyên nhân theo ông Ngàn vì chưa tìm được cách xử lý ruồi đục quả nên các nước nhập khẩu chưa thể cấp mã số cho vùng sản xuất.
“Việc xử lý ruồi đục quả do Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đảm trách, nhanh lắm cũng phải đến cuối năm nay mới hoàn tất”, ông nói.
Tương tự, một điển hình nữa về sản xuất GAP đi vào cảnh bế tắc là ở hợp tác xã Mỹ Hòa, tỉnh Vĩnh Long. Ông Trần Văn Sang, chủ nhiệm hợp tác xã cho biết, trong năm vừa qua, chỉ có khoảng 2 container bưởi Năm Roi đạt chuẩn Global GAP xuất khẩu.
Theo ông Sang, nhu cầu cho bưởi chất lượng cao là không thiếu nhưng giá bán không tương xứng với chi phí bỏ ra, cộng với công nghệ sau thu hoạch, kho bảo quản chưa có nên giá bán chưa cao… đã khiến nông dân bỏ bưởi Global GAP để chuyển sang bưởi thường.
“Riêng việc cấp tái chứng nhận cho mấy chục hecta bưởi Năm Roi cần đến 7.700 đô la Mỹ trong khi giá bán thì thiếu ổn định, đã khiến nhiều bà con nản lòng”, ông nói.
Theo Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thơ, Phó chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam tại hội nghị do Cục trồng trọt tổ chức tại Tiền giang vừa qua, rất nhiều đơn vị làm Viet GAP lẫn Global GAP có tài trợ của tỉnh hay các tổ chức nhưng đến khi hết hạn, tái cấp thì không có tiền để thực hiện.
Hy vọng mới
Chuyện loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm GAP theo nhiều cá nhân có tâm huyết với ngành cây ăn trái, cũng xuất phát từ thiếu quy hoạch và đầu tư thích đáng. Cho đến nay, Bộ Nông nghiệp chỉ mới có Quyết định số 379/QĐ - BNN - KHCN năm 2008, đi kèm là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam (VietGAP), làm cơ sở hướng dẫn và cấp chứng nhận Viet GAP duy nhất tại Việt Nam.
“Định hướng có nhưng vấn đề căn cơ là quy hoạch chi tiết và phát triển những vùng chuyên canh chọn lọc một số loại cây ăn trái mũi nhọn để làm cơ sở tập trung đầu tư về giống, về vốn, tiến bộ kỹ thuật… thì vẫn chưa thấy đâu”, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) nói.
Tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, Trưởng ban điều hành liên kết GAP sông Tiền cho biết, liên kết sông Tiền gồm 22 hợp tác xã và tổ hợp, công ty kinh doanh rau quả của 7 tỉnh khu vực sông Tiền: Đồng Tháp, Vĩnh Long,Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Long An và TPHCM được thành lập từ năm 2004 đến nay, với sự đồng ý của ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
“Từ đó đến nay, hoạt động và tìm đầu ra cho các sản phẩm đạt chứng nhận GAP đến nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết kinh phí đều chỉ do một số doanh nghiệp tự nguyện đóng góp. Chúng tôi chỉ đề nghị Chính phủ hỗ trợ xây dựng cơ sở kinh doanh nông sản an toàn để người sản xuất có chỗ bán, người tiêu thụ có chỗ mua”, bà nói.
Bộ Nông nghiệp cho biết sắp tới sẽ triển khai chương trình quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản. Riêng ngành cây ăn trái, Bộ cũng yêu cầu các địa phương phía Nam quy hoạch, chọn ra những loại cây ăn trái điển hình, có giá trị cao để xây dựng các vùng chuyên canh, phát triển tập trung có diện tích từ 200 đến 500 hec ta, hoàn tất trong từ 2 đến 3 tháng tới và đưa lên đầu mối tổng hợp là Cục Trồng trọt.
Kết quả thế nào thì cũng còn phải chờ nhưng đây được xem là hành động khá quyết đoán của bộ trước tình hình phát triển èo uột của ngành cây ăn trái kéo dài trong nhiều năm.
Thái Hằng
TBKTSG
|