Báo động nhập siêu của khối doanh nghiệp FDI
Theo Bộ Công thương, mặc dù kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 34,75 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ, nhưng nhập khẩu trong đã lên 41,4 tỷ USD, đưa mức nhập siêu 5 tháng lên 6,5 tỷ USD, bằng 18,8% kim ngạch xuất khẩu.
Đáng lưu ý là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trước đây vẫn xuất siêu mạnh, nhưng qua 5 tháng đầu năm đã nhập khẩu 17,6 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ đưa mức nhập siêu của khối này lên 1,6 tỷ USD, chiếm 25% tổng nhập siêu cả nước.
Tại buổi giao ban xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm do Bộ Công thương tổ chức chiều 26/5, thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cảnh báo, mặc dù lợi thế hơn doanh nghiệp trong nước cả về vốn và ngoại tệ nhưng doanh nghiệp FDI lại nhập siêu mạnh, điều này cần phải làm rõ việc nhập khẩu này có nhằm phục vụ cho sản xuất và tạo ra giá trị gia tăng hay không?
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thuộc danh mục không khuyến khích nhập khẩu như hàng tiêu dùng, xăng dầu, ô tô...vẫn tiếp tục tràn về bất chấp những biện pháp thắt chắt của các cơ quan quản lý nhà nước.
Số liệu đưa ra cho thấy, dù ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ trở xuống trong 5 tháng nhập khẩu tăng 37,8% nhưng linh kiện phụ tùng lại giảm 48,3%, điều này chứng tỏ sản xuất trong nước có dấu hiệu thu hẹp nhưng nhập khẩu lại gia tăng.
Ngoài ra, việc nhập khẩu và tiêu thụ xăng dầu trong nước thời gian qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhập siêu của cả nước.
Theo Bộ Công thương, nếu trừ nguồn xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất thì lượng nhập về vẫn tăng trên 15%.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm việc nhập khẩu xăng dầu đã lên đến 5 triệu 142 nghìn tấn, tương đương 4,58 tỷ USD, tăng 15,6% về lượng và 41,6% về giá.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, trong khi cán cân thương mại nhiều năm gần đây thì dòng tiền xuất khẩu dầu thô đã bù đắp được lượng nhập khẩu xăng dầu phục vụ trong nước. Tuy nhiên, gần đây xuất dầu thô chỉ đạt trên 3 tỷ USD, nhưng nhập khẩu xăng dầu lại vượt 4,5 tỷ USD.
“Dù nhà máy lọc dầu Dung Quất chạy 100% công suất và cung cấp khoảng 30% nhu cầu thị trường nhưng nhập khẩu vẫn tăng mạnh, vậy việc nhập khẩu này có phục vụ cho sản xuất hay không, hay chỉ phục vụ cho các phương tiện phân khối lớn,” thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh.
Từ nay đến hết năm 2011 chỉ còn 7 tháng và theo đánh giá của nhiều đại biểu tại buổi họp thì việc chống nhập siêu còn khó khăn vất vả như nhiệm vụ chống lạm phát.
Để thực hiện yêu cầu của Chính Phủ là không để mức nhập siêu vượt quá 16% kim ngạch xuất khẩu thì hàng loạt các biện pháp cũng được các bộ ngành đưa ra.
Trong đó, đại diện Ngân hàng nhà nước cũng cho biết, một loạt các biện pháp về tín dụng đã được triển khai nhằm kéo mặt bằng lãi suất xuống thấp tạo điều kiên cho cho các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn vay và kinh doanh thuận lợi hơn.
Đặc biệt, phía ngân hàng cũng sẽ hạn chế việc cho vay, đầu tư vào các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu. Đồng thời yêu cầu khống chế mức trần cho vay với lĩnh vực phi sản xuất, để dòng chảy vốn được tập trung vào lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.
Đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng khẳng định, sẽ không kéo dài các khoản đầu tư có vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, xác định các công trình cần ngừng, giãn tiến độ và kiến nghị dùng các dự án đầu tư kém hiệu quả.
Hiện bộ này cũng đã triển khải 10 đoàn đi kiểm tra đánh giá tại 8 địa phương và 2 tập đoàn, với kết quả là đã cắt giảm hơn 900 dự án với số tiền trên 3 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11 của Chính phủ liên bộ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần ưu tiên sử dụng vật tư trong nước khi xây dựng các công trình góp phần làm giảm tình hình nhập siêu trong thời gian tới./.
Đức Duy
VIETNAM+
|