Thứ Tư, 25/05/2011 14:57

Beeline kỳ vọng hồi xuân

Nhận thêm vốn đầu tư nhưng lại chưa thể hiện kế hoạch rõ ràng, Beeline đang tạo ra 2 luồng ý kiến trái ngược nhau về khả năng khôi phục thị phần của mình.

Bao giờ cũng có ngách thị trường cho bất kỳ doanh nghiệp nào biết cách khai thác. Và có lẽ, Beeline đang kỳ vọng vào điều này, nhất là khi được tiếp vốn từ nhà đầu tư lớn đến từ Nga.

Được tiếp sức

Kể từ khi chính thức thâm nhập thị trường viễn thông di động khá cạnh tranh của Việt Nam vào giữa năm 2009, Beeline tràn trề hy vọng bứt phá với tuyên bố sẽ trở thành một trong những nhà mạng lớn nhất tại đây và hoạt động theo chuẩn quốc tế.

Sau vài tháng hoạt động, đến đầu năm 2010, Beeline thông báo đạt con số 2 triệu thuê bao. Điều khó hiểu là tiếp theo sau đó, mạng di động này lại khá im hơi lặng tiếng. Gần 1 năm “xao nhãng” đã khiến cho Beeline mất hơn 9/10 số thuê bao. Thống kê mới nhất của Vụ Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện Beeline chỉ còn lại gần 200.000 thuê bao.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 5, mạng viễn thông di động nhỏ nhất Việt Nam hiện nay này đã đón nhận một tin vui. Tập đoàn VimpelCom (Nga) công bố đã đạt được thỏa thuận với đối tác Việt Nam là Tổng Công ty Viễn thông Toàn cầu (Gtel) về kế hoạch đầu tư cho liên doanh Gtel - Mobile, đơn vị quản lý mạng di động Beeline tại Việt Nam. Theo thỏa thuận, VimpelCom sẽ chi 196 triệu USD để tăng số cổ phần trong liên doanh từ 40% lên 49%, sau đó sẽ là 304 triệu USD để tăng số cổ phần từ 49% lên 65% vào năm 2013. “Chúng tôi muốn tái khởi động và củng cố vị trí của mình ở Việt Nam, một thị trường viễn thông tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á”, ông Alexey Blyumin, Tổng Giám đốc Gtel - Mobile, cho biết.

Với vai trò là lãnh đạo một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam, ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng Giám đốc CMC Telecom, cho rằng Beeline im hơi lặng tiếng hơn 1 năm qua là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Nga cũng gặp nhiều khó khăn. Còn hiện nay, họ quay lại và rót thêm vốn vào Beeline, theo ông Cường, có 2 nguyên nhân: Kinh tế thế giới đang có chiều hướng ổn định hơn và Beeline đã xin được giấy phép sử dụng đầu số đẹp 099.

Thông tin tăng vốn đầu tư đã được công bố, nhưng hiện Beeline chưa cho thấy dấu hiệu nào rõ ràng về kế hoạch tái khởi động. Vị đại diện trên của mạng di động này cho biết, ông chưa thể trả lời thêm bất cứ điều gì vào lúc này.

Câu hỏi lớn

Trên thị trường viễn thông di động Việt Nam vẫn đang diễn ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa 3 mạng lớn nhất là Viettel, VinaPhone và MobiFone, chiếm hơn 90% thị trường. Bốn mạng di động còn lại chia nhau chưa tới 10% thị trường và việc mở rộng thị phần của họ xem ra không hề đơn giản.

Minh chứng là các mạng viễn thông nhỏ, dù có nhiều chiến dịch khuyến mãi, quảng bá rầm rộ nhưng lượng thuê bao không những chẳng tăng lên mà còn mất đi. Những con số thuê bao mà các mạng công bố thực chất là số sim được kích hoạt, còn thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông lại cho số thuê bao phát sinh lưu lượng thấp hơn nhiều.

Năm ngoái, Beeline công bố lỗ 9,8 triệu USD trong quý IV, nhưng xem ra họ vẫn còn nhìn ra hướng phát triển tại thị trường Việt Nam nên mới tăng cường đầu tư. Vậy liệu VimpelCom, 1 trong 3 công ty viễn thông lớn được mệnh danh là “Vodafone của thế kỷ XXI” (2 công ty kia là Brati của Ấn Độ và MTN của Nam Phi), có thể giúp Beeline hồi xuân được hay không?

Việt Nam có hơn 86 triệu dân nhưng đã có đến hơn 112 triệu thuê bao điện thoại di động. Con số này không phản ánh đúng thực tế vì thực ra đó là số sim kích hoạt như đã nói ở trên. Số người chưa sử dụng điện thoại di động vẫn còn đến hàng chục triệu người, một cơ hội cho các mạng viễn thông di động nhảy vào. Tuy nhiên, với việc vào thị trường muộn nhất, bị gián đoạn đầu tư, thế lại yếu, cơ hội này có vào tay Beeline?

Ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng phòng Kinh doanh của VinaPhone, cho rằng chuyện mua bán, sáp nhập hay tăng vốn đầu tư của các mạng nhỏ chưa thể làm cho thị trường biến động gì bởi chưa đủ sức nặng để gây tác động. Một đại diện MobiFone cũng nói trên báo Bưu Điện trực tuyến ngày 6.5 rằng, việc Beeline được rót thêm vốn không có gì đáng ngại. Vì số vốn này so với những gì các mạng lớn đã đầu tư là còn khá nhỏ.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Cường, CMC Telecom, nhận định số vốn VimpelCom đổ vào Beeline không phải là con số lớn so với việc đầu tư một mạng viễn thông di động.

Và ngoài những khó khăn tương tự các mạng di động nhỏ khác như Vietnamobile hay S-Fone, Beeline còn gặp phải một khó khăn khác là mạng lưới hoạt động còn nhỏ, vùng nông thôn rất khó tiếp cận. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, cách đi của Beeline tương đối ấn tượng với các chiến lược quảng cáo, gói cước thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng.

Lan Ca - Anh Hoa

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Hà Nội bán điện qua thẻ trả trước vào quý ba (25/04/2011)

>   Tập đoàn Trãi Thiên: Thấy lính, không thấy tướng (25/05/2011)

>   Từ 01/07, các tập đoàn sẽ kê khai vàng, ngoại tệ gửi tại ngân hàng (25/05/2011)

>   Tăng “sức mạnh” cho phôi thép nội (25/05/2011)

>   Giá cá tra giảm (25/05/2011)

>   Doanh nghiệp có nên “dùng đũa 2 tay?” (25/05/2011)

>   Cần 400 triệu USD nhập khẩu nguyên liệu điều (25/05/2011)

>   Khai mở thị trường mới (24/05/2011)

>   Doanh nghiệp ôtô kiến nghị sửa quy định nhập khẩu (24/05/2011)

>   Triển vọng đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam (24/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật