Triển vọng đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam
(Vietstock) - Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn 53% ý kiến vẫn còn giữ cái nhìn tích cực về kinh tế Việt Nam từ nay cho đến cuối năm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh trong thời gian qua phần nào phản ánh niềm tin của nhà đầu tư đối với nền kinh tế trong nước. Cũng chính sự “đổ đèo” của hàn thử biểu này đã làm cho các quỹ đầu tư không còn đặt nhiều hy vọng vào kết quả của các vụ IPO trong thời gian tới.
* Tải tài liệu: Triển vọng đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân quý 2/2011 (Grant Thornton)
Lạc quan triển vọng kinh tế
Một khảo sát của tổ chức Grant Thornton Việt Nam trong tháng 4/2011 cho thấy, quan điểm tích cực đối với nền kinh tế của Việt Nam đã có phần suy giảm; tuy nhiên, vẫn có trên 50% ý kiến giữ cái nhìn tích cực về kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tới.
Grant Thornton Việt Nam cho rằng, dù cho quan điểm chung vẫn là tích cực, song còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục vật lộn với khó khăn, nhất là những công ty chưa thể hồi phục hoàn toàn từ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Theo bà Trịnh Kim Dung Trưởng Phòng Dịch vụ Tư vấn Grant Thornton Việt Nam: “Những số liệu kinh tế gần đây, nhất là mức lạm phát tăng nhanh và sự mất giá của tiền đồng vẫn tiếp tục là các lí do khiến cho một số nhà đầu tư cảm thấy ít tin tưởng hơn vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản của sự tăng trưởng vẫn được duy trì và phần lớn các nhà đầu tư vẫn có cái nhìn lạc quan về nền kinh tế.”
Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy, có 53% các nhà đầu tư có kế hoạch tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Những nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn đánh giá cao các cơ hội hiện tại và thể hiện sự lạc quan về nền kinh tế Việt Nam.
49% đối tượng khảo sát cho rằng họ sẽ trả từ 3 đến 6 lần lợi nhuận (EBIDA) khi đầu tư mới vào Việt Nam và hệ số thoái vốn sẽ tăng trong vòng 12 tháng tới.
Các quỹ đầu tư thích “trao tay” hơn là IPO
Phương pháp chào bán cho các nhà đầu tư tổ chức tiếp tục là chiến lược thoái vốn hấp dẫn nhất cho các khoản đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam, trong khi ngày càng ít nhà đầu tư lựa chọn IPO là phương thức thoái vốn.
42% đối tượng được khảo sát cho rằng bán cho các nhà đầu tư tổ chức là chiến lược được ưu tiên cho việc thoái vốn của họ. Điều này rõ ràng là hệ quả của sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nhiều tháng gần đây và các hoạt động IPO không thành công.
Điểm đáng chú ý trong kết quả khảo sát lần này là sự gia tăng đáng kể đến 24% của tỷ lệ ý kiến cho rằng chào bán cho các quỹ đầu tư để thoái vốn là lựa chọn ưu tiên. Vì các quỹ đầu tư ở Việt Nam sắp hết hạn, chúng ta bắt đầu quan sát thấy các quỹ thoái vốn khỏi các danh mục bằng việc chào bán lại cho các quỹ đầu tư khác.
Thực tế của việc thiếu các khoản đầu tư có chất lượng ở Việt Nam và nhu cầu tìm kiếm khoản đầu tư của các quỹ đang còn dư nhiều tiền mặt là các yếu tố khiến phương pháp Bán lại cho các quỹ đầu tư trở nên phổ biến.
Niêm yết trên thị trường chứng khoán tiếp tục giảm hấp dẫn. Mặc dù Việt Nam có rất ít hạn chế và ít yêu cầu tuân thủ phức tạp đối với các công ty khi niêm yết nhưng với tình hình lạm phát cao và các hạn chế về vốn vay như hiện nay thì IPO tiếp tục là chiến lược thoái vốn ít hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Vốn vay trở thành rào cản cho việc đầu tư
Những người tham gia khảo sát vẫn cho rằng khó có thể tiếp cận nguồn vốn vay và đây là một rào cản khi đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Chỉ có tỷ lệ 11% cho rằng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. Do nguồn vốn vay đóng vai trò quan trọng, làm đòn bẩy nhằm tối đa hóa giá trị đầu tư. Vì vậy, việc khó tiếp cận nguồn vốn vay đã gây tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư này.
Bên cạnh đó, có đến 79% số người tham gia khảo sát cho rằng tệ nạn tham nhũng là trở ngại lớn nhất trong đầu tư ở Việt Nam. Và 77% đối tượng khảo sát cho rằng cơ sở hạ tầng xuống cấp đang là rào cản lớn cho việc đầu tư vào Việt Nam. 75% ý kiến khảo sát vẫn cho rằng vấn đề thủ tục & quy trình đầu tư và hệ thống pháp lý ở Việt Nam hiện đang làm môi trường đầu tư của Việt Nam kém hấp dẫn hơn.
Riêng đối với doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch là hai vấn đề lớn nhất khi thực hiện quyết định đầu tư tại Việt Nam. Do phần lớn doanh nghiệp Việt theo mô hình gia đình, còn thiếu tính minh bạch và các vấn đề về quản trị công ty.
Vận chuyển và Kho vận kém thu hút đầu tư nhất
Nói về các ngành hấp dẫn đầu tư tại Việt Nam hiện nay, kết quả khảo sát cho thấy giáo dục đang dẫn đầu danh mục lĩnh vực hấp dẫn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam, còn Vận chuyển và Kho vận là lĩnh vực kém thu hút đầu tư nhất.
Ngoài ra, trong lần khảo sát trước đây, lĩnh vực Xăng dầu, Khí đốt và Tài nguyên thiên nhiên cùng với Nông nghiệp được xem là những lĩnh vực kém hấp dẫn nhất. Tuy nhiên đến quý 2/2011, có đến 57% những người tham gia khảo sát đã có phản hồi rất tích cực đối với những lĩnh vực này.
Đây là bản báo cáo lần thứ năm do Grant Thornton Việt Nam phát hành xem xét quan điểm và triển vọng của lĩnh vực đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Kết quả của bản báo cáo này dựa trên ý kiến phản hồi từ những người ra quyết định đầu tư. Những người tham gia khảo sát làm việc ở cả trong và ngoài Việt Nam và có tham gia đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam như quỹ đầu tư/Công ty quản lý quỹ; công ty chứng khoán; công ty tư vấn/công ty luật; nhà đầu tư định chế; nhà đầu tư cá nhân. |
Xuân Anh
|