Tập đoàn Nhà nước dưới góc nhìn người trong cuộc
“Tôi có 28 năm làm doanh nghiệp, trong đó 22 năm làm các chức danh quản lý, đặc biệt là 18 năm gần đây là lãnh đạo doanh nghiệp ở các vị trí khác nhau, cũng tham gia làm chủ tịch hội đồng quản trị nhiều công ty cổ phần”.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông Bùi Ngọc Bảo, mở lời tại một hội thảo về mô hình tập đoàn cuối tuần trước.
“Nói thể để thấy hoạt động doanh nghiệp có các góc độ khác nhau, các mô hình khác nhau, các công ty khác nhau, ở các quốc gia khác nhau…”, ông Bảo nói.
|
Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo |
Không thống nhất về tiêu chí
Câu chuyện của người đại diện phần vốn Nhà nước tại Petrolimex có những ví dụ khá sinh động. Ông kể, ngày đầu đi làm cho Petrolimex thì rất “choáng” bởi vì lãnh đạo doanh nghiệp không nói đến việc cụ thể, mà thường nói đến số hiệu văn bản.
“Thế là mình ngồi nghe chẳng hiểu cái gì cả, như làm theo cái 187 chẳng hạn... Mất đến cả tháng, cuối cùng mới vỡ lẽ ông ấy nói đến văn bản chỉ đạo của nhà nước về vấn đề đấy”, ông Bảo nhớ lại.
“Chúng ta hành chính hóa những hoạt động doanh nghiệp, có nhiều quy định, nhưng cái thì có hệ thống, cái thì tản mát, cái thì đặc thù…, dẫn tới việc vận hành doanh nghiệp của chúng ta có những cái không đồng nhất”, Chủ tịch Petrolimex đưa quan điểm.
Trong lưu ý của ông Bảo, Việt Nam đã phải rất “mệt mỏi” đưa ra luật doanh nghiệp chung, có hiệu lực từ 1/7, để giải quyết những cái “vênh váo”, bất cập giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp nói chung.
“Bây giờ, cần thận trọng tránh việc tạo ra một cái có thể tuy không thành luật, nhưng lại là luật, như quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước chẳng hạn”, ông khái quát vấn đề.
Cũng do không thống nhất về tiêu chí, quy định về quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện nay, tập đoàn thì do Chính phủ quản lý, các tổng công ty lại là các bộ quản lý. “Việc có nhiều cơ quan quản lý, không nói đến trí tuệ ở đâu cao hơn, dứt khoát sẽ rất khác nhau về tiêu chí”, ông Bảo nói.
Vì cái “áo” tổng công ty đã quá chật
“Không phải cứ tập đoàn là to hơn tổng công ty. Tập đoàn là cấu trúc, có mô hình quản trị kèm theo. Nhưng chúng ta lại hành chính hóa và sắp đặt trong một trật tự về hành chính”, ông Bảo nêu điểm bất hợp lý thứ hai.
Trong hệ thống phân loại doanh nghiệp nhà nước, có tổng công ty 90, tổng công ty 91, có các doanh nghiệp đặc biệt quan trọng… “Cái đó nó chỉ nên mang tính chỉ đạo. Chứ không phải đưa nó vào một bộ để rồi có phân tầng khác”, ông Bảo lưu ý thêm về phân cấp đơn vị chủ quản hiện nay.
“Tổng công ty thì là tổng công ty chứ làm gì có tổng công ty 90, tổng công ty 91”, ông nói. “Và điều này đã đi vào tiềm thức của chúng ta, là lý do cho một một cuộc chạy đua. Theo trình tự sắp xếp như thế này thì được hiểu là tập đoàn lớn hơn tổng công ty, còn tổng công ty lớn hơn công ty”.
“Chúng tôi là một trong những doanh nghiệp xây dựng tập đoàn từ rất sớm. Trong nội bộ chúng tôi thì thấy thế này, không phải là thành tập đoàn để khẳng định độ lớn của mình, mà là do vấn đề quản trị của nó, cái áo của tổng công ty nó đã chật quá rồi”, Chủ tịch Petrolimex cho hay.
Nhắc đến đội tàu hàng hải của Petrolimex, chiếm tới 10% tổng năng lực vận tải biển của cả nước, tính riêng đối với lĩnh vực vận tải xăng dầu thì lớn nhất cả nước, ông Bảo cho rằng đây đáng lẽ phải là một tổng công ty riêng biệt.
Người đứng đầu tại Petrolimex cũng dẫn giải thêm rằng, nhu cầu xin chuyển đổi doanh nghiệp lên thành một hình thức gì đó, có mục đích để quản trị nó, chứ không phải để cho nó to. “Do đó xuất phát từ vấn đề quản trị mà chúng tôi thấy rằng bây giờ cần phải thay đổi cách gọi”, ông Bảo khẳng định.
Quản lý hàng nghìn tỷ đồng không có pháp nhân?
Một vấn đề khác đã được quy định cụ thể trong các văn bản liên quan nhưng đến giờ vẫn chưa tạo được đồng thuận, đó là pháp nhân của tập đoàn. Theo quy định hiện hành, tập đoàn không có pháp nhân.
“Doanh nghiệp ở một số lĩnh vực, giá trị thương hiệu là lớn nhất. Không có pháp nhân thì ai sở hữu thương hiệu tập đoàn đó? Giá trị hàng nghìn tỷ đồng ấy, ai quản lý?”, ông Bảo đặt một loạt câu hỏi, vốn lâu nay chưa được trả lời.
“Bởi vì chúng ta ngoài việc là đại diện theo pháp luật, doanh nghiệp của chúng ta khác với nước ngoài là còn có cái con dấu”, ông nêu thêm một dẫn chứng khác.
Năm 1992, khi Petrolimex thành lập liên doanh với BP thì ngày đầu tiên có con dấu về, ông Tổng giám đốc xách về Singapore sao ra làm 7 con dấu, phát cho mỗi ông trưởng phòng.
“Phó tổng của ta ở đấy mới nói, ấy chết, luật pháp chúng tôi quy định không được. Họ trả lời là với chúng tôi, chữ ký mới quan trọng chứ cái dấu này, tôi thấy luật quy định mỗi lần ký là phải cộp dầu thì tôi phát cho mỗi anh một cái, đóng cho nhanh”, dẫn chứng tại hội thảo, ông Bảo cho rằng quan niệm về pháp nhân của Việt Nam đang rất khác các nước.
Một chuyện nữa là ủy quyền. “Đi họp mà tổng giám đốc không đi lại cử ông trưởng phòng, mà ông ấy đi thì hiệu quả hơn là ông phó tổng không đúng lĩnh vực phụ trách, thế nhưng để ông ấy đi lại bảo là không coi trọng. Thế nên hiệu quả của chúng ta nó nằm ở tất cả những quy định này đây”, ông Bảo nói tiếp.
Theo ông Bảo, khó có ông chủ tịch kiêm tổng giám đốc hay kiêm bí thư nào mà lũng đoạn được điều hành tại doanh nghiệp. Vì theo luật định, hội đồng quản trị là cơ chế tập thể, một ông chủ tịch không hơn một phiếu. Đảng cũng có quy định bí thư không ra nghị quyết của Đảng bộ mà phải thông qua thường vụ. Nếu làm đúng quy chế, đúng quy định sẽ không nảy sinh ra những vấn đề.
“Chúng ta mong muốn quản lý nhiều quá, làm cho hiệu quả kém đi”, ông Bảo nói. “Thậm chí có khi biết không thực hiện được, vẫn cứ quy định”.
Anh Quân
tbktvn
|