"Mơ" kiếm siêu lợi nhuận: Coi chừng "gậy ông đập lưng ông" !
Những nhà kinh doanh xăng dầu ít vốn đang dựa vào tin đồn để “mơ” kiếm siêu lợi nhuận. Nhưng coi chừng, kẻo “gậy ông” đập lưng !
Từ cuối tháng 4, các đại lý xăng dầu lớn nhỏ bắt đầu “găm hàng” vì có tin đồn giá xăng dầu sẽ tăng. Cây xăng nhỏ thì tích trữ vài chục m3 trong bể chứa “bí mật”, đại lý lớn thì “ủ” vài trăm m3 xăng, dầu trong đủ loại xe, xà lan chở dầu, hay gửi ngay tại bể chứa của nhà cung ứng... Các đại lý nhẩm tính rằng: bỏ ra vài tỉ đồng “ủ hàng”, chỉ cần giá tăng thêm 1.000 đồng/lít thì họ sẽ lãi vài trăm triệu đồng nhờ ăn chênh lệch giá.
Găm hàng chờ tăng giá
Niềm tin của các nhà kinh doanh được củng cố vì thực tế giá xăng dầu đã liên tiếp được điều chỉnh tăng vào các ngày 24/2 và 29/3. Đúng như... tin đồn thời gian trước khi giá tăng. Mức tăng giá ở mỗi lần lại không nhỏ: từ 2.000-3.000 đồng/lít, tức là gấp 10 lần mức hoa hồng chiết khấu trên mỗi lít nhiên liệu bán ra. Rõ ràng, khoản lợi nhuận này đủ sức hấp dẫn các đại lý kiên trì găm hàng.
Thế cho nên, hình ảnh nhân viên các cây xăng lắc đầu từ chối bán hàng, hay treo biển “hết hàng”, “mất điện”, hoặc “kiểm kê hàng” đã trở thành... bình thường ! Điều này cho thấy thực tế: kinh doanh xăng dầu thời nay đang kiếm lời dựa vào những thông tin theo kiểu “rỉ tai” giữa các nhà buôn. Cho dù đó là thông tin không chính thức !
Thậm chí, cả khi Bộ Tài chính khẳng định giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu trong thời điểm này, thì số lượng các cây xăng găm hàng vẫn không giảm. Tại Hải Phòng, hiện chỉ có hệ thống đại lý của Cty xăng dầu khu vực 3 (Petrolimex) duy trì bán hàng ổn định và bán đủ nhu cầu. Nhưng với 42 cửa hàng (trên tổng số 250 điểm bán xăng dầu tại Hải Phòng) thì một mình Petrolimex không đủ sức ổn định thị trường.
Nhưng, trong khi nhiều cây xăng găm hàng chờ giá lên, thì cũng lại có hiện tượng bán tháo xăng dầu. Vậy tại sao cùng một thời điểm, các chủ kinh doanh xăng dầu lại có phản ứng trái chiều nhau?
Thực tế là, găm hàng chờ giá lên mỗi khi có tin đồn đang là chiêu phổ biến của các đại lý kinh doanh xăng dầu hiện nay. Đặc biệt là những đại lý ham kiếm siêu lợi nhuận trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế lại là khoảng cách quá xa, nhất là khi lượng vốn của đại lý ấy quá... hẻo !
Gậy ông lại đập lưng ông
Vì tới lượt tin đồn lần thứ 3, thì chiêu “găm hàng” này lại phản tác dụng. Sau một thời gian găm hàng, các đại lý bắt đầu sốt ruột khi giá xăng dầu vẫn không hề nhúc nhích. Nếu tiếp tục găm thì các đại lý sẽ mất thêm nhiều chi phí trữ hàng và rủi ro cũng tăng lên. Khoản tiền vay mua hàng có nguy cơ chuyển thành nợ quá hạn và lãi vay đang sinh sôi từng ngày.
Một chủ DN nhỏ tại Hải Phòng than vãn: “Người ta bảo tôi rằng xăng dầu... chuẩn bị tăng giá nên tôi chung vốn với mấy đại lý mua hẳn 200 m3 dầu và trữ hàng trên tàu. Giờ giá không tăng mà vốn làm ăn thì đang kẹt quá !”. Chủ DN này đang chào mời mấy DN vận tải mua giúp để thu hồi vốn. Vì không bán nhanh, các khoản chi phí nuôi tàu nằm không sẽ “nuốt” hết lợi nhuận. Cho nên, bán tháo hàng là lựa chọn duy nhất của DN để cắt lỗ.
Mặt khác, khi tín dụng đang thắt chặt như thời điểm hiện tại, các ngân hàng không dễ chấp nhận cho DN vay khoản tiền lớn để ôm hàng, cũng như cho DN “câu giờ” dẫn tới đọng vốn luân chuyển. Hơn nữa, với lãi suất cho vay hiện ở mức cao 22%/năm, kinh doanh xăng dầu thời điểm này lại khó có thể cho lợi nhuận đột biến nên rủi ro cho nguồn vốn là rất lớn. Bên cạnh đó, khi thị trường đang nhiễu thông tin, các DN sẽ hạn chế cả mua vào và bán ra để tránh rủi ro.
Do đó, sự láu cá của nhà kinh doanh không giúp họ xoay chuyển tình thế khi đã trót vướng vào cái bẫy do chính mình giăng ra. Chỉ ở nơi đầu nguồn của tin đồn, có người đang xoa tay vì vừa “bán tháo” hết hàng...
Thu Hằng
diễn đàn doanh nghiệp
|