Eurocham phản ứng quyết định xiết nhập rượu của Việt Nam
Ngày 26.5, trả lời câu hỏi của báo Sài Gòn Tiếp thị về việc ông Alain Cany, chủ tịch phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã có công văn gửi 2 bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch-đầu tư của Việt Nam phản đối quy định của Việt Nam về nhập khẩu rượu, thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, bộ Công thương cũng đã nhận được văn bản này.
|
Ông Alain Cany, chủ tịch phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham). |
Thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, các biện pháp về quản lý nhập khẩu rượu mới của Việt Nam là “không vi phạm cam kết khi gia nhập WTO hay các cam kết của các hiệp định song phương mà Việt Nam ký kết”.
Ông Biên cũng cho biết, bộ Công thương đã nhận được phản ánh này của phòng công nghiệp thương mại châu Âu nhưng chưa thể thu xếp cuộc gặp để đối thoại. “Sau khi có gặp gỡ, trao đổi, bộ Công thương sẽ công bố rộng rãi chứ không giấu diếm”, thứ trưởng Biên nói thêm.
Cũng về quy định xiết việc nhập khẩu rượu, mỹ phẩm bằng biện pháp hạn chế chỉ nhập qua cảng biển, ông Biên thừa nhận, bộ Công thương biết rõ các doanh nghiệp muốn sử dụng các con đường khác nhau nhưng cơ quan quản lý phải đảm bảo lợi ích, nhiệm vụ các bên.
“Ví dụ tôi biết điện thoại di động hiện chủ yếu là biển, một số ít qua hàng không nhưng chúng tôi không hề khuyến khích nhập qua đường hàng không”, ông Biên nêu quan điểm.
Trước đó, trong thư gửi đích danh bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, ông Alain Cany, chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết việc bộ Công Thương đề xuất áp dụng một số hạn chế nhất định đối với hơn 100 mặt hàng tiêu dùng, trong đó có rượu và bộ Tài chính có văn bản quy định chi tiết các hạn chế này nhằm hạn chế nhập khẩu mặt hàng rượu không chỉ sẽ ảnh hưởng tới xấu tới ngành rượu Việt Nam mà còn vi phạm việc tuân thủ các quy định thương mại quốc tế.
Cụ thể, Eurocham cho rằng, việc hạn chế cảng thông quan có thể trái với quy định hạn chế số lượng theo các điều khoản của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) năm 1994. Hạn chế này cũng có thể là rào cản kỹ thuật đối với thương mại và có thể vi phạm các hiệp định về Hàng rào Kỹ thuật đối với Thương mại.
Cũng theo Eurocham, những hạn chế về cảng nhập khẩu theo cơ chế đãi ngộ đối với những hàng hóa có thể đang trong quá trình chuyển cảnh qua Việt Nam cũng không phù hợp với hiệp định GATT 1994. Hạn chế về cảng nhập khẩu đối với một mặt hàng cụ thể có thể trái với hàng loạt nghĩa vụ theo các hiệp định thương mại song phương của Việt Nam nhằm mục đích chung là thúc đẩy tự do và tạo điều kiện thương mại hàng hóa thông qua loại bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan.
Theo Eurocham việc Việt Nam đơn phương đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên mức tột khung của WTO MFN có thể vi phạm các hiệp định song phương hiện hành. Cơ quan này cũng lưu ý rằng mức thuế suất ràng buộc theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam đối với rượu nhập khẩu là 45% vào năm 2013 và điều này “có thể được thực hiện theo các bước tuần tự hàng năm bắt đầu 1-1 của năm đầu tiên gia nhập”. Mức thuế suất cho rượu đã được giảm từ 65% xuống 51% và bất kỳ việc tăng thuế nào cũng có thể vi phạm những cam kết về việc tuần tự giảm thuế.
Đề xuất kéo dài thời gian “cấp giấy chứng nhận đạt chất lượng nhập khẩu”, hạn chế vận chuyển hàng hóa nhằm mục đích hạn chế về thương mại quốc tế, theo Eurocham là vi phạm một số nghĩa vụ quốc tế bao gồm hiệp định về các biện pháp vệ sinh dịch tế, hay hiệp định kỹ thuật và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tương ứng. Về việc bộ Công Thương đề xuất các nhà nhập khẩu phải dán nhãn hàng hóa trước khi xuất khẩu, theo EuroCham, sẽ rất khó thực hiện và tạo nên một rào cản thương mại
Hà Thành-Chí Hiếu
sài gòn tiếp thị
|