Thứ Hai, 23/05/2011 09:50

Lãi suất hỗ trợ vốn chứng khoán tiếp tục tăng

Thêm một công ty chứng khoán nữa vừa tham gia cuộc đua tăng lãi suất hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư với mức lãi suất tương đương 26%/năm.

Công ty chứng khoán SME vừa thông báo từ ngày 17/5 lãi suất của dịch vụ “Ứng trước tiền bán chứng khoán” sẽ là 0,072%/ngày, tương đương 26%/năm. Trước đó, SME đã thay đổi mức lãi suất này từ ngày 7/4 với 0,066%/ngày. Lãi suất được áp dụng thời điểm tháng 4 về trước là 0,060%/ngày. Lý do của sự thay đổi được đưa ra là do lãi suất cho vay từ ngân hàng tiếp tục tăng cao. Như vậy từ cuối tháng 2/2011 đến nay, SME đã 3 lần nâng lãi suất của dịch vụ này.

Hiện tại mức lãi suất đỉnh vẫn thuộc về công ty chứng khoán Kim Long (KLS) với dịch vụ cầm cố chứng khoán thời hạn trên 2 tháng (27%/năm). Với thời hạn dưới 2 tháng, lãi suất là 25%/năm.

Cuộc đua tăng lãi suất dịch vụ hỗ trợ vốn của các công ty chứng khoán bắt đầu bùng nổ mạnh từ cuối tháng 3. Các đợt tăng lãi suất trước đó khá lẻ tẻ và ở mức chưa quá cao. Tuy nhiên việc hàng loạt công ty tăng lãi suất đồng thời đã tạo hiệu ứng lớn hơn về tâm lý. Có thể do việc sử dụng đòn bẩy trong bối cảnh thị trường giá xuống không được ưa chuộng nên lãi suất áp dụng thay đổi không nhiều. Dịch vụ ứng trước tiền bán có mức độ thay đổi mạnh hơn.

Hiện tại lãi suất ngân hàng cả huy động lẫn cho vay vẫn đang trong tình trạng bức bối. Lãi suất huy động liên tục được cảnh báo với nhiều biến tướng lách luật, thậm chí có thể huy động lên 18-19%/năm với các kỳ hạn ngắn. Lãi suất đối với dịch vụ chứng khoán không chỉ bị ảnh hưởng bởi lãi suất đầu vào cao, mà còn từ sức ép thu hẹp dư nợ cho vay phi sản xuất của Ngân hàng nhà nước (SBV).

Liên tục trong mấy ngày cuối tuần qua, cơ quan quản lý đã ban hành các văn bản yêu cầu ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng năm 2011. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, vẫn còn một số tổ chức có kế hoạch tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 trên 20%, tốc độ và tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất cao hơn năm 2010.

SBV một lần nữa nhấn mạnh các tổ chức tín dụng phải xây dựng kế hoạch và duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế dưới 20% trong suốt cả năm 2011; giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và chứng khoán so với năm 2010. SBV không chấp thuận đối với các tổ chức xây dựng và thực hiện tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm 2011. SBV cũng yêu cầu ra soát và báo cáo lại tình hình thực hiện quy chế cho vay.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là hết thời hạn của giai đoạn một trong tiến trình hạ dư nợ cho vay phi sản xuất tại các ngân hàng thương mại. Đến 30/6/2011, tỉ lệ cho vay các lĩnh vực này phải xuống dưới 22% và đến 31/12/2011 phải xuống dưới 16%. Đợt báo cáo đầu tiên sẽ có chậm nhất là 12/7. Sức ép đối với các ngân hàng nhỏ là rất lớn vì đây là nguồn vốn chính cho các hoạt động phi sản xuất, trong khi các ngân hàng lớn đa số có tỉ trọng cho vay phi sản xuất không cao.

Để hạ tỉ lệ dư nợ xuống, các ngân hàng phải tích cực đòi nợ. Số liệu từ đầu tháng 5 cho thấy có ít nhất 24 ngân hàng sẽ phải cơ cấu lại tỉ lệ dư nợ phi sản xuất, hiện đang từ mức  26% trở nên. Quy định về danh mục lĩnh vực cho vay phi sản xuất bao gồm cho vay chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán; cho vay để đầu tư, kinh doanh bất động sản; cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng (cho vay tiêu dùng).

Áp lãi suất cao là một trong những biện pháp dễ nhận thấy nhất để các tổ chức tín dụng hạn chế cho vay mới. Tuy nhiên áp lực đòi nợ mới là mối lo ngại đối với lĩnh vực chứng khoán và bất động sản. Các “con nợ” sẽ phải tìm nguồn để trả nợ. Riêng đối với chứng khoán, điều đó đồng nghĩa với khả năng thanh lý các danh mục để thu hồi lại vốn. Các danh mục lỗ nặng đương nhiên sẽ đứng đầu trong thứ tự ưu tiên.

Trọng Nghĩa

tbktvn

Các tin tức khác

>   TTCK Việt Nam: lạc quan trong dài hạn (23/05/2011)

>   Mất gần 7,500 tỷ đồng từ đầu năm 2011, khối ngoại đang phải trả giá (23/05/2011)

>   Tiếng nói nhà đầu tư: Tìm lạc quan trong cơn tuyệt vọng (23/05/2011)

>   Nhà đầu tư có nguy cơ mất tiền trong tài khoản (23/05/2011)

>   Công ty chứng khoán vào đường cùng? (23/05/2011)

>   Thị trường “suy sụp” chờ CPI (23/05/2011)

>   Chứng khoán tuần mới: kịch bản đánh lên tốn kém? (23/05/2011)

>   23/05: Bản tin đầu tuần (23/05/2011)

>   Thị trường tuần 23-27/05 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (22/05/2011)

>   Cổ phiếu nào giảm mạnh nhất trong tuần (22/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật