Cổ phiếu nào giảm mạnh nhất trong tuần
(Vietstock) – Đã khá lâu thị trường mới có một đợt biến động cực mạnh trong tuần qua, khiến cho giá cổ phiếu vốn đã ở mức rất thấp tiếp tục rơi xuống mức “không còn gì rẻ bằng”. Tuy nhiên đà giảm này chưa có dấu hiệu chấm dứt khi mà tâm lý nhà đầu tư vẫn còn hết sức bi quan và đặc biệt chỉ số CPI tháng 5 sẽ chính thức được công bố trong tuần tới.
Chỉ trong vòng một tuần, chỉ số VN-Index đã mất tổng cộng 46.8 điểm, tương đương 9.76%. HNX-Index dù đà giảm đã được rút ngắn nhưng cũng mất hơn 5 điểm, tương ứng với 6.27% điểm số và rơi xuống thấp mức thấp chưa từng có trong lịch sử chỉ số này.
Lãi suất huy động và cho vay trên thị trường vốn vượt xa mức lãi suất trần do Ngân hàng Nhà nước quy định và lạm phát dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn còn ở mức cao đã tác động mạnh đến sự biến động tuần qua của thị trường, gián tiếp làm cho áp lực giải chấp có cơ bộc phát.
Hơn 270 cổ phiếu dưới mệnh giá
Thống kê tại HOSE có hơn 1/3 trong số 289 mã đang niêm yết có mức giá dưới 1x, trong đó FPC là mã có mức thấp nhất trên thị trường với 2,900 đồng/cp, tiếp theo là một số mã như VKP, VSG, BAS… đây đều là cổ phiếu của các doanh nghiệp có mức lỗ khá lớn năm 2010.
Tỷ trọng các nhóm cổ phiếu tại HOSE ngày 20/05/2011 |
|
Ở phần còn lại của thị trường có 98 mã có mức giá từ 1x- dưới 2x, cũng chiếm hơn 1/3 tổng số mã toàn thị trường; tiếp theo là 49 mã có giá từ 2x đến dưới 3x, chiếm tỷ lệ 17%. Số lượng cổ phiếu từ 3x trở lên chiếm chưa đến 16%.
Thị trường chỉ còn 3 mã còn giữ được mức giá trên 10x là DHG, VIC và VNM. Với MSN, sau khi đạt đỉnh 130,000 đồng/cp vào ngày 12/05 cổ phiếu này đã liên tục giảm giá mạnh và với 5 phiên giảm mạnh vừa qua, MSN đã mất tổng cộng 16.15%, chốt ở mức giá 97,000 đồng/cp.
BVH cũng rơi vào trường hợp tương tự khi mất đến 14.36% giá trị, giảm còn 77,500 đồng/cp. VIC giảm 16.15% xuống còn 109,000 đồng/cp. Theo tính toán thì chỉ riêng sự giảm giá của BVH, MSN và VIC trong tuần qua đã lấy đi của thị trường xấp xỉ 27 điểm.
Tỷ trọng các nhóm cổ phiếu tại HNX ngày 20/05/2011 |
|
Tại HNX tính đến 20/05 có đến 175 mã dưới mệnh giá, chiếm gần 46% trên tổng số 384 mã đang niêm yết tại sàn này. Trong số này, VTA là mã có mức giá thấp nhất với 2,600 đồng/cp và đã ghi nhận mức giảm 10.34%. Sở HNX đã chính thức ra quyết định hủy niêm yết từ ngày 02/06 do thua lỗ liên tục trong 3 năm và chưa hướng khắc phục.
Các cổ phiếu có mức thấp tiếp sau VTA là TTC (2,600 đồng/cp), SVS (3,400 đồng/cp), HBE và SHC cùng ở mức giá 4,000 đồng…
Phần còn lại của thị trường có 153 cổ phiếu có mức giá từ 1x đến dưới 2x, chiếm 40% tổng số mã niêm yết và 56 mã có giá từ 2x đến dưới 10x, chỉ chiếm 14.6%. Trong số này, SQC có mức giá cao nhất với 85,400 đồng/cp và HGM 85,100 đồng/cp.
555 mã giảm giá
Thống kê về mức độ biến động giá cổ phiếu tại HOSE trong tuần qua có đến 245 mã giảm giá, chiếm 85% tổng số mã đang niêm yết. Nếu loại trừ các mã điều chỉnh giảm về mặt kỹ thuật do giao dịch không hưởng quyền thì VNL, MSN, FBT, MHC, SHI, VPL, DRH, VIS, HAG, MCG là các mã giảm mạnh nhất trong tuần với mức giảm từ 18-20%.
Ngoài MSN, VPL, FBT giảm do điều chỉnh kỹ thuật sau nhiều phiên tăng mạnh trước đó thì VNL giảm gần 20% dù không có thông tin nào quá tiêu cực được công bố; các mã khác nhác như MHC, DRH, SHI, VIS, MCG giảm chủ yếu do xu hướng chung của thị trường trong thời gian dài vừa qua.
Đáng chú ý trong số này là HAG, dù có kết quả kinh doanh không tệ lại vừa phát hành thành công 90 triệu trái phiếu quốc tế, và được Fitch xếp hạn tín nhiệm dài hạn ở mức B với triển vọng ổn định nhưng vẫn bị nhà đầu tư xả hàng mạnh mẽ.
Điểm đặc biệt trong tuần qua là với xu hướng chung của thị trường nhưng HOSE vẫn có 30 mã tăng giá và 10 mã giữ ở mức giá tham chiếu. VCF mặc dù chỉ có 4 phiên tăng kịch trần và 1 phiên đứng giá nhưng đây vẫn là mã có mức tăng mạnh nhất với tỷ lệ 20%. VCF cũng được xem là mã cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường trong vòng 1 tháng trở lại đây với tỷ lệ 59.23%.
Quý 1 vừa qua, VCF đạt lợi nhuận xấp xỉ 73 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình từ phía công ty, việc giá và sản lượng tiêu thụ cà phê trong quý đều tăng hơn 25%. Bên cạnh đó, việc chủ động về nguyên liệu dự trữ giá rẻ và lãi suất tiền gửi tăng cao giúp công ty đạt được mức lợi nhuận đột biến.
Với mã KSB, mặc dù có phiên điều chỉnh không hưởng quyền nhận cổ tức với tỷ lệ 39% bằng tiền mặt nhưng công ty vẫn ghi nhận mức tăng 14.45% và chốt ở mức giá 59,000 đồng/cp.
HLG tăng 13.04%, thống kê trong vòng 1 tháng trở lại đây HLG đã tăng gần 55% từ 8,100 đồng – 13,000 đồng/cp.
VCB mặc dù có hai phiên giảm khá mạnh vào cuối tuần nhưng với 3 phiên tăng mạnh đầu tuần nhờ thông tin niêm yết bổ sung gần 1.6 tỷ cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước đã giúp cổ phiếu này ghi nhận mức tăng 6.76% trong tuần vừa qua.
Diễn biến tại HNX trong tuần qua cũng có đến 310 mã giảm giá, chiếm 81% tổng số mã niêm yết. Trong số này, PHS là mã có mức giảm giá mạnh nhất với tỷ lệ 24.14% chỉ còn 4,400 đồng/cp; tiếp theo đó là HPR giảm 24.12% xuống còn 17,300 đồng/cp. Ngoài ra, SRA, VC1, GLT đều có mức giảm trên 22%; S55 giảm 21.52% và các mã như V11, NSN, S74 giảm trên 20%.
Trái ngược với xu hướng này của thị trường vẫn còn 36 mã đứng giá và 38 mã cổ phiếu tăng giá. Trong đó, CVN tăng 5 phiên liên tiếp với tỷ lệ gần 30% dù không có thông tin hỗ trợ nào được công bố trước đó. Tiếp sau mức tăng của CVN là mã KTT tăng 20%, PMS tăng 13.79% và CJC cộng thêm 13.53%...
Viết Vinh tổng hợp
|