Chứng khoán là…
Cứ nôm na thế này, khi thị trường xanh ngắt, chứng khoán sẽ là… "Hứng khoán". Nó biến rất nhiều người vốn căn cơ, cẩn thận thành những NĐT… húng quá. Sau đận "húng quá" gần như tất nhiên sẽ đến giai đoạn… túng quá. Nhưng túng mà ôm cả trăm tỷ bạc của công ty… lên đường như bác chủ tịch một CTCK thì hẳn là đã túng quá hóa liều!
Hiện đang là thời kỳ chứng khoán thành… "Chứng khốn", kèm theo đó là vô số khái niệm phụ trợ kiểu như cổ phiếu ưu đãi thành cổ phiếu ngược đãi, cổ phiếu thưởng thành cổ phiếu phạt… Rồi thì với các đại gia, cá mập, chứng khoán giờ là cái chân gà (ý hẳn là lấy cái tích kê cân mà Dương Tu từng giỡn Tào Tháo), bỏ thì thương vương thì tội. Với các nhà quản lý, đó lại là đứa con chung, khi cháu phổng phao thì đến lắm người chia sẻ, đến lúc xấu giời thì của anh, của ả, cuối cùng thành của… "không ai sất"…
Nhưng chuyện này mới hay ho. Chắc ai cũng biết trong tiếng Anh, cổ phiếu là stock. Nhưng stock còn có nghĩa là… hàng tồn kho. Mới nghe thì thấy chẳng liên quan gì, nhưng 10 lý do sau đây cho thấy, đâu chỉ tiếng Việt mới ngoắt ngoéo, quanh co. Các nhà ngôn ngữ xứ sương mù cũng thâm phết!
1 Cổ phiếu là một dạng hàng hóa. Nhưng đặc biệt ở chỗ khi mua, ta không bao giờ thích là người thụ hưởng cuối cùng. Khi thị trường lên, trên diễn đàn mạng nhan nhản cảnh báo "coi chừng mất hàng!", khi thị trường xuống, tốt xấu trăm mã đều bị coi là… hàng lởm cả trăm. Mớ hàng ế trong kho, chắc chủ hàng nào cũng muốn càng khuất mắt sớm bao nhiều càng nhẹ lòng bấy nhiêu.
2 Cổ phiếu cũng giống hàng tồn kho khi không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Có một sự thực hiển nhiên: trên 2 sàn hiện có hơn 600 công ty niêm yết, số lượng cổ phiếu khoảng 60 tỷ. Bất cứ lúc nào, mưa hay nắng, ngày hay đêm, Thu hay Đông, nó cũng phải có chủ..., chắc chắn là như thế! Vậy thì, niềm vui của người này là nỗi buồn người kia... Hàng tồn kho cũng thế, người này cất được gánh nặng, hẳn sẽ có người kia mua bực vào thân.
3 Cả chứng khoán và hàng tồn kho đều là… giống cái. Khi mua cổ phiếu mà sau đó cứ tăng trần, ta hý hửng khoe rằng vừa "tán" được một em chân dài. Nhưng khi hài kịch biến thành bi kịch, "em chân dài" ế không ai mua thì đương nhiên trở thành hàng tồn kho (xưa nay chỉ có phái yếu muộn chồng mới được người ta tế nhị gọi là hàng tồn kho, chứ anh em thì bị gọi đích danh là… thằng ế vợ).
4 Đặc điểm của hàng tồn kho là luôn phải thanh lý với giá rẻ, thậm chí bán vứt đi không ai mua. Cứ xem làn sóng gán cổ phiếu bằng hoặc dưới mệnh giá của các đại gia ngân hàng năm qua thì đúng là cái quá trình thanh lý này gian nan quá. Mà chưa kể còn có công ty bông băng nọ rao bán mớ hàng tồn kho chỉ với giá hơn ba ngàn bạc. Đừng ai nói cổ phiếu rẻ như rau, kẻo bà bán rau mắng cho vuốt mặt không kịp!
5 Chính vì ế nên khi thanh lý hàng tồn kho người ta thường hay khuyến mại. Tất nhiên, cổ phiếu giờ mà khuyến mại theo kiểu mua một tặng một thì dân tình đã ngán như ăn mỡ luộc. Khuyến mại thời thượng mà gần đây các NĐT hiến kế thì khác, bằng sản phẩm. Cứ nhẽ ấy mà suy thì cổ phiếu sắt thép, xi măng hợp với mấy bác sắp xây nhà, cổ phiếu rượu bia dễ vào danh mục các ông bợm nhậu, cổ phiếu phân đạm chắc là đối tượng của… bà con nông dân!
6 Tuy nhiên, đặc điểm chung của cổ phiếu và hàng tồn kho đều là, cứ cái gì khuyến mại cao, cái đó đều kém chất lượng. Không tin ta cứ thử tham gia các đợt… "tưng bừng khuyến mại" vào hè của các siêu thị điện máy dạo này thì rõ. Bia kèm lạc không lỗi mốt thì cũng hết date sử dụng. Tất nhiên, cũng có khác biệt… nho nhỏ. Đấy là hàng tồn thì giảm giá theo mùa, chứ chứng khoán xứ ta thì sell off cả Xuân, Hạ, Thu, Đông.
7 Cổ phiếu là một dạng tích sản, hàng sinh ra tiền cũng là một dạng tích sản. Khi ta mua cổ phiếu ở trên đỉnh hay hàng hóa nằm im lìm trong kho thì lại chuyển giới sang… tiêu sản rồi.
8 Hàng tồn kho thường không có giá trị thật. Cổ phiếu ế chẳng biết khi nào là rẻ. Ở thị trường xứ ta hiện tại, có lẽ 100% NĐT không còn tin là cổ phiếu có giá trị thực, dù cái lõi cổ phiếu là DN… nguyễn y vân. Vậy nên, có người nói rằng giá để trở thành yếu nhân tại các DN chưa bao giờ bèo bọt như hiện nay. Hàng tồn kho cũng thế. Nó có thể vẫn tốt, nhưng cái danh hàng tồn vẫn khiến ít kẻ nhòm ngó.
9 Còn nhớ ngày trước, chi phí thường xuyên của các nhà quản lý thị trường có một khoản gọi là "kinh phí tạo hàng". Cũng như thời bao cấp, hàng hóa trong kho cũng lèo tèo mà mét vải, lạng thịt đều qua tem phiếu. Hồi khai sàn, HOSE chả phải phát phiếu mua chứng khoán là gì. Bây giờ hàng hóa ê hề, chỉ có điều thượng vàng hạ cám lẫn lộn quá. Không biết có khoản chi nào cho… công tác lọc hàng không nhỉ?
10 Hàng tồn kho, tất nhiên chủ hàng lo sốt vó. Vừa xuống phẩm cấp, vừa chậm quay vòng lại chết tiền bến bãi. Chỉ có chủ bãi, chủ kho "sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi". Cổ phiếu không bán được, DN chán chẳng muốn lên sàn, có vị lên được tí không chịu được lại đòi xuống. Riêng các bác xé vé vẫn kiên định, "dù ai nói ngả nói nghiêng"…
Vì bản chất chứng khoán đã là hàng tồn kho, vì sự kiên định ấy nên các NĐT xứ ta thiết nghĩ cũng chẳng nên kêu ca, khóc lóc nhiều. Chỉ có điều, cũng cần biết, trong tiếng Anh, chứng khoán (Securities) đọc lên rất giống với Security (bảo vệ). Có ý cả đấy. Nó bảo rằng, khi đã bước chân vào chốn Securities thì phải biết… he he… tự Security mình!
Phí Trọng Hiếu
đầu tư chứng khoán
|