Nhà đầu tư trắng tay với đòn bẩy tài chính
Giá cổ phiếu liên tục suy giảm khiến nhà đầu tư sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính trắng tay. Công ty chứng khoán cũng rơi vào thế bí trong việc xử lý nợ
Thị trường chứng khoán đang ở trong giai đoạn buồn tẻ nhất đối với nhà đầu tư. Khác với giai đoạn suy thoái năm 2008 - thị trường liên tục lao dốc nhưng vẫn có sóng hồi phục đủ mạnh, gần đây thị trường giảm điểm chậm nhưng kéo dài triền miên khiến nhà đầu tư từ lỗ đến lỗ, nhất là các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.
Giá đắt của margin
Đòn bẩy tài chính là cụm từ rất “hot” trong giai đoạn thị trường sôi động. Nhiều hình thức hợp tác đầu tư, dịch vụ tài chính cũng đang được sử dụng, nhất là việc sử dụng margin (giao dịch ký quỹ) đã làm cho không ít nhà đầu tư trắng tay. Trưởng bộ phận môi giới của một công ty chứng khoán có trụ sở ở quận 1 - TPHCM tiết lộ về một trường hợp nhà đầu tư thua lỗ chứng khoán vì margin mà nếu không phải là người trong cuộc chắc chắn sẽ ít ai tin.
Thuộc loại khách “siêu” VIP với số tiền ban đầu khoảng 100 tỉ đồng, năm 2010, ông H. đã mở tài khoản tại công ty chứng khoán S. để kinh doanh cổ phiếu. Do là khách “siêu” VIP nên ông được sử dụng margin hầu như không cần tỉ lệ. Sau khi “đánh” một vài mã chứng khoán thuộc họ dầu khí, vào khoảng tháng 4, tháng 5-2010, tổng số tiền của ông đã vượt lên khoảng 160 tỉ đồng. Ông H. tiếp tục dùng margin, vay tiền của công ty chứng khoán với tỉ lệ 2:8 (có 2 đồng được vay thêm 8 đồng). Có lúc tổng số tiền mà ông đầu tư lên đến khoảng 600 tỉ đồng...
Thế nhưng, thị trường liên tục suy giảm, giá cổ phiếu ông mua đua nhau tuột dốc. Tài khoản hơn 160 tỉ đồng của ông lại lùi về 100 tỉ đồng, lúc đó công ty chứng khoán buộc ông phải bán bớt cổ phiếu để trả nợ. Thay vì bán hết, ông lại chỉ bán ra một lượng cổ phiếu đủ để cân đối khoản margin. Thị trường tuột giảm tiếp, ông lại phải bán để bù đắp... Cứ thế, tài sản teo dần. Gần đây, thị giá lượng cổ phiếu ông đang nắm giữ thấp hơn số tiền nợ công ty chứng khoán... “Không những mất sạch 100 tỉ đồng ban đầu mà ông H. còn phải nợ thêm công ty chứng khoán mấy tỉ đồng. Ông đã “quăng” luôn tài khoản của mình cho công ty chứng khoán tự xử…”- vị trưởng bộ phận môi giới nói.
Nhiều nhà đầu tư sử dụng margin cũng rơi vào tình trạng lỗ lã với những mức độ khác nhau. Ông Th., một nhà đầu tư trên sàn V., cho biết ông cũng là nạn nhân từng bị margin “bào mòn” số tiền 6 tỉ đồng một cách đau đớn. Ông kể: “Thấy cổ phiếu LCG cũng khá an toàn, tôi đã dốc vốn và sử dụng margin vào cổ phiếu này. Do giá giảm nên tôi phải bán cắt lỗ rồi lại mua, lại cắt lỗ… Nhiều lần như thế, sau hơn 1 năm, từ 6 tỉ đồng, tôi chỉ còn 400 triệu đồng”.
Theo các chuyên gia trên lĩnh vực chứng khoán, trên thực tế, nếu dùng margin đúng thời điểm là rất có lợi vì nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận lớn khi số vốn đầu tư ban đầu có hạn. Tuy nhiên, khi thị trường xấu,hình thức đầu tư này rất nguy hiểm, càng sử dụng margin nhiều thì số tiền thua lỗ càng nhanh...
Một số công ty chứng khoán cho biết những nhà đầu tư dùng margin nhiều thường “đánh” theo các “đội lái” vì kỳ vọng lãi nhanh nhưng khi thị trường khó khăn, các “đội lái” thường tìm cách “bỏ chèo”. Lúc đó, những nhà đầu tư còn ôm hàng sẽ “chịu chết”.
Công ty chứng khoán cũng gặp khó
Thời gian qua, không chỉ nhà đầu tư dùng margin trắng tay mà một số công ty chứng khoán cũng đã bị “kẹt” từ việc cho nhà đầu tư VIP dùng margin với tỉ lệ cao và cuối cùng phải hạch toán vào khoản “phải thu khó đòi”. Trong báo cáo cuối năm 2010 của công ty chứng khoán N. có trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi lên đến 325 tỉ đồng. Tương tự, khoản phải thu khó đòi của công ty A.V lên tới 134 tỉ đồng; công ty chứng khoán S. cũng có khoản phải thu lên đến 651 tỉ đồng...
Một chuyên gia tài chính cho rằng những khoản “phải thu khó đòi” của các công ty chứng khoán phần lớn là những khoản mà các công ty khoanh nợ và chưa dám xử lý của nhà đầu tư. Vị này cũng cho biết mặc dù luật không cho phép nhưng quá trình cạnh tranh đã đẩy các công ty chứng khoán thực hiện nhiều dịch vụ hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư bằng cách cho mua chứng khoán sau 1 - 2 ngày, thậm chí dài hơn mới đóng tiền. Đồng thời, công ty sẵn sàng cấp tín dụng cho nhà đầu tư bằng hình thức margin với tỉ lệ 1:1, 1:2, thậm chí 1:4. Chính sự dễ dãi này đã đưa nhiều nhà đầu tư gia tăng sử dụng margin để tăng khả năng kiếm lợi nhuận cao. Nhưng khi thị trường xấu như thời gian qua, nhà đầu tư thua lỗ kép; công ty chứng khoán không thể thu hồi lại khoản hỗ trợ tài chính nên đành phải tiến hành khoanh nợ cho họ. Nhiều công ty không dám xử lý vì nếu xử lý sẽ phải hạch toán tổn thất này thì kết quả kinh doanh sẽ xấu đi, chưa kể phải xử lý trách nhiệm người bảo lãnh, của nhân viên môi giới...
Khổ vì đầu tư dài hạn
Một trong những câu chuyện buồn mà chúng tôi tìm hiểu về những dạng thua lỗ trên sàn chứng khoán là nhiều người quyết tâm đầu tư dài hạn, kết quả là càng ôm càng lỗ.
Xót xa khi kể về câu chuyện của mình, bà Nguyễn T.T cho biết gia đình bà vốn kinh doanh bất động sản, từ khoảng cuối năm 2009, thấy thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu bật dậy, bà đã bỏ vốn vào khoảng 20 tỉ đồng. Bà chỉ chọn những mã blue-chips, bởi thời điểm đó blue-chips được đánh giá là ổn định. Tuy nhiên, sau đó thị trường liên tục đi xuống. Nhiều lúc muốn bán cắt lỗ nhưng lại nghĩ tự dưng mất mấy tỉ đồng nên bà quyết định nắm giữ. Khi thị trường giảm sâu hơn thì bà càng không dám bán vì sợ đúng đáy… “Cứ lần lữa mãi đến nay, nếu tính theo thị giá thì số cổ phiếu của tôi hiện còn chưa đến 8 tỉ đồng. Mỗi lần nghĩ tới, tôi lại tiếc đứt ruột…”- bà than. |
Sơn Nhung
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|