Chứng khoán tuần mới: kịch bản đánh lên tốn kém?
Nhưng dù gì, đợt đánh giá cổ phiếu lên sắp tới, có thể giá trị đến 10-15% và tác giả của kịch bản này sẽ chịu tốn kém chi phí vốn để đẩy lên chứ không chỉ dựa vào những mã làm giá vốn hóa lớn, vẫn không giải quyết được vấn đề cơ bản về xu hướng của thị trường hiện nay.
Cuối cùng, điều gì phải tới đã tới: 20/5/2011 là một ngày "lịch sử" của TTCK VN khi chỉ số HNX phá đáy khủng hoảng 78 điểm (được thiết lập vào tháng 2/2009). Nguồn tiền cuối cùng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ còn kiên trì bám sàn và tiền nhàn rỗi được những nhà đầu tư khác tung vào bắt đáy thị trường trong suốt gần ba tháng qua đã trở thành vô nghĩa.
Nếu xem chỉ số HNX là đại diện cho TTCK VN (do chỉ số VNI đã bị méo mó quá sức tưởng tượng), thì Việt Nam đã chính thức nằm trong nhóm quốc gia trên thế giới (như Hy Lạp và Slovenia) có chỉ số chứng khoán phá đáy khủng hoảng.
Chưa bao giờ, kể cả vào thời kỳ năm 2008, tâm trạng nhà đầu tư lại bi quan như giai đoạn vừa qua. Khác với năm 2008 là sự lao dốc dứt khoát của cả hai chỉ số và của mặt bằng giá cổ phiếu, những tháng ngày qua lại là một màn bi hài kịch được đạo diễn công phu và liều lĩnh, bất chấp cường độ phản ứng của nhà đầu tư và còn như được khuyến khích thêm bởi thái độ kiên trì im lặng đến khó hiểu của các cơ quan quản lý.
Vào cuối tuần trước, đã xuất hiện thông tin về những cổ đông nước nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài cũng đang mất dần kiên nhẫn trước triển vọng quá đánh đố của TTCK - dựa trên cơ sở so sánh những đặc thù trong diễn biến của thời kỳ này và năm 2008. Cuối tuần qua, tin tức về vụ chủ tịch hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Hà Thành biến mất cùng với số tiền hàng trăm tỷ đồng càng củng cố thêm suy luận về những dấu hiệu lao dốc cực mạnh của TTCK Việt Nam, ít ra trong năm 2011 này (năm 2008 đã không xảy ra vụ việc nào tương tự).
Cũng không ngoài dự đoán, giải chấp cổ phiếu cuối cùng đã diễn ra trên diện rộng. Hàng chục ngàn tỷ đồng được dùng cho đòn bẩy tài chính đang nhanh chóng biến khách hàng sử dụng margin thành con nợ tiềm tàng của nhiều công ty chứng khoán, còn công ty chứng khoán lại là con nợ "tiềm năng" của ngân hàng. Vậy lượng cổ phiếu cần phải giải chấp trong vài tuần tới là bao nhiêu? Không ai biết rõ. Chỉ có điều, bối cảnh giải chấp hiện đang khác xa với mấy tháng trước khi tính thanh khoản đã vơi đi đáng kể.
Cổ phiếu bất động sản, với kết quả làm ăn lỗ lã của hàng loạt doanh nghiệp và kém hiệu quả của những doanh nghiệp khác trong quý I/2011, đã bị biến thành "kẻ tuẫn nạn" trong tuần qua, khiến cho mặt bằng giá cổ phiếu bất động sản giảm mạnh hơn hẳn giá nhiều cổ phiếu khác. Tại sao lại có một chiến dịch đánh xuống cổ phiếu bất động sản như vậy? Sự việc này có vẻ có phần nghịch lý nếu kết nối với những dấu hiệu đầu tiên đang hình thành cho thấy thị trường bất động sản TP.HCM đang bắt đầu phục hồi với mặt bằng giá đất nền nhích nhẹ, đặc biệt là khu vực đất nền Quận 9 có giao dịch tốt nhất trong tuần qua.
Trong thời kỳ kéo ngang vào tháng 2-5/2011, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng có đồ thị đi ngang hoặc hướng lên. Điều đó cho thấy đó là quá trình nhóm cổ phiếu này được liên tục xả hàng. Sau khi hàng được thoát cơ bản về khối lượng, đương nhiên cổ phiếu bất động sản sẽ bị cho lao dốc không thương tiếc. Một cách tính toán khác, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có tác động khá lớn đến rổ Index, do đó khi nhóm này đồng loạt lao xuống thì chẳng cần đến vũ điệu nhảy múa của MSN, BVH, VIC, thị trường cũng tự nhiên mà đỏ rực một cách thực chất.
Tuần qua, ngưỡng tâm lý của nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đạt đến mức tới hạn và cổ vũ cho một đợt đổ dốc thực sự. Tuy nhiên, khác với trước đây, lần này các thế lực thao túng đã chọn cách đánh mới: hy sinh VNI.
Do HNX và mặt bằng giá cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu nhỏ và vừa của sàn Hà Nội đã xuống thê thảm nên việc ép giá các loại cổ phiếu này thấp hơn nữa tỏ ra không mấy khả thi trước thái độ chai lỳ của nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu. Vì thế, chỉ có hy sinh chính VNI và chính những cổ phiếu có sức ảnh hưởng thực chất đến chỉ số này như nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản thì mới có thể làm cho cho thị trường rúng động và tạo hiệu ứng tan vỡ tâm lý đối với người cầm cổ.
Mối tương quan giữa VNI và HNX trong một năm qua gần giống như một trò chơi toán học. Kết quả của chiến thuật mới hy sinh VNI là trong tuần qua chỉ số VNI đã giảm đến gần 10%, trong khi HNX mặc dù cố chống đỡ nhưng cũng mất đến gần 8%. Trên sàn Hà Nội, cổ phiếu PVX bị đánh xuống không thương tiếc, trở thành đầu tàu lôi tuột các cổ phiếu khác. Đó cũng là một thủ đoạn mới mà chúng tôi đã dự đoán: đến lượt những mã chủ chốt của HNX bị hy sinh để ép chỉ số giảm mạnh.
Theo lẽ thông thường, một khi HNX đã bị thủng đáy lịch sử, tình hình sẽ xấu đi một cách mau lẹ, cường độ bán tăng đột ngột và sẽ khiến cho chỉ số có những bước sụt rất mạnh. Mặt khác, giờ đây không ai có thể đoán định được đáy của HNX sẽ ở đâu. Một trang mới trong lịch sử HNX đang mở ra.
Có hai trường hợp có thể xảy ra. Khi đã giảm về dưới đáy khủng hoảng, HNX hoặc có thể tiếp tục trượt dần với sự "giúp sức" của VNI, xen kẽ những đoạn phục hồi ngắn; hoặc trong những ngày tới HNX sẽ thực sự tan vỡ về ngưỡng tâm lý, tạo thành những phiên giảm mạnh liên tiếp.
Có thể trường hợp sau - HNX tiếp tục lao dốc mạnh - nhiều khả năng xảy ra hơn. Tuy vậy, tương ứng với cái cách mà thị trường bị ép xuống mạnh như tuần qua, cũng có một khả năng khác là HNX sẽ được "cho" tạm nghỉ chân ở vùng 70-72 điểm. Khả năng này có thể phải đi kèm với điều kiện VNI phá mốc 425 điểm. Trong trường hợp VNI được "giữ" cao hơn mốc 425 điểm, HNX sẽ dừng chân tại vùng 74-75 điểm.
Cả hai trường hợp trên đều nhằm chuẩn bị cho một đợt đánh lên trên cả hai sàn. Tốc độ sụt giảm của nhóm cổ phiếu nhỏ đã khá cân bằng với nhóm cổ phiếu vừa (khoảng 6%) và thấp hơn hẳn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (khoảng 11%) trong tuần qua cũng cho thấy khả năng đáy ngắn hạn của thị trường đang đến gần.
Đợt đánh lên trong vài tuần tới, ngoài lý do muôn thưở là mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm quá sâu và cần được phục hồi phần nào, cũng có thể được ủng hộ bởi chính sách áp trần lãi suất cho vay của Nhà nước - có khả năng được thông qua và triển khai trong thời gian tới. Nếu được thực hiện, chính sách này sẽ khiến một phần nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư rút khỏi hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên nguồn tiền này có chảy vào TTCK không thì chưa ai dám chắc.
Trong khi đó, không chỉ phân khúc đất nền ở Quận 9 mà giao dịch nhà đất giá rẻ ở các quận Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Quận 12 tại TP.HCM đang có chiều hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Tính từ tuần cuối tháng 4/2011 đến nay khi chỉ số bất động sản TP.HCM bắt đầu tăng nhẹ, hiện tượng trái chiều giữa đồ thị thanh khoản của thị trường bất động sản (tăng dần) và TTCK (giảm dần) cũng cho thấy khá rõ sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư.
Nhưng dù gì, đợt đánh giá cổ phiếu lên sắp tới, có thể giá trị đến 10-15% và tác giả của kịch bản này sẽ chịu tốn kém chi phí vốn để đẩy lên chứ không chỉ dựa vào những mã làm giá vốn hóa lớn, vẫn không giải quyết được vấn đề cơ bản về xu hướng của thị trường hiện nay.
Thậm chí, nếu VNI sắp tới bị kéo xuống dưới mốc 425 điểm thì chúng tôi tin rằng cũng như đối với HNX, việc đoán định đáy của chỉ số VNI sẽ quá khó so với trước đây, mà do đó chiến thuật hy sinh VNI để ép HNX càng được nhà tạo lập thị trường triển khai một cách quyết đoán và mãnh liệt.
Bởi thế nên, tất cả những đợt phục hồi trong thời gian từ đây đến sớm nhất cuối quý III/2011 cũng chỉ mang ý nghĩa của sự thoát hàng, trong đó có cả hàng trong tư thế cận kề giải chấp.
Việt Thắng
diễn đàn kinh tế việt nam
|