Thứ Hai, 23/05/2011 08:43

Mất gần 7,500 tỷ đồng từ đầu năm 2011, khối ngoại đang phải trả giá

Ảnh minh họa

(Vietstock) - Lực mua liên tục từ đầu năm của nhà đầu tư nước ngoài đã giúp nâng đỡ phần nào cho thị trường và tâm lý nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, việc khối ngoại “thổi giá” một số cổ phiếu lên quá cao, đi ngược với xu hướng của thị trường có thể khiến cho họ phải trả giá đắt.

Khối ngoại mất 7,462 tỷ đồng kể từ đầu năm 2011 đến nay

Thống kê của chúng tôi cho thấy, tổng giá trị thị trường của cổ phiếu khối ngoại đang sở hữu trên HoSE tính cho đến này 18/05/2011 là 115,554 tỷ đồng, tương đương khoảng 5.53 tỷ USD. So với đầu năm, giá trị thị trường của cổ phiếu do khối ngoại sở hữu đã giảm 1,695 tỷ đồng.

Trong khi đó tính từ đầu năm đến ngày 18/05, khối ngoại đã mua ròng 2,394 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại đã lỗ 4,089 tỷ đồng trên HoSE, tương đương 3.5% danh mục.

Trên HNX, tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu khối ngoại nắm giữ tính đến ngày 18/05 là 12,091 tỷ đồng, bằng khoảng 1/10 so với quy mô trên HoSE. Tuy nhiên, kết quả tính toán của chúng tôi cho thấy từ đầu năm đến nay khối ngoại đã phải chịu thua lỗ đến 3,373 tỷ đồng, tương đương 22%.

Tính tổng cộng trên cả 2 sàn khối ngoại đã thua lỗ tới 7,462 tỷ đồng, tương đương với 5.68% danh mục so với hồi đầu năm 2011.

Dù số tuyệt đối là khá lớn, mức thua lỗ này thấp hơn nhiều so với mức mất điểm chung khoảng gần 30% của toàn thị trường.

Mức thua lỗ thấp hơn nhiều so với trung bình của thị trường tỏ ra ”hơi lạ” khi mà trên thực tế khối ngoại chỉ kiếm lời được trên 29 cổ phiếu, trong tổng số gần 700 cổ phiếu mà khối ngoại đang đầu tư. Trong số này có 17 cổ phiếu trên HoSE và 12 cổ phiếu trên HNX.

Sở dĩ khối ngoại mất ít hơn mức trung bình của thị trường là do họ đã chủ động mua vào một số mã cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình để giữ NAV cho một số quỹ đầu tư theo chỉ số.

Cổ phiếu mang lại tiền cho khối ngoại

Trên HoSE, “lợi nhuận” của khối ngoại chỉ tập trung vào một số rất ít cổ phiếu. Tổng giá trị thị trường của khối ngoại tại 17 cổ phiếu mà họ có lợi nhuận lên tới 13,489 tỷ đồng.

Cổ phiếu mang lại lợi nhuận cho khối ngoại nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm là VNM. Hiện tại khối ngoại đang sở hữu 164 triệu cổ phiếu này, tương đương 46% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Trong hơn 5 tháng đầu năm khối ngoại đã mua thêm 2 triệu cổ phiếu này. Với việc giá của VNM tăng thêm 32.56%, tài sản của khối ngoại tại VNM đã tăng thêm 4,567 tỷ đồng.

Đứng tiếp theo trong danh sách là hai mã cổ phiếu BVH và MSN. Do khối lượng giao dịch khá ít nên nên khối ngoại đã không ngừng mua ròng hai mã cổ phiếu và đẩy giá lên rất cao. Giá trị thị trường của khối ngoại tăng thêm từ 2 cổ phiếu này đạt gần 7,000 tỷ đồng.

Các cổ phiếu khác như PVF và CTG cũng được khối ngoại mua rất mạnh làm cho giá của những cổ phiếu này tăng và giá trị thị trường sở hữu của khối ngoại cũng tăng tương ứng.

Có 2 trường hợp ngoại lệ là 2 cổ phiếu có “họ hàng” với nhau là VIC và VPL đều bị khối ngoại bán ròng nhưng đều tăng rất mạnh. Đặc biệt, VIC bị bán tới 506 tỷ đồng nhưng họ vẫn còn lời 892 tỷ đồng kể từ đầu năm đến nay. Sở hữu của khối ngoại tại VIC hiện tại là 54 triệu cổ phiếu.

Ghi chú: Tăng/giảm: Tăng giảm kế từ đầu năm 2011 đến 18/05/2011. Mua/bán ròng: Giá trị mua hoặc bán ròng của khối ngoại kể từ đầu năm 2011 đến 18/05/2011. Lời/lỗ: Được tính dựa trên sự thay đổi giá trị thị trường của cổ phiếu khối ngoại đang nắm giữ trừ đi với mua-bán của khối ngoại trong kỳ. Việc tính toán này đã được điều chỉnh các hoạt động chia tách, chi trả cổ tức.

Cổ phiếu làm khối ngoại mất tiền

Trên HoSE, khối ngoại “mất tiền” tại 265 cổ phiếu, con số này trên HNX là 349 cổ phiếu.

Cổ phiếu làm cho khối ngoại mất tiền nhiều nhất là SSI. Kể từ đầu năm đến nay tài sản của khối ngoại tại SSI giảm 2,071 tỷ đồng, khi họ sở hữu 162 triệu (tương đương 46.23%). Giá của SSI đã giảm gần 40% trong 5 tháng qua.

Hai cổ phiếu khác làm cho khối ngoại mất mát là HAG và FPT. Dù khối ngoại đẩy tiền mua ròng nhưng giá hai cổ phiếu này vẫn sụt giảm mạnh. Tổng giá trị thiệt hại tại hai mã cổ phiếu này lên tới 2,650 tỷ đồng.

Ngoài các mã cổ phiếu trên, thiệt hại của khối ngoại còn đến từ các cổ phiếu như STB, SJS, KBC…

Trên HNX, cổ phiếu làm khối ngoại mất tiền nhiều nhất là ACB. Hiện tại khối ngoại đang sở hữu 270.7 triệu mã cổ phiếu này và kể từ đầu năm đến nay, giá trị thị trường của số cổ phiếu này đã giảm hơn 1,000 tỷ đồng.

Khối ngoại có thể phải trả giá

Việc khối ngoại đổ vào thị trường gần 3,000 tỷ đồng kể từ đầu năm đến nay đã góp phần khá quan trọng kìm hãm đà sụt giảm của thị trường. Tuy nhiên, việc họ đẩy tiền vào một số mã cổ phiếu nhất định để giữ NAV làm cho các cổ phiếu này đi ngược thị trường là một con dao hai lưỡi.

Hiện tại, HNX-Index đã thủng đáy thấp nhất trong lịch sử của chỉ số này, trong khi VN-Index vẫn ở trên mốc 400 điểm. Liên tục trong 4 phiên gần đây, những cổ phiếu được khối ngoại đẩy lên trước đó đã đồng loạt lao dốc. Giá trị thị trường của những cổ phiếu này nhanh chóng bốc hơi.

Như vậy, dù vẫn đổ tiền vào thị trường chứng khoán nhưng lại lựa chọn những cổ phiếu có thể “làm giá” chứ không phải là cổ phiếu “giá trị” đã khiến cho thị trường bị méo mó. Và về cơ bản điều này cũng không hỗ trợ nhiều cho sự phát triển bền vững của thị trường mà lại tạo ra nhiều bất ổn hơn.

Sự kỳ vọng và lạc quan của nhiều chuyên gia hồi đầu năm vào dòng vốn FPI đã không xảy ra khi các bất ổn vĩ mô vẫn đang khá trầm trọng. Dù khối ngoại chưa rút khỏi thị trường nhưng dòng tiền đổ vào khá yếu ớt. Điều này kết hợp với lòng tin các nhà đầu tư trong nước suy giảm và tín dụng khan hiếm có thể đẩy cổ phiếu giảm sâu hơn nữa.

Với những diễn biến đó thì tài sản khối ngoại có thể tiếp tục bị hao hụt; đặc biệt khi những mã cổ phiếu mang đến lợi nhuận cho khối ngoại ở trên đang trên đà rơi tự do.

Hoàng Nam

Các tin tức khác

>   Tiếng nói nhà đầu tư: Tìm lạc quan trong cơn tuyệt vọng (23/05/2011)

>   Nhà đầu tư có nguy cơ mất tiền trong tài khoản (23/05/2011)

>   Công ty chứng khoán vào đường cùng? (23/05/2011)

>   Thị trường “suy sụp” chờ CPI (23/05/2011)

>   Chứng khoán tuần mới: kịch bản đánh lên tốn kém? (23/05/2011)

>   23/05: Bản tin đầu tuần (23/05/2011)

>   Thị trường tuần 23-27/05 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (22/05/2011)

>   Cổ phiếu nào giảm mạnh nhất trong tuần (22/05/2011)

>   Cổ phiếu chứng khoán thời thất sủng (21/05/2011)

>   Sự kiện doanh nghiệp niêm yết tuần 23-27/05 (21/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật