Giải chấp không lo bằng giải vốn
Ít thì hàng chục tỷ, nhiều thì hàng trăm tỷ, nhiều hơn là hàng nghìn tỷ đồng, đó là những con số trong khoản phải thu của CTCK trên báo cáo tài chính quý I/2011.
* Đẩy mạnh margin 2010: Có nguy cơ giải chấp?
Đây là khoản phải thu đối với nghiệp vụ hợp tác đầu tư hoặc là các khoản phải thu được thuyết minh chung chung, mà chủ yếu là các khoản phải thu từ dịch vụ cung cấp đòn bẩy tài chính cho NĐT.
CTCK SME mới đây đã đưa ra nhận định rằng, áp lực nguồn cung cổ phiếu buộc phải giải chấp tại CTCK là rất lớn. Năm 2010, hàng nghìn tỷ đồng đã được CTCK sử dụng vào việc cho NĐT vay. Trong chu kỳ phục hồi ngắn cuối tháng 11, đầu tháng 12/2010, thanh khoản nhiều phiên liên tục đạt 3.000 - 5.000 tỷ đồng, nhiều NĐT lao vào vay tiền mua chứng khoán, nhưng ngay sau đó, thị trường rơi tự do, nên đa số chứng khoán rơi vào ngưỡng phải giải chấp. Đối với công ty sử dụng vốn đi vay để cho vay thì lãi suất cao trên 20%/năm sẽ là áp lực lớn khi công ty không có nguồn thu, còn khách hàng không có khả năng tài chính tiếp tục hợp đồng hợp tác đầu tư.
Theo lập luận của SME, nếu trung bình các khoản vay từ 3 - 6 tháng thì quý II rơi vào giai đoạn thu hồi vốn từ CTCK. Số cổ phiếu kẹt “margin” sẽ buộc phải bán để thu hồi nợ. Nếu thị trường thanh khoản tốt, nguồn cổ phiếu này sẽ là áp lực với khả năng tăng điểm của Index. Còn nếu thị trường tiếp tục xấu như hiện nay thì rủi ro nguồn cung xả hàng giá thấp sớm muộn cũng sẽ xuất hiện.
Về cơ bản, lập luận trên là có lý, nhưng điều thú vị là thị trường không quá “sợ hãi” với “khối u” hàng giải chấp này. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của giải chấp không phải ở chỗ nó tạo ra áp lực với Index, mà là ở áp lực với CTCK. Một CTCK có thị phần môi giới thuộc Top 10 đã quyết định dừng tăng trưởng thị phần môi giới năm nay, siết chặt quản lý rủi ro, đồng thời tiếp tục giảm bớt danh mục đầu tư.
Đầu năm ngoái, CTCK có trào lưu bớt tự doanh để ưu tiên vốn cho khách hàng vay với tham vọng mở rộng thị phần môi giới và thu lợi ổn định từ giao dịch và dịch vụ cho vay. Sau 1 năm, nhiều CTCK nhận ra rằng, việc cho khách hàng vay cũng rủi ro không kém tự doanh, khi mà CTCK hầu như không kịp bán các cổ phiếu mua bằng vốn vay để thu hồi vốn do thị trường mất thanh khoản. Nhất là với những CTCK huy động khoản vốn cho vay rất lớn (từ nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng), đã không thể thu hồi vốn kịp, dù dự đoán trước được xu thế giảm sâu của thị trường.
Trong khi đó, vì hoạt động cho vay, cung cấp đòn bẩy tài chính của CTCK là hoạt động chui, hay bán công khai dưới hình thức hợp tác đầu tư, nên NĐT chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn. Cụ thể, NĐT sẵn sàng chấp nhận đóng tài khoản khi thị trường quá xấu, chứ không muốn nộp thêm tiền. Rủi ro mất thanh khoản và thua lỗ đang đẩy cho đối tượng cung ứng vốn (CTCK và ngân hàng) gánh chịu.
Không thể phủ nhận, dịch vụ cho vay mua chứng khoán mà CTCK cung cấp đã từng góp phần làm thị trường sôi động. Nhưng vì quy định pháp lý chưa có, CTCK buộc phải làm dưới nhiều hình thức, nên khi thị trường mất thanh khoản, nhiều CTCK phải gánh chịu hậu quả nặng nề, hiện chưa tìm được hướng ra.
Cửa để CTCK vừa phát triển thị phần, vừa quản lý rủi ro tốt quá hẹp. Không thể đi thuyền lớn ở ao hồ. TTCK Việt Nam bao giờ mới hết chật hẹp?
Thành Nam
đầu tư chứng khoán
|