Chơi với người cầm cờ
Khi lựa chọn đầu tư vào những DN mà một cổ đông lớn hay một nhóm cổ đông lớn có cùng chung lợi ích chiếm đa số vốn, NĐT nhỏ hoặc chấp nhận theo những cổ đông này, hoặc thoái vốn.
Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) muốn chuyển đổi sang mô hình công ty đầu tư, bỏ kinh doanh dịch vụ chứng khoán. CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT) muốn rút niêm yết để tái cơ cấu.
Hai sự kiện ở hai công ty có tầm quan trọng như nhau, nhưng mong muốn của KLS đã không thực hiện được vì không được sự ủng hộ của nhiều cổ đông nhỏ. Còn ở SGT, ý định hủy niêm yết đã nhanh chóng được ĐHCĐ thông qua với số cổ phần chiếm 99,48% số tham gia đại hội.
Sự khác biệt chính là ở chỗ, SGT có cổ đông lớn là ông Đặng Thành Tâm và CTCP Kinh Bắc (KBC), chiếm hơn 45% cổ phần của SGT, cùng với các cổ đông lớn khác nắm giữ 60,27% số cổ phần SGT. Còn tại Kim Long, Công ty chỉ có 1 cổ đông lớn nắm trên 5% vốn điều lệ (Chủ tịch Công ty) và tỷ lệ nắm giữ của tất cả các thành viên Ban lãnh đạo cũng chưa tới 20% vốn KLS.
Với tỷ lệ nắm giữ lớn, cổ đông sáng lập và cổ đông lớn của SGT dễ dàng thông qua một chủ trương dù có thể gây sốc với các cổ đông thiểu số. Hoàn cảnh này khác hẳn với Kim Long. Nhiều công ty niêm yết xuất phát là những DN tư nhân hay DN nhà nước cổ phần hóa, tuy đã đại chúng hóa, nhưng thực chất quyền điều hành vẫn nằm trong tay một/một số cổ đông lớn. Đầu tư vào những DN này, nhà đầu tư nhỏ thực chất là gửi tiền cho cổ đông lớn kinh doanh. Nếu cổ đông lớn chi phối là cá nhân như SGT hay HAG… thì uy tín, năng lực cá nhân của cổ đông chi phối có ý nghĩa quan trọng.
Ở nhiều DN, nơi cổ đông lớn chiếm đa số vốn, mức độ chia sẻ thông tin với nhà đầu tư thường rất ít. Ở một khía cạnh khác, việc tân Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen từ chức sau 18 ngày nhận chức là do trách nhiệm quá lớn khi phải làm người đại diện theo pháp luật, trong khi vị này thực chất chỉ là người làm thuê, do số cổ phần sở hữu rất ít. Đây cũng là rủi ro ở những DN mà ông chủ lớn... "quá lớn".
Nếu cổ đông lớn là Nhà nước như tại Đạm Phú Mỹ (DPM) thì sự lắng nghe cổ đông nhỏ phụ thuộc vào chính sách của cơ quan đại diện phần vốn nhà nước và người đại diện phần vốn góp của Nhà nước.
Khi lựa chọn đầu tư vào những DN mà một cổ đông lớn hay một nhóm cổ đông lớn có cùng lợi ích chiếm đa số vốn, nhà đầu tư nhỏ hoặc chấp nhận theo những cổ đông này, hoặc thoái vốn. Nhưng điều đó không có nghĩa là đầu tư vào một DN mà có nhiều cổ đông lớn, nhưng không có ai chiếm cổ phần chi phối là tránh được rủi ro, đảm bảo là có sự dân chủ giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ. Giám đốc một công ty niêm yết là người đại diện phần vốn nhà nước tại DN đã nói thẳng với cổ đông khi bị chất vấn về sự thiếu sáng tạo trong kinh doanh rằng, "quyền lợi công ty mà trách nhiệm cá nhân", nên cổ đông phải thông cảm.
Rủi ro ở cấp độ cao hơn khi đầu tư vào công ty này là sự tư lợi của ban lãnh đạo khi quyền lợi từ số cổ phiếu được sở hữu quá ít và không được bán ra. Tuy không tư lợi đến mức làm công ty phá sản, nhưng các cổ đông lớn điều hành công ty luôn có cơ hội chọn lựa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích công ty, nơi mà họ chỉ được hưởng một phần nhỏ trong miếng bánh lợi nhuận.
Vậy lựa chọn cổ đông lớn như thế nào để có thể tin tưởng đầu tư? Ngoài việc tìm hiểu về cá nhân cổ đông lớn, nhà đầu tư nên chọn DN quy mô lớn (không chỉ về vốn mà cả về thị trường, thương hiệu). Ở đó, mức độ rủi ro do cổ đông lớn chơi không đẹp là thấp, bởi uy tín cá nhân của cổ đông lớn là quan trọng và đáng gìn giữ. Ở quy mô lớn, việc cổ đông lớn rút ruột công ty để dành cho một bộ phận nào đó là rất khó, vì số lãnh đạo chủ chốt thường đông, việc phân chia quyền lợi khó cân bằng. Một loại DN đáng chú ý nữa là DN thu hút được nhà đầu tư chiến lược, nhất là nhà đầu tư chiến lược là các tổ chức tài chính nước ngoài.
Nếu muốn đầu tư lâu dài vào cổ phiếu, nhà đầu tư nhỏ nên lưu ý tính chất của người nắm quyền tại DN. Đối với những công ty mà cái tôi của cổ đông lớn là quá lớn, hay những công ty thuộc dạng "cha chung không ai khóc" thì chỉ nên mua vào cổ phiếu khi nắm chắc được động thái "phất cờ" của cổ đông lớn.
Thu Hương
đầu tư chứng khoán
|