Tuần 04-06/05: Vốn ngoại chuyển dịch ra HNX
(Vietstock) – Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5, thị trường chỉ giao dịch 3 phiên do vừa trải qua kỳ nghỉ lễ dài ngày. Dòng tiền chưa có dấu hiệu quay trở lại, thanh khoản vẫn ở mức thấp thậm chí khi thị trường có mức điều chỉnh khá mạnh. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trên cả hai sàn.
Tuy nhiên nếu so sánh với tuần cuối tháng 4, thì 3 phiên vừa qua dòng vốn lại có xu hướng giảm tại HOSE và gia tăng tại HNX. Khối lượng mua ròng tại HNX trong tuần xấp xỉ 1.66 triệu đơn vị và giá trị là 26.39 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với 5 phiên giao dịch cuối tháng 4.
Nhưng với HOSE, lượng mua ròng mỗi phiên dù tăng hơn tuần trước với khoảng 610 ngàn đơn vị/phiên (tuần trước 416,236 đơn vị/phiên), nhưng giá trị mua ròng trung bình mỗi phiên lại giảm đáng kể từ 23.14 tỷ đồng/ngày rớt xuống còn 10.86 tỷ đồng/ngày.
Điều này được hiểu là do nhà đầu tư nước ngoài tập trung chốt lời với những mã cổ phiếu vốn hóa lớn có nhiều phiên tăng mạnh ở HOSE như VIC, MSN, BVH… Trong khi đó, tại HNX việc thị trường giảm mạnh nhiều phiên liên tiếp vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 lại trở thành động lực để khối ngoại tăng cường giải ngân.
Thống kê về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài với các mã cổ phiếu tuần qua cho thấy, ITA, SSI, HAG, HPG và PPC là những mã được mua ròng nhiều nhất về khối lượng tại HOSE. Trong đó, ITA dẫn đầu với 682,790 cổ phiếu và PPC xếp thứ 5 với 220,920 cổ phiếu.
Trong số các mã này thì HAG được hỗ trợ từ thông tin Fitch duy trì xếp hạng tín nhiệm dài hạn ở mức "B" với triển vọng ổn định; và HPG được phép khai thác mỏ vàng với trữ lượng khoảng 10.5 tấn ở Lào và khả năng nắm phần lớn quyền khai thác ở mỏ thép lớn nhất Việt Nam (Thạch Khê). Các mã còn lại nhìn chung vẫn chưa có thông tin nào thực sự tích cực.
Về giá trị mua ròng, thứ tự các mã bao gồm HAG (17.36 tỷ đồng), SSI (10.72 tỷ đồng), ITA (8.7 tỷ đồng), HPG (8.52 tỷ đồng) và FPT (7.6 tỷ đồng)…
Ở chiều ngược lại, CTD, TYA, TTF, CMG và CII là những mã dẫn đầu danh sách bán ròng của khối ngoại xét về mặt khối lượng. Trong đó, CTD có lượng bán ròng lên đến 957,000 cổ phiếu nhưng chủ yếu là giao dịch thỏa thuận, trị giá khoảng 54.73 tỷ đồng. Do không có thông tin hỗ trợ hay bất lợi với CTD trong tuần qua nên có thể lý giải là do các nhà đầu tư ngoại chốt lời sau khi cổ phiếu này đã có mức tăng khoảng 6% về giá trong khoảng 1 tháng trở lại đây.
Với TTF là việc Đại hội cổ đông của công ty thông qua việc sáp nhập nhiều công ty con tại Bình Dương và Dak Lak. Trong khi đó, CII lại bị bán ròng dù công ty này vừa được phép tăng giá thu phí ở một số tuyến đường trọng yếu tại TPHCM.
Nhìn chung, về giá trị bán ròng đối với CTD gần 54.73 tỷ đồng, thì các mã khác gồm MSN với 3.22 tỷ đồng, VIC (2.02 tỷ đồng) và CMG (gần 1 tỷ đồng).
Tại sàn Hà Nội, các mã được khối ngoại mua ròng cũng có khối lượng và giá trị đáng kể so với HOSE. Cụ thể, họ mua ròng PVX với 675,000 đơn vị, trị giá 9.46 tỷ đồng dẫn đầu toàn sàn.
Tiếp theo đó là khối lượng mua ròng KLS với 431,300 đơn vị, về giá trị lại xếp thứ 5 với 4.17 tỷ đồng. KLS dù được Market Vectors ETF Trust – Market Vectors Vietnam ETF, cổ đông lớn, đăng ký mua ròng hơn 10 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 13/04 đến 12/05 nhưng tổng lượng mua ròng đến 06/05 mới đạt gần 1.94 triệu cổ phiếu và 189 tỷ đồng dù giá cổ phiếu này thời guan từ 13/04 đến 06/05 đã giảm hơn 3% xuống còn 9,800 đồng/cp.
Một trường hợp khác là VCG cũng được Market Vectors ETF Trust – Market Vectors Vietnam ETF đăng ký mua ròng đến 15.5 triệu đơn vị từ 27/04 đến 26/06 nhưng đến 06/05 lượng mua ròng mới đạt 685,400 đơn vị và hơn 14 tỷ đồng. Riêng tuần qua, lượng mua ròng là 248,300 đơn vị, xếp thứ tư và 4.82 tỷ đồng giá trị, xếp thứ 2 trong danh mục mua ròng.
Ngoài ra dẫn đầu danh sách mua ròng ở HNX còn có BVS 263,200 đơn vị (4.39 tỷ đồng), SHN 120,000 đơn vị ( 1.9 tỷ đồng).
Về phí bán ròng, họ chủ yếu bán ra với SHB khối lượng 492,100 đơn vị và 5.07 tỷ đồng. Các mã còn lại gồm AVS, SSM, TDN, CTN với khối lượng thấp và giá trị chiếm tỷ trọng nhỏ bé.
Viết Vinh
|