Thứ Tư, 11/05/2011 18:34

Cổ phần hóa viễn thông: Đường xa vạn dặm

Cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông được ví như một chiếc đũa thần giúp ngành viễn thông Việt Nam huy động mọi nguồn lực đầu tư cho một mục tiêu phát triển bền vững. Thông tin cổ phần hóa được các cơ quan chức năng công bố từ năm 2005, với doanh nghiệp thí điểm là MobiFone. Đến nay, gần sáu năm đã trôi qua, cổ phần hóa vẫn chưa đi vào thực tiễn và chỉ dừng lại ở mức độ là các văn bản pháp quy được lần lượt ban hành…

Mới đây nhất là Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông vừa được ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-6. Nghị định này được xem là tạo ra một tiền đề cho thị trường minh bạch hơn, khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia thị trường (bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài). Nhưng, đối với các doanh nghiệp nằm trong diện chịu sự điều chỉnh của nghị định thì họ phải chuẩn bị bước sang một giai đoạn đầy thử thách – đó là tái cơ cấu bộ máy và vốn sở hữu.

Hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh

Nghị định 25 đặc biệt chú trọng các quy định về khuyến mãi dịch vụ viễn thông và hàng hóa viễn thông chuyên dùng. Cụ thể, doanh nghiệp viễn thông không được khuyến mãi nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá dịch vụ viễn thông và hàng hóa viễn thông chuyên dùng; không được khuyến mãi bằng việc giảm giá cước dịch vụ và hàng hóa viễn thông chuyên dùng xuống thấp hơn mức giá Nhà nước quy định; không được giảm giá xuống thấp hơn mức tối thiểu đối với dịch vụ và hàng hóa viễn thông chuyên dùng do Nhà nước quy định khung giá hoặc giá tối thiểu.

Mức giá trị vật chất dùng để khuyến mãi cho một đơn vị dịch vụ, hàng hóa viễn thông chuyên dùng không được vượt quá 50% giá của đơn vị dịch vụ, hàng hóa viễn thông chuyên dùng được khuyến mãi đó, trừ các trường hợp khuyến mãi dùng thử, cung cấp dịch vụ hoặc tặng hàng không thu tiền, chương trình khuyến mãi mang tính may rủi.

Cũng xuất phát từ sự cần thiết phải kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế để tránh tình trạng hình thành các doanh nghiệp lớn có sức mạnh khống chế thị trường, nghị định này quy định rõ đối với việc tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% của thị trường viễn thông, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải báo cáo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Đối với việc tập trung kinh tế có thị phần kết hợp chiếm trên 50%, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định miễn trừ sau khi có văn bản chấp thuận miễn trừ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo chuyên gia phân tích thì quy định này đang từng bước lành mạnh hóa thị trường viễn thông khi lâu nay các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông lớn, đang tung nhiều chiêu cạnh tranh giảm giá, thậm chí bán dịch vụ dưới giá thành khiến cho ngành viễn thông phát triển thiếu bền vững.

Biểu hiện của sự thiếu lành mạnh là việc khuyến mãi kéo dài được sử dụng như một công cụ để giành giật thị phần, làm suy giảm chất lượng dịch vụ và bóp nghẹt môi trường tăng trưởng của doanh nghiệp mới thành lập. Như vậy, các doanh nghiệp mới, nếu không được sự hậu thuẫn của những doanh nghiệp lớn hay những công ty nước ngoài đang có ý định đầu tư vào Việt Nam, sẽ bị “chết yểu”.

Ông Hồ Hồng Sơn, Tổng giám đốc SPT, đơn vị sở hữu mạng CDMA S-Fone, chia sẻ quan điểm: “Đây thực là một tín hiệu tốt cho thị trường khi Nhà nước mạnh tay hơn với sự cạnh tranh không lành mạnh. Việc chạy đua khuyến mãi kéo dài đang gây tổn hại cho những doanh nghiệp nhỏ, vốn chiếm thị phần nhỏ và khó có thể mở rộng kinh doanh”.

Người trong khóc thầm

Cùng với việc hạn chế sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, nghị định quy định “một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường viễn thông”. Như vậy, việc VNPT đang sở hữu 100% vốn trong cả hai mạng viễn thông VinaPhone và MobiFone chắc chắn nằm trong diện điều chỉnh của nghị định.

Ông Bùi Quốc Việt, phát ngôn viên của VNPT, cho hay quá trình cổ phần hóa nói chung và cổ phần hóa MobiFone nói riêng có nhiều mục tiêu quan trọng hơn là đem về nguồn thặng dư cho ngân sách Nhà nước, đó là thể hiện sự cam kết cải cách, đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp. Một trong những điểm đáng lưu tâm là làm sao chúng ta không để thất thoát tài sản quốc gia và phải định giá đúng doanh nghiệp.

Theo ông Việt thì luật đã ban hành song thực hiện cổ phần hóa MobiFone từ nay đến 1-6 là việc khó khả thi khi thời gian được tính bằng ngày. “Thủ tục định giá tài sản phức tạp, thực hiện đấu giá, ấn định thời gian niêm yết, tái cơ cấu nhân sự… sẽ là một quy trình tiêu tốn thời gian”, ông Việt nói.

Trong khi đó, vấn đề mà giới quan sát quan tâm hiện nay là cổ phần hóa MobiFone có thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư khi họ muốn giữ cổ phần lớn trong một doanh nghiệp đang làm ăn có hiệu quả trên thị trường viễn thông. Thêm vào đó là liệu việc cổ phần hóa MobiFone có phải là một cú hích tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam đang rơi vào sự trầm lắng trong thời gian qua hay không.

Theo phân tích của giới chuyên gia, để cổ phần hóa MobiFone và VinaPhone theo Nghị định 25 thì VNPT có thể bán 80% vốn của một trong hai công ty này cho các nhà đầu tư khác thông qua cổ phần hóa, sáp nhập hai công ty thành một trực thuộc VNPT và cuối cùng là VNPT có thể thoái vốn tại MobiFone hoặc VinaPhone từ 20% trở xuống.

Một trong những phương án bị chỉ trích nhiều nhất từ giới quan sát là sáp nhập hai mạng VinaPhone và MobiFone bởi nó đi ngược với mục tiêu của cổ phần hóa, khiến sự độc quyền của VNPT ngày càng lớn trong khi Nhà nước và các tổ chức khác đang mong muốn xóa bỏ. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A thì việc sáp nhập này sẽ làm tăng thêm tính độc quyền, đi ngược với sự phát triển của đất nước và sẽ gây khó khăn lớn cho các công ty di động khác, vì khi đó công ty được sáp nhập này sẽ chi phối thị trường.

Trao đổi với Thời báo Vi tính Sài Gòn, ông Việt không đưa ra lời bình luận thêm về việc VNPT sẽ chọn phương án nào để bảo đảm lợi ích của VNPT mà vẫn tuân thủ theo luật đã ban hành. Theo ông mọi việc vẫn trong vòng bàn thảo và có thể sẽ có ý kiến chính thức từ Chính phủ bởi nói cho cùng VNPT chỉ là đại diện pháp nhân của phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp.

Sự cẩn thận cần thiết

Sự chậm trễ trong cổ phần hóa viễn thông hiện nay là từ sự cân nhắc về quyền lợi của nhà nước và doanh nghiệp. Thêm vào đó, mạng viễn thông không chỉ liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp mà còn liên quan đến những quy định về giá trị thương hiệu, quyền sở hữu kho tần số và quy hoạch viễn thông quốc gia. Do đó cần có thời gian dài để thực hiện một cách cẩn trọng.

Phân tích ở khía cạnh tổng quan của thị trường thì nguyên nhân của sự chậm trễ chủ yếu là tình trạng suy thoái của nền kinh tế thế giới và trong nước, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán giảm mạnh, trong khi giá trị của doanh nghiệp viễn thông khá lớn nên rất khó tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Còn đứng ở góc độ doanh nghiệp như VNPT thì cổ phần hóa MobiFone và VinaPhone sẽ là một sự thay đổi lớn đối với hoạt động của tập đoàn này bởi trong tương lai họ có thể sẽ mất vị trí số 1 trên thị trường hiện nay. Nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2010 của MobiFone: doanh thu đạt 36.000 tỉ đồng, chiếm 35% doanh thu của VNPT; lợi nhuận trước thuế đạt 5.860 tỉ đồng, chiếm hợn 52%, có thể thấy, MobiFone đang hoạt động rất hữu hiệu và là “mỏ vàng” của VNPT.

Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có quá vội vàng bán đi một doanh nghiệp tốt. Một số nghiên cứu của các tổ chức quốc tế đã cảnh báo rằng việc cổ phần hóa ở Việt Nam, nếu không chuẩn bị cẩn thận và triển khai đúng lúc, sẽ dẫn tới tình trạng nhiều người bị thất nghiệp bởi vì hoạt động kinh doanh viễn thông của Việt Nam vẫn chưa được hợp lý hóa nếu nhìn ở khía cạnh nhân sự, nguồn đầu tư để hỗ trợ việc chuyển đổi hệ thống quản lý cũng như phát triển kinh doanh.

Theo các chuyên gia, việc cổ phần hóa MobiFone là cần thiết, không nên trì hoãn thêm mà làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài và tăng sự độc quyền. Thêm vào đó, doanh nghiệp viễn thông đang trong giai đoạn phát triển tốt, có lợi nhuận thì khi cổ phần hóa, cổ phiếu sẽ có giá trị cao. Ngược lại, nếu trì hoãn cho đến khi thị trường đã bão hòa thì giá trị cổ phiếu sẽ suy giảm. Tuy nhiên, để làm được việc đó phải cân nhắc lợi ích của các bên một cách thận trọng, hợp lý và mục tiêu cuối cùng là một doanh nghiệp tốt phải được bán với giá tốt.

Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khẳng định rằng các doanh nghiệp viễn thông đều chịu sự điều chỉnh của Nghị định 25. Tuy nhiên, lộ trình điều chỉnh, việc cơ cấu lại các doanh nghiệp thì không thể thực hiện ngay lập tức từ ngày 1-6 tới đây. Trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp, bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lộ trình này và việc này đòi hỏi phải có thời gian phù hợp để tái cơ cấu các doanh nghiệp. VNPT hiện đang chờ những hướng dẫn từ các cơ quan quản lý nhà nước và tập đoàn này khẳng định sẽ hoàn toàn tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật bằng những phương án tổ chức và kinh doanh phù hợp với mục tiêu bảo đảm tam giác lợi ích của nhà nước, khách hàng và doanh nghiệp.

Thu Hiền

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cổ phần hoá “chìm” theo Index (09/05/2011)

>   Sẽ cổ phần hóa 4 doanh nghiệp thuộc HUD (09/05/2011)

>   Cổ phần hóa MobiFone và VinaPhone: Như bối tơ vò (06/05/2011)

>   MobiFone sợ phát hành cổ phiếu giá cao như Vietcombank (05/05/2011)

>   Chính Phủ phát tín hiệu “tăng tốc” cổ phần hóa ngân hàng (28/04/2011)

>   Thông tư 10: Hạn chế cổ đông chiến lược vào NHTM nhà nước khi cổ phần hóa (28/04/2011)

>   Sáp nhập MobiFone và VinaPhone sẽ làm hại cạnh tranh (27/04/2011)

>   Thủ tướng cho phép bán 31,9% cổ phần của MHB (26/04/2011)

>   Tiêu chí chọn đối tác chiến lược cho NHTM Nhà nước cổ phần hóa (26/04/2011)

>   Thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone (25/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật