Thứ Sáu, 06/05/2011 10:16

Cổ phần hóa MobiFone và VinaPhone: Như bối tơ vò

Liệu tiến độ cổ phần hóa MobiFone và VinaPhone sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới sau khi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông có hiệu lực vào ngày 1/6 năm nay?

Theo Nghị định số 25/2011 (Nghị định 25) hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ phải thoái vốn ở hai nhà mạng di động lâu đời nhất Việt Nam là MobiFone và VinaPhone, đồng thời chỉ được phép giữ một trong hai nhà mạng này.

Vẫn phải chờ thêm

Vụ trưởng Vụ Viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Phạm Hồng Hải cho hay, Nghị định 25 chỉ là văn bản hướng dẫn Luật Viễn thông. Một trong những nội dung đáng quan tâm của Nghị định này là qui định về tỷ lệ sở hữu chéo 20% (một doanh nghiệp viễn thông không được sở hữu quá 20% cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác). Mục tiêu của qui định này là nhằm thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông, tăng tính minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp.

Trong hai nhà mạng mà VNPT sở hữu thì VinaPhone là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân riêng, do vậy ông Hải nhấn mạnh: “VNPT sẽ phải chịu sự điều chỉnh từ qui định của Nghị định 25”. Điều này có nghĩa là VNPT sẽ không được phép nắm quá 20% cổ phần trong VinaPhone nếu doanh nghiệp này được cổ phần hóa. Trước tình hình “ông lớn” VNPT có thể gặp xáo trộn lớn khi cổ phần hóa hai mạng viễn thông hàng đầu Việt Nam này, đặc biệt là sự lo lắng cho “nồi cơm chung” của cả vạn cán bộ nhân viên của Tập đoàn, đồng thời nhằm giúp giảm sự băn khoăn của các nhà đầu tư đang ngày ngày ngóng trông kế hoạch của các cơ quan hữu quan đối với hai mạng nói trên, ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc VNPT mới đây tuyên bố, ngoài phương án sáp nhập hai mạng di động hoặc cổ phần hóa MobiFone, lãnh đạo VNPT cũng còn có kế hoạch cổ phần hóa cả tập đoàn này.

Theo ông Đức, việc triển khai thực hiện Nghị định 25 với các giải pháp cụ thể như cổ phần hóa hay sáp nhập các mạng di động của VNPT sẽ tuân theo chỉ đạo cụ thể của Chính phủ. Việc nhiều nhà tư vấn đưa ra ý kiến nên cổ phần hóa MobiFone hay hợp nhất hai mạng VinaPhone và MobiFone cũng nằm trong những giải pháp nhằm tái cấu trúc Tập đoàn VNPT mà Hội đồng thành viên của Tập đoàn này đang đề xuất với Chính phủ. Theo ông Đức, ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ TT-TT, VNPT sẽ triển khai từng bước cơ cấu lại Tập đoàn.

Ông Phan Hoàng Đức cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tìm kiếm đối tác chiến lược tham gia quá trình cổ phần hóa MobiFone. Tuy nhiên, do việc cổ phần hóa của MobiFone hết sức đặc thù và được chỉ đạo trực tiếp từ phía chủ sở hữu, vì vậy Ban chỉ đạo cổ phần hóa của MobiFone là do Chính phủ quyết định chứ VNPT không có quyền quyết định.

Năm năm đã trôi qua, tiến độ cổ phần hóa của MobiFone vẫn diễn ra hết sức ì ạch và chưa hề có chuyển biến lớn nào. Theo ông Đức, do giá trị của MobiFone rất lớn nên việc thực hiện cổ phần hóa nhà mạng có lợi nhuận số 1 này phải đảm bảo được lợi ích của quốc gia. MobiFone cũng được xác định sẽ tham gia thị trường quốc tế nên trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp này cần tìm được đối tác chiến lược tốt không chỉ mạnh về vốn, công nghệ mà còn cần có cả kinh nghiệm quản lý. “Việc quyết định cuối cùng cho VNPT thực hiện mô hình nào sẽ do Thủ tướng quyết định”, ông Đức cho biết.

Trước đó, Bộ trưởng TT-TT Lê Doãn Hợp cho hay, trong năm 2011, MobiFone bắt buộc phải thực hiện cổ phần hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều bên cùng lợi

Ông Jacques Fulcrant, Giám đốc Quốc gia của Orange France Telecom tại Việt Nam cho rằng, theo qui định của Nghị định 25, VNPT phải thoái vốn tại 1 trong 2 nhà mạng, đây là qui định hợp lý và logic. Nghị định 25 được ban hành sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề của ngành viễn thông Việt Nam, đặc biệt sẽ thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà mạng. Ông Jacques Fulcrant phân tích, khi cả hai nhà mạng cùng thuộc một công ty mẹ thì có thể tạo ra cạnh tranh không lành mạnh với các nhà mạng khác (chẳng hạn MobiFone và VinaPhone thuộc VNPT sẽ bắt tay nhau cạnh tranh với Viettel, Vietnamobile, S-Fone… - PV). Đồng thời, không tạo điều kiện để chính nhà mạng nâng cao được sức cạnh tranh. “Khi cổ phần hóa, với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, tài chính sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh cho nhà mạng. Đặc biệt là sẽ có lợi cho người tiêu dùng khi được sử dụng một mạng có dịch vụ tốt hơn với giá thành giảm”, ông Jacques Fulcrant nhấn mạnh.

Việc trì hoãn cổ phần hóa quá lâu làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư, do đó giá trị tiềm năng của doanh nghiệp cũng giảm theo

Về mối lo “nồi cơm” của hàng vạn CBCNV thuộc VNPT bị ảnh hưởng sau khi Tập đoàn này thoái vốn ở MobiFone - một trong những nguyên nhân chính khiến tiến trình cổ phần hóa của doanh nghiệp này bị trì hoãn - vị chuyên gia quốc tế này cho rằng, không hoàn toàn là như vậy. Lý giải về quan điểm này, ông Jacques Fulcrant cho hay, khi doanh nghiệp viễn thông đang trong giai đoạn đỉnh cao của sự phát triển, có lợi nhuận cao thì khi cổ phần hóa giá trị cổ phiếu càng có giá trị. Điều này có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Ngược lại nếu trì hoãn cổ phần hóa, đến khi thị trường viễn thông đã bão hòa thì giá trị cổ phiếu của nhà mạng sẽ suy giảm. Mặt khác, việc trì hoãn cổ phần hóa quá lâu sẽ làm giảm bớt sự quan tâm của các nhà đầu tư, do đó giá trị tiềm năng của doanh nghiệp viễn thông cũng mất theo. Lúc đó cả Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động đều phải chịu thiệt thòi.

Tránh bình luận về việc liệu tiến độ cổ phần hóa hết sức chậm chạp của MobiFone trong thời gian vừa qua có được cải thiện hơn hay không sau khi Nghị định 25 ra đời, ông Jacques Fulcrant cho hay, Orange France Telecom đã có mặt ở Việt Nam hơn 10 năm từ trước ngày MobiFone bắt đầu có quyết định cổ phần hóa (năm 2006) và sẽ tiếp theo đuổi mục tiêu là nhà đầu tư chiến lược của MobiFone trong nhiều năm nữa vì việc cổ phần hóa nhà mạng này quả thực rất phức tạp! Có lẽ, không chỉ Orange France Telecom xác định như vậy tại thời điểm này.

Doanh Nhân

Các tin tức khác

>   MobiFone sợ phát hành cổ phiếu giá cao như Vietcombank (05/05/2011)

>   Chính Phủ phát tín hiệu “tăng tốc” cổ phần hóa ngân hàng (28/04/2011)

>   Thông tư 10: Hạn chế cổ đông chiến lược vào NHTM nhà nước khi cổ phần hóa (28/04/2011)

>   Sáp nhập MobiFone và VinaPhone sẽ làm hại cạnh tranh (27/04/2011)

>   Thủ tướng cho phép bán 31,9% cổ phần của MHB (26/04/2011)

>   Tiêu chí chọn đối tác chiến lược cho NHTM Nhà nước cổ phần hóa (26/04/2011)

>   Thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone (25/04/2011)

>   Cổ phần hóa: VNPT khó “lách” luật (24/04/2011)

>   Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa VNSTEEL  (19/04/2011)

>   PVS cổ phần hóa và tăng vốn các công ty con (13/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật