Chính Phủ phát tín hiệu “tăng tốc” cổ phần hóa ngân hàng
(Vietstock) – Chính Phủ phát tín hiệu “tăng tốc” cổ phần hóa ngân hàng quốc doanh. Tuy vậy, việc bảo vệ tài sản và quyền lợi cũng đang được quan tâm không kém. Ngân hàng quốc doanh đang sở hữu khối lượng tài sản nhiều tiềm năng, trong khi giá cổ phiếu lại liên tục sụt giảm và có khả năng kích thích sự thâu tóm.
* Hạn chế cổ đông chiến lược vào NHTM nhà nước khi cổ phần hóa
* Thủ tướng cho phép bán 31,9% cổ phần của MHB
* Agribank chuyển thành Công ty TNHH Một thành viên
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 10/2011/TT-NHNN quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược đối với ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước cổ phần hoá.
Trong đó, đáng chú ý là cổ đông chiến lược nước ngoài phải thỏa mãn nhiều tiêu chí khá cao như phải có tổng tài sản tối thiểu lên tới 20 tỷ USD. Doanh nghiệp trong nước muốn trở thành cổ đông chiến lược của NHTM nhà nước cổ phần hóa phải có tổng tài sản tối thiểu 3,000 tỷ đồng, trong khi tổ chức tín dụng trong nước phải có CAR trên 10%...
Trước đó vào ngày 07/04, trong cuộc họp về quản lý ngoại tệ và bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, Chính Phủ đã phát tín hiệu xem xét chính thức nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược đối với ngân hàng thương mại từ 15% lên 20%.
Theo quy định tại Nghị định 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007, mức sở hữu 20% vốn điều lệ của cổ đông chiến lược tại NHTM phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từng trường hợp.
Trong 5 ngân hàng thương mại nhà nước thì Vietcombank và Vietinbank đã được cổ phần hóa và đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE).
Thông tư 10 vừa được ban hành sẽ mở đường cho việc lựa chọn đối tác chiến lược của hai ngân hàng này trong thời gian tới.
Đáng lưu ý hơn là Chính Phủ có hàng loạt động thái một cách dồn dập trong thời gian vừa qua.
Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu long (MHB) vừa được phê duyệt cổ phần hóa với phương án bán 31.9% vốn điều lệ, cổ đông Nhà nước nắm giữ 68.1% vốn.
Trước đó, NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã được phê duyệt chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn; và có nhiều thông tin cho thấy ngân hàng quốc doanh còn lại NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang lên kế hoạch cổ phần hóa.
Có thể thấy Chính Phủ một mặt đang đánh tín hiệu nới lỏng “room” cho đối tác chiến lược, nhưng mặt khác lại thắt chặt các tiêu chí lựa chọn đối tác đối với các ngân hàng quốc doanh.
Điều này hàm ý rằng Chính Phủ đã sẵn sàng để “tăng tốc” việc cổ phần hóa và mời gọi đối tác đối với các ngân hàng quốc doanh, điều mà giới đầu tư nước ngoài mong chờ trong suốt nhiều năm qua.
Tuy vậy, thông điệp được phát ra là việc bảo vệ tài sản và quyền lợi cũng đang được quan tâm không kém.
Cần để ý là các ngân hàng quốc doanh đang sở hữu khối lượng tài sản nhiều tiềm năng, trong khi giá cổ phiếu lại liên tục sụt giảm trong thời gian qua và có khả năng kích thích sự thâu tóm.
Như Lan
|