Xử lý phát sinh qua biến động về giá
Nếu tính thêm lãi suất tiền gửi và sự biến động tỷ giá, thì một số chỉ số giá quý I/2011 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố sẽ có những thay đổi đáng chú ý và tất yếu sẽ phát sinh những vấn đề cần giải quyết.
Theo giả định của một số chuyên gia kinh tế, nếu cộng thêm 4% lãi suất tiền gửi USD, thì giá USD quý I/2011 sẽ tăng 15% so với quý I/2010, giá xuất khẩu sẽ là 21,46% (tính thêm tốc độ tăng tỷ giá 10,53%); giá nhập khẩu là 19,36% (tính thêm tốc độ tăng tỷ giá 10,53%).
Vẫn theo cách tính trên, giá vàng sẽ tăng với tốc độ cao nhất, gấp 2,9 lần tốc độ tăng CPI. Giá bán sản phẩm của người sản xuất nông, lâm - thủy sản tăng với tốc độ cao thứ hai.
Việc giá bán sản phẩm của người sản xuất nông, lâm - thủy sản tăng là niềm vui của người sản xuất hiện chiếm tới 70% dân số cả nước, chiếm trên dưới một nửa tổng số người làm việc trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, hiện có năng suất lao động còn thấp xa so với những người làm việc trong các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Sự tăng lên với tốc độ cao hơn giá của người sản xuất như vậy, tất yếu sẽ dẫn đến tốc độ tăng CPI (nhóm nông, lâm - thủy sản) trong những tháng sau. Đây là sự cảnh báo cần thiết đối với công cuộc kiềm chế lạm phát.
Theo cách tính trên, giá bán sản phẩm của người sản xuất công nghiệp tăng với tốc độ tuy thấp hơn của người sản xuất nông, lâm - thủy sản, nhưng vẫn tăng cao hơn tốc độ tăng CPI. Đây là điều có lợi cho người sản xuất công nghiệp, nhưng cũng là một cảnh báo cần thiết đối với công cuộc kiềm chế lạm phát, không chỉ trong những tháng tới, mà trong cả năm 2011, thậm chí còn kéo dài sang đầu năm 2012, đòi hỏi phải có sự nhất quán, đồng bộ, quyết liệt hơn.
Giá nguyên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng cao hơn tốc độ tăng giá bán của người sản xuất hàng công nghiệp và tăng cao hơn tốc độ tăng CPI. Điều đó chứng tỏ một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho lạm phát tăng cao là do chi phí đẩy và sẽ tiếp tục làm cho CPI tăng lên trong thời gian tới. Vì vậy, ngoài các giải pháp tập trung vào việc giảm tổng cầu, còn cần phải quan tâm hơn đối với tác động của yếu tố chi phí đẩy đối với lạm phát.
Riêng với giá xuất khẩu hàng hoá quý I, nếu tính thêm tốc độ tăng của tỷ giá 10,53% thì sẽ ở mức 21,46%. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đưa đến kết quả tăng cao của kim ngạch xuất khẩu (33,7%) - cao gấp 3 lần tốc độ tăng theo mục tiêu đề ra cho cả năm và cao gấp 6,2 lần tốc độ tăng GDP trong thời gian tương ứng. Còn giá nhập khẩu quý I tăng 19,36%. Đây cũng là tốc độ tăng khá cao do lạm phát trên thế giới tăng trở lại, nhưng thấp hơn so với tốc độ tăng của giá xuất khẩu, nên xuất khẩu vẫn có lợi hơn về giá so với nhập khẩu và thể hiện tác động tích cực của việc tăng tỷ giá trong thời gian qua.
Tuy nhiên, tốc độ tăng giá hàng hoá nhập khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của giá bán sản phẩm của người sản xuất công nghiệp, cao hơn tốc độ tăng CPI, chứng tỏ tác động của yếu tố chi phí đẩy đối với lạm phát và cũng là hiệu ứng phụ của việc tăng tỷ giá VND/USD.
Từ diễn biến của một số chỉ số giá qua giả định nêu trên, có thể rút ra những vấn đề cần quan tâm xử lý nhằm ổn định kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11 NQ - CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội như sau:
Một là, việc kiềm chế lạm phát, cần được tiếp tục một cách nhất quán, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, do các chỉ số giá vàng, USD, cước vận tải, giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất, giá bán sản phẩm của người sản xuất, giá xuất, nhập khẩu hiện có xu hướng còn tăng và sẽ tiếp tục chuyển vào giá tiêu dùng, làm cho giá tiêu dùng tiếp tục biến động.
Hai là, tiếp tục quản lý tốt hơn thị trường vàng và thị trường ngoại tệ. Trong điều kiện giá vàng, giá ngoại tệ trên thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường thì việc kiểm tra, giám sát, xử lý nếu không được phối hợp thường xuyên, kiên quyết, thiếu sự đồng thuận và nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, người dân không được đáp ứng…, thì thị trường vàng, ngoại tệ sẽ khó kiểm soát hơn.
Ba là, cần tiếp tục quan tâm đến việc giảm tổng cầu và hạn chế tác động của nhóm các yếu tố chi phí đẩy đối với lạm phát.
Bốn là, cả đầu tư, đặc biệt là đầu tư công lẫn chi tiêu dùng sẽ "co" lại trong điều kiện lạm phát cao, nhưng cần phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc cắt giảm đầu tư công với "liều lượng" lớn hơn để chặn đứng lạm phát.
Minh Nhung
đầu tư
|