Thứ Năm, 24/03/2011 06:48

Siết chặt tiền tệ: Sẽ tốt lên trong dài hạn

Có những biến động về lãi suất và tiền tệ, dù khá mạnh mẽ và gây ra những khó khăn ban đầu, nhưng đang tạo ra một trạng thái sẵn sàng để đối phó với những hy vọng tốt lên trong dài hạn.

Một tháng sau khi các quyết định về thắt chặt tiền tệ, cả thị trường và các ngân hàng ngày càng quen dần với việc "siết chặt" và chờ đợi kết quả thực tế. Dù biết rằng, để nhận rõ tác động chính sách tiền tệ và tài khóa ít nhất cũng phải qua một chu kỳ 3-6 tháng, song, ngay từ bây giờ, tất cả vẫn đang hy vọng vào những chuyển biến tích cực để định lại hướng đi một cách rõ ràng hơn.

Khi tín dụng chưa giảm, lạm phát còn cao

Thực hiện siết chặt tiền tệ, một trong những yêu cầu rõ ràng từ Ngân hàng Nhà nước là phải giảm tăng trưởng tín dụng và phương tiện thanh toán. Bằng nhiều cách, hệ thống ngân hàng đã bắt đầu thực hiện việc này, tuy nhiên những con số mới nhất cho thấy chưa có dấu hiệu giảm.

Một thống kê mới đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tính đến 10/3/2011, tổng dư nợ tín dụng tăng 3,68% và tổng phương tiện thanh toán tăng 1,7% so với 31/12/2010. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế, cũng theo báo cáo của Bộ này tính đến 31/3/2010, ước tăng 2,95% so với tháng 12/2009. Như vậy, tăng trưởng tín dụng quý I/2011 sẽ cao hơn cùng kỳ 2010?

Mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh khi thông báo, quý I/2010, dư nợ tín dụng tăng 3,34% so với cuối năm 2009. Nhưng là con số nào thì thực tế rõ ràng là tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn cao.

Trong khi đó, cả toàn bộ DN và nền kinh tế đang hết sức trông ngóng chỉ số CPI cuối tháng 3 và ba tháng đầu năm. Dù chưa có con số chính thức nhưng từ chỉ số giá cả của các địa phương lớn và dự báo của cả nước đã cho thấy, giá cả tháng 3 vẫn tiếp tục tăng mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng đến hết tháng 3 có thể lên đến trên 6%. Mục tiêu kìm lạm phát ở mức 7% coi như không thể thực hiện được, và dù không đề xuất điều chỉnh tại kỳ họp Quốc hội lần này nhưng thực tế đã cho thấy nó không còn ý nghĩa.

Chưa có tìn hiệu cho thấy tăng trưởng tín dụng giảm.

Trong khi đó, dự báo mới nhất từ Ngân hàng Thế giới vẫn cho rằng, lạm phát năm 2011 của Việt Nam có thể lên đến 9,5%. So với thực tế gần đây, con số 9,5% không có gì là lạ, nhưng với sự thay đổi trong mục tiêu điều hành chuyển hướng và tập trung cho ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát thì lạm phát đi về đâu chưa ai dám dự đoán.

Thời điểm này, chúng ta nhận thấy một sự thống nhất trong phát ngôn là và quán triệt hành động là tập trung chống lạm phát một cách quyết liệt để tạo sự ổn định vĩ mô. Và tất cả đều có tâm lý đón nhận và sẵn sàng cho những khó khăn nhất nhưng cũng hy vọng nhất cho một sự ổn định dài hạn.

Mới qua 3 tháng đầu năm và mới một tháng sau khi có những chỉ đạo của Chính phủ nên còn quá sớm để nói về những thay đổi theo chiều hướng mong muốn. Chúng ta có niềm tin khi mọi việc đang được triển khai nhất quán và quyết liệt thì sẽ có những thay đổi tích cực.

Tuy nhiên, nhìn vào đà diễn tiến của những chính sách và thị trường trước đây vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh, còn có những tồn dư không dễ gì loại bỏ sớm được. Điều này chắc chắn sẽ gây ra những khó khăn và thách thức, mà việc điều hành các chính sách tiếp theo không hề dễ dàng.

Tiền tệ những phản ứng đến sớm

Như mọi lần, chính sách tiền tệ luôn là giải pháp chủ lực và đi đầu và tất nhiên nó cũng tạo ra những phản ứng sớm trên thị trường và cho cả nền kinh tế. Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị siết chặt và đốc thúc, giám sát, toàn bộ hệ thống ngân hàng đã vào cuộc. Lập tức người ta đã nhận thấy những thay đổi không dễ chịu chút nào.

Đầu tiên, đối với lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần nâng các lãi suất cơ bản lên cao hơn nhằm siết chặt các nguồn vốn trên thị trường, tạo sức ép để các tổ chức tín dụng giảm tăng trưởng. Thậm chí, trong những lần nói bóng gió, cơ quan quản lý cho biết có thể tính đến chuyện tăng dự trữ bắt buộc nếu các liệu pháp hiện nay chưa tác dụng như mong muốn. Còn hệ thống các ngân hàng cũng đồng loạt tuyên bố: siết chặt cho vay, tăng cường kiểm soát, hạn chế đầu tư...

Trong một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng điều này đã tác động nhiều đến DN, chứng khoán và bất động sản.

Lãi suất trên thị trường hiện nay được khống chế ở mức 14% đối với huy động vốn, nhưng để huy động được trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân hàng trung ương và thị trường liên ngân hàng đã siết chặt thì lãi suất bằng mọi cách được đẩy lên cao. Dù chưa thừa nhận, nhưng mức phổ biến có khi lên đến 17%. Tuy nhiên, đó được xem như là một sự tất yếu, một phản ứng để tăng huy động vốn và bảo toàn thanh khoản của các ngân hàng khi lường trước có thể có những biện pháp siết chặt mạnh hơn.

Thị trường tiền tệ, thị trường vàng, USD... còn ngóng thông tin chính sách từ Ngân hàng Nhà nước.

Đi kèm huy động, lãi suất cho vay được đẩy lên cao. Dù ai cũng tuyên bố ưu tiên cho sản xuất nhưng với lãi suất cho vay cao trên dưới 20% thì việc vay vốn kinh doanh đã trở nên khó khăn đối với các DN. Đói vốn là thực tế được nhiều DN thừa nhận và buộc phải có những phản ứng phù hợp. Kẻ có tiềm lực thì tìm kiếm những nguồn vốn mới còn nhưng người yếu hơn đành chấp nhận đứng im chờ thời.

"Đói vốn" cũng là thực tế và lo ngại lớn nhất đối với hai kênh đầu tư sôi động chứng khoán và bất động sản. Hạn chế cho vay đã khiến chứng khoán, dù có một vài cơn xáo động tăng, cũng không thể cưỡng nỗi chiều đi xuống khi nguồn tiền vào ngày càng ít đi và kinh tế vĩ mô chưa đủ tạo niềm tin để nhà đầu tư mạnh tay bỏ vốn tự có.

Tương tự, thiếu vốn cũng buộc các nhà đầu tư bất động sản lo ngại và chùn bước. Đã có những dự đoán về sự đi xuống, đóng băng hay tháo chạy khỏi thị trường... Sự khẳng định từ chính các DN bất động sản và những báo cáo mới đây cũng cho thấy đó không còn là nguy cơ mà là thực tế buộc phải chấp nhận.

Một số chuyên gia nhận định, những hành động từ phía ngân hàng không thể sớm có tác động về kinh tế, nhưng rõ ràng một thái độ quyết liệt từ nơi khởi phát nguồn tiền của nền kinh tế đã mang lại một sự cảm nhận và sự chuẩn bị tâm lý tốt cho thị trường. Điều đó buộc chính các DN và thị trường phải làm quen dần với những thay đổi đó và buộc phải tự điều chỉnh.

Chuẩn bị tâm thế để điều chỉnh và đối phó với khó khăn chính là cái được đầu tiên của những chính sách. Từ đó có thể nghĩ đến những sự điều chỉnh và ổn định hơn về dài hạn.

Trong khi đó, trên những khía cạnh khác của tiền tệ, như USD và vàng, dường như vẫn chưa có nhiều biện pháp mới. Ở đó mới nhận thấy những sự tăng cường kiểm tra và siết chặt hành chính hơn là những chính sách để tạo ra niềm tin và sự thông thoáng trong giao dịch. Người ta không dám giao dịch USD nhưng cũng chưa ai dám tin về sự bình ổn của thị trường khi ngân hàng vẫn khó khăn trong bán USD cho người dân.

Còn với vàng, chưa có một sự thay đổi nào về chính sách nhưng lại có quá nhiều biến động trong các tuyên bố về dự báo chính sách. Thị trường cứ thế náo loạn và lao theo các dự báo này, trong khi quy định chính thức để quản lý vẫn đang phải chờ.

Thời khó khăn, tất yếu sẽ có những biến động. Thực tế cho thấy, có những biến động về lãi suất và tiền tệ, dù khá mạnh mẽ và gây ra những khó khăn ban đầu, nhưng nó đang tạo ra một trạng thái sẵn sàng để đối phó với những hy vọng tốt lên trong dài hạn. Rồi lại có những biến động khiến cho người dân không biết sẽ tin vào đâu: USD sẽ đóng mở thế nào, vàng sẽ đi về đâu? Những thực tế đó chính là đòi hỏi và sự lựa chọn cần thiết cho nhà quản lý trong điều hành chính sách thời gian tới.

Trông chờ tài khóa và giá cả

Cùng với tiền tệ, tài khóa với gọng kìm chính là cắt giảm đầu tư và siết chặt chi tiêu đã được đưa ra. Tuy nhiên, bài học trước đây buộc chúng ta cần chờ thêm những bước đi và hiệu quả thực tế từ hướng này.

Cho đến nay, đầu mối về cắt giảm đầu tư công - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đã vào cuộc với hàng loạt đoàn kiểm tra đầu tư các địa phương, các tập đoàn và tổng công ty... để rà soát và lên danh sách các dự án có thể giãn, hoãn và cắt giảm. Trong khi đó, từ các bộ ngành và địa phương cũng đã vào cuộc để "soi lại mình" để quyết định cắt giảm theo yêu cầu của Chính phủ.

TTCK, BĐS là 2 trong số các lĩnh vực bị thu hẹp cho vay.

Vì thế, điều chúng ta mong chờ nhất hiện nay chính là một bản danh sách công khai về các dự án và các khoản đầu tư sẽ thuộc diện cắt giảm lần này. Nếu chúng ta đã từng xác định, hiệu quả đầu tư công kém hiệu quả là một nguyên nhân gây nên tình trạng hiện nay thì bản danh sách này càng được mong đợi và hy vọng rất nhiều.

Tuy nhiên, nói như TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sẽ không dễ để cắt giảm hay hoàn một dự án đầu tư. Đó là, chưa nói đến các quyền lợi và lợi ích liên quan mà bản thân mỗi dự án và các khoản đầu tư khi đã ra quyết định đều có lý do và cả quá trình thẩm định - để phủ định điều đó không hề đơn giản, bởi thực tế năm 2008 cũng cho thấy, cắt giảm đầu tư công không dễ chút nào, và kết quả chưa đạt như mong muốn.

Từ một phía khác, chính sách giá cả cũng đang được thực thi quyết liệt nhưng lại theo hướng có vẻ ngược chiều.

Sau điều chỉnh tăng với giá điện và xăng, cơ quan nhà nước tiếp tục giữ quan điểm thị trường đối với nhiều mặt hàng giá khác như: than, xăng dầu, cước vận tải... và cho rằng đã thị trường thì sẽ được chấp nhận.

Có điều gì đó khác biệt giữa kiềm chế lạm phát và tăng giá. Mỗi khi tăng giá sẽ có rất nhiều giải thích, nhưng điều chắc chắn nó sẽ khiến giá cả lên một mặt bằng giá mới và người dân sẽ phải làm quen với sự đắt đỏ hơn.

Có lẽ, đã đến lúc cả nền kinh tế phải làm quen với giá cả theo xu hướng hội nhập và chờ đợi một sự ổn định, ổn định trên một mặt bằng giá cao hơn.

Một tháng sau các quyết định của Chính phủ, tất cả mới chỉ bắt đầu nhưng cũng đã có nhiều biến động. Tất nhiên, sẽ còn những biến động mới và sẽ có những "đòn đau" mới trước khi hy vọng vào một sự ổn định dài hạn, nhưng xin nhắc lại đó sẽ là sự ổn định trên một mặt bằng mới đắt đỏ hơn. Điều đó buộc mỗi chúng ta phải thay đổi nhiều hơn.

Lê Khắc

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   TP.HCM mời Anh cùng xây khu tài chính Thủ Thiêm (23/03/2011)

>   Trình Quốc hội thông qua Luật Kiểm toán độc lập (23/03/2011)

>   Kiểm toán Nhà nước có Phó Tổng Kiểm toán mới (15/03/2011)

>   Nhiều công ty kiểm toán có quy mô quá nhỏ (14/03/2011)

>   Bổ nhiệm Thứ trưởng mới Bộ Tài chính (14/03/2011)

>   Tuần tới, kiểm toán Nhà nước sẽ "sờ gáy" 2 ngân hàng lớn (13/03/2011)

>   Thúc đẩy hợp tác tài chính, đầu tư Anh - Việt Nam (12/03/2011)

>   Điều chỉnh tỉ giá: Cần kết hợp đồng bộ ! (05/03/2011)

>   27.000 tỷ đồng để tăng lương tối thiểu từ tháng 5 (02/03/2011)

>   9 kiểm toán viên bị kỷ luật (28/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật