Hai giải pháp mới cho tỷ giá
Sẽ có thêm hai quy định mới về tỷ giá khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố sẽ ban hành thông tư cho phép ngân hàng thương mại thu phí tối đa 2% khi bán ngoại tệ mặt cho người dân có nhu cầu chính đáng và đề xuất cho phép doanh nghiệp - tổ chức tín dụng được thỏa thuận tỷ giá kỳ hạn (forward) từ ba tháng đến một năm.
Cầu ngoại tệ vẫn cao
Sau khi xuống đến mức 20.870 đồng/đô la Mỹ vào ngày 16-3-2011, tỷ giá thị trường liên ngân hàng nhích lên 21.230 đồng/đô la Mỹ vào đầu tuần này. NHNN đã mua được hàng trăm triệu đô la Mỹ để đưa vào dự trữ ngoại hối và cung ra thị trường lượng tiền đồng tương ứng. Nhờ đó, lãi suất tiền đồng qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm về quanh ngưỡng 14-15%/năm. Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn ngắn từ một vài tuần, một tháng vẫn đứng ở mức trên 20%/năm.
Trong khi mua vào ngoại tệ, NHNN đã hút về nhiều hơn lượng tiền đồng qua thị trường mở. Theo hãng tin Bloomberg và Reuters, trong 15 ngày đầu tháng 3, NHNN đã hút ròng 14.000 tỉ đồng và tuần trước hút ròng thêm 11.000 tỉ đồng từ kênh này.
Theo một số ngân hàng, cầu ngoại tệ vẫn cao đã đẩy tỷ giá liên ngân hàng tăng. Không ít nhà nhập khẩu đã tăng cường mua ngoại tệ vì hai lý do. Thứ nhất họ có thể sẽ không được vay đô la Mỹ nếu NHNN thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ khi sửa đổi, bổ sung Thông tư 25. Thứ hai, giá nguyên vật liệu thế giới đang tăng, họ tranh thủ nhập sớm để tránh giá cao. Bên cạnh đó, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy mức nhập siêu thực của tháng 2-2011 là 1,16 tỉ đô la Mỹ, cao hơn so với mức 950 triệu đô la Mỹ mà Bộ Công Thương dự báo (Bộ Công Thương công bố nhập khẩu tháng 2 là 6,2 tỉ đô la Mỹ, xuất khẩu 5,25 đô la Mỹ trong khi theo Tổng cục Hải quan thì kim ngạch xuất khẩu là 4,8 tỉ đô la Mỹ và nhập khẩu là 5,96 tỉ đô la Mỹ).
Khoảng trống linh hoạt
Việc cho phép ngân hàng thu phí khi bán ngoại tệ mặt cho người dân và sử dụng tỷ giá kỳ hạn thực chất là tạo một khoảng trống linh hoạt cho tỷ giá. Chẳng hạn, tỷ giá niêm yết bán ra của ngân hàng là 20.880 đồng/đô la Mỹ, cộng thêm 2% phí sẽ thành 21.298 đồng/đô la Mỹ, ngang với thị trường tự do.
Ngân hàng Đông Á là ngân hàng đầu tiên lên tiếng bán đô la Mỹ cho người dân có cộng phí. Người mua phải có đủ giấy tờ cần thiết và báo trước với Đông Á một tuần trước ngày mua. Hạn mức bán tùy vào mục đích công tác, du học, chữa bệnh hay du lịch cũng như thời gian ở nước ngoài.
Vấn đề ngược lại: người dân có ngoại tệ, muốn bán cho ngân hàng, thì ngân hàng có được trả phí 2% không? Nếu không thì việc mua vào tiếp tục ách tắc và hàng tỉ đô la Mỹ kiều hối mỗi năm vẫn không thể chảy vào ngân hàng theo kênh thương mại. Ở phía bán ra, hợp pháp hóa việc thu phí sẽ gỡ khó cho ngân hàng. Ngoài ra trần mức phí 2% không nhất thiết cố định. Trong trường hợp cung cao, cầu thấp, ngân hàng có thể điều chỉnh phí cho phù hợp.
Việc sử dụng tỷ giá kỳ hạn có ý nghĩa khác. Thay vì mua bán ngoại tệ giao ngay, doanh nghiệp có thể ký hợp đồng mua bán bây giờ theo giá cả tương lai và giao nhận trong tương lai. Như vậy, áp lực mua ngoại tệ để tích trữ cũng như việc găm giữ ngoại tệ sẽ giảm đi. Cả cung và cầu đều được đẩy về tương lai dựa trên cơ sở nhận và thanh toán ngoại tệ tại một điểm nào đó trong tương lai. Với tỷ giá kỳ hạn, tất cả đều phải tính toán. Anh ký hợp đồng mua đô la Mỹ kỳ hạn sáu tháng giá cao, thí dụ tỷ giá hiện tại + X đồng (hay Y%) mà đến ngày hợp đồng thực hiện, tỷ giá xuống hơn mức hiện tại do cung cao, anh chắc chắn thiệt. Cho nên không phải cứ mua ngoại tệ kỳ hạn là an toàn. Cũng tương tự như vậy với người bán.
Tỷ giá kỳ hạn là một công cụ phái sinh có ý nghĩa phòng vệ nếu sự phòng ngừa được đặt đúng thời điểm, liều lượng. Nó đặc biệt gắn kết với kỳ vọng của doanh nghiệp về biến động tỷ giá. Trong vòng 1-2 tháng tới, dự báo NHNN sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ vì chỉ số CPI tháng 3 đã lên mức cao nhất trong hai quí vừa qua. Nếu mua thêm được ngoại tệ, NHNN vẫn cân đối lượng tiền đồng hút về để trung hòa lượng tiền bơm ra do mua ngoại tệ. Lãi suất tiền đồng do đó sẽ còn đứng ở đỉnh một thời gian, ít nhất cho đến khi chỉ số CPI của tháng 4-2011 được công bố.
Thêm vào đó, không thể không tính đến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao đang và sẽ tác động đến tỷ giá. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra con số tăng trưởng tín dụng đến ngày 10-3-2011 là 3,68% so với cuối năm 2010. Trong cơ cấu tăng trưởng tín dụng, tín dụng ngoại tệ tăng cao hơn tiền đồng. Điều này là tất yếu khi lãi suất cho vay tiền đồng quá cao và chênh lệch so với lãi suất đầu ra của ngoại tệ. Sắp tới, chỉ những đối tượng có nguồn thu ngoại tệ mới được vay ngoại tệ, số doanh nghiệp còn lại sẽ chuyển sang quan hệ mua bán. Sự chuyển đổi quan hệ gửi vay sang mua bán có thể đẩy cầu ngoại tệ lên trong thời gian đầu vì các nhà xuất khẩu sẽ vẫn giữ tâm lý thận trọng trước khi bán ngoại tệ.
Tỷ giá bước đầu đã có chuyển biến tích cực, song rõ ràng nó cần thêm thời gian để chính sách ngấm dần và để người dân cũng như doanh nghiệp nhận ra đường đi nước bước phù hợp trong bối cảnh mới mà sự thay đổi chính sách tạo ra.
Hải Lý
tbktsg
|