Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm toán độc lập
Ban hành Luật Kiểm toán độc lập nhằm tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, đáp ứng cam kết thương mại quốc tế, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp và của nền kinh tế nói chung.
Các đại biểu cũng đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật đủ chất lượng và đủ kiện để Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này.
Các đại biểu Trần Văn Thời (Thái Nguyên), Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng), Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, về quản lý nhà nước, Luật giao cho Bộ Tài chính đứng ra cấp chứng chỉ hành nghề cho kiểm toán viên và chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán là hợp lý trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, ngay bây giờ cần chuẩn bị các điều kiện để tiến tới chuyển giao các chức năng này cho Hiệp hội nghề nghiệp thực hiện, vừa giảm tải cho quản lý nhà nước và xã hội hóa ngành nghề kiểm toán, thúc đẩy kiểm toán phát triển.
Bên cạnh đó, ĐB Mỹ Hương, Cao Sỹ Kiêm cũng chưa đồng tình với quy định bắt buộc kiểm toán viên hành nghề phải là Hội viên của Hội nghề nghiệp. “Quy định như trên là dùng mệnh lệnh hành chính đối với kiểm toán viên, trong khi bản chất hoạt động của hội nghề nghiệp là trên tinh thần tự nguyện”, đại biểu Mỹ Hương phân tích.
Đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) đề nghị đưa vào Luật chế tài thật nghiêm để xử lý các kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán để tránh trục lợi, tiêu cực trong quá trình hành nghề.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, chất lượng của báo cáo kiểm toán phụ thuộc rất nhiều vào trí, tâm của người kiểm toán. Bởi bản chất của các công ty này là tổ chức “đối nhân” chứ không phải “đối vốn”, với tài sản lớn nhất là trí tuệ và phẩm chất của họ khi thực hiện dịch vụ kiểm toán.
“Chúng ta phải sớm có chiến lược đào tạo nhân lực ngành kiểm toán để đáp ứng được nhu cầu của xã hội lành mạnh hóa hơn nữa các hoạt động kiểm toán”, đại biểu Lịch đề nghị.
Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh Ngô Minh Hồng thì kiến nghị Ban soạn thảo phải làm rõ khái niệm về kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề, các quyền và nghĩa vụ liên quan đối với hai loại hình kiểm toán viên này.
Đại biểu Hồng cũng cho rằng, không nhất thiết phải quy định kiểm toán viên hành nghề phải là Hội viên hội nghề nghiệp.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh (ĐB Nam Định) cho biết sẽ cùng với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo hoàn thiện hơn nữa trước khi Quốc hội thông qua.
Vẫn theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, cũng cho biết sự khác nhau giữa kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề là khá rõ ràng. Theo đó, kiểm toán viên hành nghề được quyền đứng ra thành lập doanh nghiệp, và ký vào báo cáo kiểm toán cũng như chịu trách nhiệm về báo cáo đó.
Đối với quản lý nhà nước và kiểm toán viên hành nghề là Hội viên nghề nghiệp hay không, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho hay sẽ tiếp thu và đưa ra Quốc hội biểu quyết.
Theo chương trình Kỳ họp, dự án Luật Kiểm toán độc lập sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 29/3/2011.
Lê Sơn
Chính phủ
|